Trước đây, khi nhắc đến Khang Ninh, Cao Thượng hay Nam Mẫu, người ta thường hình dung về những vùng đất thuần nông với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm vừa qua, một luồng sinh khí mới đã được thổi vào vùng đất này.
HTX là một trụ cột kinh tế
Với sự định hướng và hỗ trợ kịp thời của chính quyền, Liên minh HTX tỉnh, mô hình kinh tế tập thể, đặc biệt là các HTX, đã thực sự trở thành động lực quan trọng giúp người dân giảm nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Hiện, trên địa bàn xã Ba Bể đã có nhiều HTX và tổ hợp tác đang hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX, tổ hợp tác này đã thể hiện rõ vai trò tiên phong trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương để liên kết sản xuất, chế biến nông sản thành hàng hóa có giá trị, được thị trường đón nhận. Điều này không chỉ tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho thành viên mà còn lan tỏa lợi ích đến các hộ dân liên kết.
Một trong những minh chứng rõ nét nhất cho sự thành công của mô hình này là việc xã Ba Bể đã có nhiều sản phẩm OCOP được đánh giá cao. Trong đó, HTX Hoàng Huynh nổi bật với Trà giảo cổ lam, chuối sấy dẻo; còn HTX Hoàng Hương ghi dấu ấn với thịt lợn chua, thịt lợn áp chảo, lạp sườn gác bếp, tép chua và mắm tép chưng thịt.
![]() |
Sản phẩm của HTX Hoàng Hương trưng bày ở các hội nghị, hội chợ. |
Thành lập vào tháng 9/2021, HTX Hoàng Hương ra đời trên cơ sở Tổ hợp tác sản xuất và chế biến đặc sản khu vực hồ Ba Bể. Với 8 thành viên là những người dân tộc thiểu số sinh sống quanh vùng hồ, có kinh nghiệm lâu năm trong việc chế biến các món ăn truyền thống như tép chua, mắm tép chưng thịt, thịt chua, lạp sườn, HTX đã nhanh chóng biến những sản phẩm quen thuộc này thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Các sản phẩm của HTX Hoàng Hương đều được đầu tư về xuất xứ, nguồn gốc, nhãn mác, bao bì, đáp ứng tiêu chuẩn để xuất bán rộng rãi trên thị trường.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất, HTX Hoàng Hương đã chủ động liên kết thu mua thịt lợn sạch bản địa từ người dân địa phương. Mỗi năm, HTX chế biến khoảng 1,5 tấn thịt lợn thành các sản phẩm thịt chua, lạp sườn, thịt áp chảo. Bên cạnh đó, HTX cũng thu mua khoảng 80kg tép tươi mỗi tháng từ những người dân đánh bắt tại hồ Ba Bể để sản xuất tép chua. Điều này không chỉ giúp HTX có nguồn nguyên liệu chất lượng mà còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân liên kết, đặc biệt là những người làm nghề đánh bắt thủy sản. Dù mới thành lập, doanh thu năm 2021 của HTX Hoàng Hương đã đạt hơn 100 triệu đồng, một con số đầy triển vọng.
Chị Hoàng Thị Hương, Giám đốc HTX Hoàng Hương, chia sẻ: "Việc các sản phẩm của HTX được xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh đã tạo cơ hội lớn để khẳng định thương hiệu và chất lượng, giúp nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm của chúng tôi hơn. Nhờ đó, doanh thu của HTX cũng tăng lên đáng kể”.
Hiện tại, các sản phẩm chủ yếu được cung cấp cho các nhà hàng, một số điểm đại lý bán lẻ và được giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, HTX cũng đang phát triển đa dạng sản phẩm với quy mô nuôi 400 con gà và trồng bí xanh đạt sản lượng 6 tấn/năm.
Đầu tư cho sản xuất
Cùng với Hoàng Hương, HTX Hoàng Huynh cũng là một điểm sáng trong việc liên kết sản xuất, chế biến các loại cây trồng của địa phương thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Các sản phẩm chủ lực của HTX Hoàng Huynh là trà giảo cổ lam và chuối sấy dẻo.
Để có vùng nguyên liệu ổn định, HTX Hoàng Huynh đã liên kết với 25 hộ dân trồng và bao tiêu sản phẩm quả chuối xanh, cùng với 20 hộ dân trồng và bao tiêu cây giảo cổ lam. Đến nay, HTX có vùng nguyên liệu trồng chuối rộng khoảng 30ha. Bình quân mỗi tháng, HTX chế biến được 15 tấn chuối tươi và khoảng 5 tấn giảo cổ lam tươi, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
![]() |
HTX Hoành Huynh đầu tư máy móc để chế biến nông sản. |
Đặc biệt, nhờ cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, sự đồng hành của Liên minh HTX tỉnh, HTX đã được đầu tư mua sắm 5 máy sấy nông sản, góp phần nâng cao hiệu suất sản xuất và giá trị của sản phẩm. Ngoài ra, HTX còn phát triển thêm sản phẩm chuối sấy giòn và phấn đấu liên kết mở rộng thêm diện tích trồng chuối tại địa phương.
Đặc biệt sau khi sáp nhập, xã Ba Bể đã mở rộng số lượng HTX. Như ở xã Nam Mẫu (cũ) đang có HTX Ba Bể Organic Farm chuyên sản xuất nông sản, phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài ra còn có HTX Du lịch sinh thái Ba Bể cũng tận dụng tiềm năng địa phương phát triển du lịch cộng đồng…
Tầm nhìn phát triển bền vững
Sự hoạt động hiệu quả của các HTX trên địa bàn xã Ba Bể đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu sẵn có, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và các hộ dân liên kết. Đồng thời, những sản phẩm OCOP cũng là cầu nối để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và đặc sản đặc trưng của xã đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Nhận thấy vai trò quan trọng của mô hình kinh tế tập thể, HTX, xã Ba Bể xác định phát triển thêm mô hình tổ hợp tác, HTX là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để mở rộng số lượng sản phẩm OCOP và nâng cao thu nhập cho người dân.
Vì vậy, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, vận dụng các cơ chế, chính sách của tỉnh, phối hợp với Liên minh HTX tỉnh để hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX phát triển ổn định, bền vững, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng, sạch và an toàn với người tiêu dùng, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Với những bước đi vững chắc trong việc phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là các HTX gắn với chương trình OCOP, xã Ba Bể đang thực sự chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.
Đây không chỉ là câu chuyện thành công của một địa phương mà còn là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc thay đổi tư duy, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy nội lực của cộng đồng. Tương lai của Ba Bể hứa hẹn sẽ ngày càng khởi sắc, với những sản phẩm đặc trưng vươn xa, mang lại cuộc sống ấm no cho bà con vùng hồ.
Trí Chiến