Góp phần quan trọng vào quá trình đó là các HTX nông nghiệp – cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp và thị trường – cùng sự đồng hành sát sao của Liên minh HTX Việt Nam trong việc đào tạo, hỗ trợ vốn và xúc tiến thương mại. Chính từ những mô hình liên kết này, bài toán xóa đói giảm nghèo ở nhiều vùng quê Tuyên Quang đã có lời giải rõ ràng.
Từ manh mún đến liên kết bài bản
Trước đây, việc sản xuất nông nghiệp ở Tuyên Quang còn chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp. Nông dân thường xuyên bị ép giá, được giá mất mùa hoặc được mùa mất giá.
Nhưng nay, bức tranh sản xuất nông nghiệp đang thay đổi nhờ sự ra đời và phát triển của gần 120 chuỗi liên kết sản xuất theo mô hình HTX. Đây là những mô hình không chỉ tạo ra giá trị kinh tế, mà còn giúp người dân từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
![]() |
Sản xuất bài bản giúp nông dân, HTX ở Tuyên Quang nâng cao giá trị kinh tế. |
Tiêu biểu là HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tâm Hương – một điểm sáng trong phát triển mô hình khép kín từ chăn nuôi, trồng trọt đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Với phương châm “từ trang trại đến bàn ăn”, HTX Tâm Hương đã thiết lập thành công chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trực tiếp liên kết với người dân tại các xã trên địa bàn để bao tiêu đầu ra ổn định.
“Chúng tôi chủ động cung ứng đầu vào, tổ chức sản xuất theo hợp đồng và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Điều này không chỉ giúp nông dân yên tâm sản xuất mà còn tạo ra chuỗi giá trị bền vững”, ông Nguyễn Đình Tâm – Giám đốc HTX – chia sẻ.
Hiện, HTX đang vận hành 3 cửa hàng giới thiệu nông sản OCOP với hơn 400 sản phẩm đặc trưng, trong đó phần lớn đến từ mô hình liên kết với người dân trên địa bàn tỉnh.
Cùng với các HTX, các hộ sản xuất ở Tuyên Quang cũng ngày càng cho thấy sự chủ động trong sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững. Như tại thôn 4, xã Thái Bình (mới), ông Nguyễn Tiến Hưng là một trong những nông dân được lựa chọn xây dựng mô hình “vườn mẫu” liên kết với HTX.
Tự tin làm giàu bền vững
Với diện tích khoảng 5.000 m², ông Nguyễn Tiến Hưng tổ chức sản xuất cây ăn quả, rau xanh, chăn nuôi và nuôi ong theo quy trình kỹ thuật mới. Nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật từ HTX và chương trình khuyến nông, thu nhập của gia đình ông từ 5 triệu đồng/tháng đã tăng lên 20 triệu đồng/tháng – một bước tiến đáng kể trong cải thiện đời sống.
Câu chuyện của ông Hưng không phải là cá biệt. Tại xã An Khang (nay thuộc phường An Tường mới), HTX nuôi ong Phong Thổ đã triển khai thành công mô hình nuôi ong lấy mật kết hợp với liên kết tiêu thụ tại xã Thái Bình (mới).
Để nâng cao thu nhập cho các hộ liên kết, HTX hỗ trợ giống ong, kỹ thuật, vật tư và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm mật ong cho các hộ dân tham gia.
“Chúng tôi luôn đồng hành cùng người nuôi ong, đảm bảo đầu ra với giá thị trường, từ đó giúp người dân yên tâm phát triển đàn ong và mở rộng quy mô”, ông Trần Xuân Phong – đại diện HTX Phong Thổ cho biết. Hiện tại, HTX đã nhân rộng được quy mô lên 900 đàn/18 hộ, với doanh thu trung bình hơn 130 triệu đồng/hộ/năm.
Để các mô hình HTX phát triển và nhân rộng, vai trò của Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh là không thể thiếu. Tại Tuyên Quang, thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển HTX, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, từ hỗ trợ vốn vay ưu đãi, đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, đến xúc tiến thương mại và bảo hộ thương hiệu sản phẩm…
![]() |
Vào HTX giúp nông dân Tuyên Quang có thêm nội lực để thoát nghèo, làm giàu. |
Nhiều HTX tại địa phương đã được tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu do Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang tổ chức, giúp nâng cao năng lực quản trị, quản lý tài chính, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh bài bản.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam cũng kết nối HTX với các doanh nghiệp phân phối lớn tại Hà Nội, TP.HCM, giúp nông sản địa phương mở rộng thị trường và tăng giá trị.
Một trong những tác động lớn nhất của các chuỗi liên kết là giúp thay đổi tư duy sản xuất manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung, có kiểm soát chất lượng và gắn với thị trường.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang cũng phối hợp chặt chẽ với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh để hỗ trợ các HTX tiếp cận vốn, công nghệ, xây dựng thương hiệu và đặc biệt là phát triển các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp xanh, bền vững.
Thúc đẩy nông nghiệp theo chuỗi
Không chỉ dựa vào sự năng động của HTX và nỗ lực của nông dân, tỉnh Tuyên Quang còn cụ thể hóa nhiều chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, như triển khai hiệu quả Nghị định 98/2018/NĐ-CP về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh xác định rõ các giải pháp trọng tâm như tập huấn nâng cao năng lực quản trị HTX, xây dựng hợp đồng liên kết minh bạch, hỗ trợ tiếp cận thị trường và giám sát thực hiện chuỗi liên kết nhằm hạn chế tình trạng đứt gãy, manh mún.
Tuy vậy, tỷ lệ giá trị sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết chưa cao cho thấy vẫn còn dư địa rất lớn để phát triển. Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp tỉnh đang khuyến khích xây dựng các mô hình điểm, phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến sâu và thị trường tiêu thụ ổn định.
Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, các HTX còn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Khi người dân có việc làm ổn định, thu nhập tăng, đời sống nâng cao thì các tiêu chí về văn hóa, xã hội, môi trường cũng từng bước được cải thiện.
Một số xã vùng sâu, vùng xa của Tuyên Quang từng là “vùng trũng” của nghèo đói, nay đã có nhiều đổi thay nhờ sản xuất nông nghiệp hàng hóa và chuỗi liên kết do HTX dẫn dắt.
Việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có sự tham gia của doanh nghiệp và HTX, đã đưa nông dân Tuyên Quang thoát khỏi vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá”. Cùng với đó, các sản phẩm nông sản địa phương như chè, mật ong, cam sành, gà đồi… ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh, nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 - 4 sao, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
Từ những mô hình HTX liên kết chặt chẽ với nông dân và doanh nghiệp, Tuyên Quang đang chứng minh rằng xóa đói giảm nghèo không còn là khẩu hiệu, mà là hiện thực sống động diễn ra mỗi ngày trên khắp các làng quê.
Đông Phong