Sự khác biệt từ các HTX, hộ trồng hồ tiêu đến từ chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ. Việc này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ đất đai, môi trường mà mô hình này còn từng bước mở ra hướng đi bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
“Đi ngược số đông” để giữ lại giống bản địa
Câu chuyện chuyển đổi tiêu biểu bắt đầu từ xã Nam Yang (nay thuộc xã Kon Gang, tỉnh Gia Lai), nơi HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang đã tiên phong khôi phục giống tiêu bản địa Lệ Chí.
Trong khi phần lớn nông dân tại khu vực chuyển sang các loại cây trồng khác hoặc bỏ cây tiêu vì giá giảm mạnh, lãnh đạo và các thành viên của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang vẫn quyết định phục tráng giống tiêu sẻ đặc trưng, đồng thời theo đuổi con đường sản xuất hữu cơ.
![]() |
Chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ là hướng đi tất yếu của các HTX, nông dân trồng hồ tiêu (Ảnh: BGL). |
“Bị coi là lập dị, nhưng chúng tôi biết nếu đất không sạch, cây không khỏe, thì người cũng không thể yên”, bà Nguyễn Thị Nga làm Phó Giám đốc HTX, chia sẻ.
Chính sự kiên trì, tâm huyết trong việc giữ giống, giữ đất và giữ niềm tin của thành viên HTX Nam Yang đã tạo nền móng để cây tiêu Lệ Chí không chỉ hồi sinh mà còn vươn ra thị trường với chất lượng và giá trị vượt trội.
Đến nay, HTX Nam Yang đã có 80ha hồ tiêu, trong đó hàng chục hecta đã được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu. Sản phẩm tiêu hữu cơ Lệ Chí đã được phân hạng OCOP 5 sao quốc gia, trở thành niềm tự hào không chỉ của HTX mà còn của địa phương trong hành trình xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng.
Chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ không chỉ là thay đổi kỹ thuật canh tác, mà còn là một bước ngoặt về tư duy và quản trị. Tại HTX Nam Yang, ngoài tiêu, cà phê cũng được sản xuất theo mô hình khép kín – từ vùng nguyên liệu đến sơ chế, chế biến và tiêu thụ. Nhờ đó, sản phẩm cà phê Đak Yang Fine Robusta đã đạt 87,5 điểm trong bảng xếp hạng của Viện Chất lượng Cà phê (CQI), khẳng định vị thế của nông sản Việt trên thị trường quốc tế.
Hiệu quả kinh tế và tác động lan tỏa
Chính nhờ mô hình canh tác hữu cơ, giá trị kinh tế từ hồ tiêu và cà phê tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với phương pháp truyền thống. Thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang nói riêng và người trồng hồ tiêu ở Nam Yang nói chung không còn phụ thuộc vào thương lái hay giá lên xuống thất thường, mà có thể chủ động ký hợp đồng tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định.
Hiện nay, HTX Nam Yang đã liên kết với 100 hộ thành viên, tổng diện tích sản xuất đạt 200ha. Với mỗi ha tiêu hữu cơ, thu nhập bình quân của người dân đạt từ 150 - 200 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trước kia.
Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương đã giảm mạnh, nhiều gia đình ở Nam Yang trước đây (hay Kon Gang hiện tại) đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống ấm no từ những hạt tiêu, hạt cà phê mang thương hiệu riêng.
Một điều đáng chú ý là thành công của mô hình chuyển đổi trồng tiêu hữu cơ tại Gia Lai không thể tách rời vai trò trung tâm của HTX. HTX không chỉ là nơi tổ chức sản xuất mà còn là đầu mối liên kết kỹ thuật, đầu ra và xây dựng thương hiệu cho nông dân.
Từ việc hướng dẫn quy trình sản xuất hữu cơ, kiểm soát chất lượng, cho đến tổ chức sơ chế, bao bì, nhãn mác và xúc tiến thương mại – mọi khâu đều đang từng bước được các HTX chuẩn hóa nhằm đảm bảo giá trị gia tăng cho sản phẩm.
![]() |
Tiêu Lệ Chí của HTX Nam Yang được thị trường đánh giá cao về chất lượng. (Ảnh DNTH) |
Đặc biệt, sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam trong suốt quá trình này đóng vai trò nền tảng. Cụ thể, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ HTX xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức đào tạo kỹ thuật canh tác hữu cơ, kết nối thị trường trong và ngoài nước, đồng thời hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đầu tư vào chế biến sâu.
Thông tin từ Liên minh HTX Việt Nam cũng chỉ ra mô hình hồ tiêu hữu cơ đang được khuyến khích nhân rộng tại nhiều tỉnh như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ, nay là TP.HCM), Quảng Trị…
Nhiều HTX đã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang hữu cơ, tận dụng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đặc thù để xây dựng sản phẩm gắn với bản sắc địa phương. Trong đó, liên kết vùng nguyên liệu, đào tạo cán bộ kỹ thuật và chuẩn hóa quy trình sản xuất là ba trụ cột chính để nâng cao chất lượng nông sản.
Lan tỏa tư duy nông nghiệp xanh
Một trong những yếu tố giúp sản phẩm tiêu và cà phê hữu cơ của HTX Nam Yang tạo dựng chỗ đứng chính là chiến lược kể chuyện sản phẩm – gắn kết với lịch sử, văn hóa và truyền thống vùng đất.
Qua bàn tay của những thành viên HTX Nam Yang, sản phẩm tiêu Lệ Chí không chỉ là sản phẩm nông nghiệp, mà còn là câu chuyện về vùng đất mang tên Lệ Chí – nơi cây hồ tiêu được trồng gắn bó hàng trăm năm, nay được phục dựng và phát triển bằng kỹ thuật hiện đại nhưng vẫn giữ hồn bản địa.
Từ thành công tại Gia Lai, nhiều địa phương đang bắt đầu nhân rộng mô hình hồ tiêu hữu cơ. Tại Quảng Trị, HTX Hồ tiêu Quảng Trị cũng đang chuyển dần hàng chục ha sang sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, hướng tới xuất khẩu sang châu Âu. Tại Bình Phước, một số HTX cũng đã thử nghiệm mô hình trồng tiêu xen canh hữu cơ với cây điều, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực cả về kinh tế lẫn môi trường.
Điểm chung của các mô hình này là sự chủ động của HTX, sự đồng hành của chính quyền địa phương và vai trò hỗ trợ toàn diện của Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX các tỉnh, thành phố.
Sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX các tỉnh, thành phố trong phát triển các HTX, tổ hợp tác trồng hồ tiêu chính là tiền đề quan trọng để ngành hồ tiêu Việt Nam từng bước phục hồi, phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thị trường ngày càng khắt khe.
Chuyển đổi sang trồng hồ tiêu hữu cơ không chỉ là một giải pháp kỹ thuật mà là con đường phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, gắn với bảo tồn giống bản địa, bảo vệ môi trường và xây dựng thương hiệu đặc sản địa phương.
Với vai trò trung tâm của các HTX và sự đồng hành kịp thời của Liên minh HTX Việt Nam, mô hình trồng hồ tiêu hữu cơ đang thực sự trở thành “cứu cánh” giúp người dân nhiều nơi thoát nghèo, làm giàu từ chính mảnh đất quê hương mình. Đây chính là hướng đi tất yếu của nông nghiệp hiện đại – nông nghiệp xanh, thông minh và giàu bản sắc.
Đông Phong