Đây không chỉ là câu chuyện về bảo tồn văn hóa mà còn là chiến lược phát triển kinh tế hiệu quả, biến những giá trị truyền thống thành nguồn lực thúc đẩy sự thịnh vượng cho người dân.
HTX là chìa khóa nâng thu nhập
Cần Thơ có nhiều làng nghề truyền thống độc đáo, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng. Từ những sản phẩm thủ công tinh xảo như đan đát, đan lưới, đan thúng, đến đan lục bình, làm bánh dân gian…
Tuy nhiên, để phát triển nghề bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân là chuyện không hề đơn giản. Đây là một thách thức lớn, đòi hỏi những giải pháp đột phá để vừa giữ gìn di sản, vừa tạo động lực phát triển kinh tế. Và mô hình HTX đã chứng minh được hiệu quả vượt trội.
Việc hình thành và phát triển các HTX trong làng nghề đã mang lại những tín hiệu tích cực, giúp các thành viên ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nằm trong khu vực Bình An, phường Long Hòa, quận Bình Thủy (cũ), HTX Hoa Kiểng Bình An là một ví dụ điển hình cho sự thành công của mô hình HTX trong việc cải thiện đời sống người dân. Được thành lập từ năm 2009, HTX hiện có thành viên là những người nông dân tâm huyết với nghề trồng hoa kiểng.
![]() |
Nhiều HTX đã được thành lập trong làng nghề. |
Ông Lâm Quang Hồng, một thành viên của HTX, là minh chứng rõ nét cho sự chuyển đổi từ niềm đam mê sang kinh doanh hiệu quả. Với diện tích 500m², ông Hồng chuyên trồng và chăm sóc 300 chậu lan các loại, từ lan phi điệp, 5 cánh trắng Phú Thọ, hồ điệp đến lan rừng. Mỗi chậu lan có giá dao động từ 60.000 đến 500.000 đồng, có những cây giá vài triệu đồng. Không chỉ bán hoa, ông Hồng còn kinh doanh thêm chậu, cây giống, phân rơm theo hình thức trả chậm để hỗ trợ các hội viên khác trong làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ cùng nhau phát triển.
Từ khi thành lập, HTX đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Liên minh HTX tỉnh, ngành nông nghiệp và các ban ngành, phối hợp với các nhà khoa học tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa kiểng.
Bình quân, mỗi thành viên của HTX trồng 2.000-3.000 chậu hoa các loại, mang lại thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm. Con số này không chỉ cho thấy hiệu quả kinh tế mà còn khẳng định vai trò quan trọng của HTX trong việc định hướng sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật và tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.
Khởi nguồn từ một nhóm, rồi tổ nghề đan lục bình, HTX Làng nghề Cờ Đỏ nay đã phát triển lớn mạnh với trên 100 thành viên và người lao động, hầu hết là người cao tuổi, phụ nữ trung niên. Mô hình của HTX không chỉ giữ gìn mà còn góp phần lan tỏa nghề truyền thống của địa phương. Đến nay, những người thạo nghề trong HTX đã tích cực tham gia dạy nghề đan lục bình để giúp nhiều người có nghề, có thêm thu nhập.
Còn tại tại làng nghề đan cần xé, ấp Trường Bình, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai (cũ), việc đan đát là nguồn thu nhập lúc nông nhàn của nhiều gia đình. Ban giám đốc HTX cũng đã bỏ công sức tham gia dạy nghề đan đát ngắn hạn, nâng cao tay nghề đan các mặt hàng lưu niệm bằng tre, trúc, dây nhựa nhằm nâng cao kỹ năng cho người dân và thu hút người trẻ theo nghề.
Tại HTX Bánh dân gian Trường Lạc, phường Trường Lạc, quận Ô Môn (cũ), hầu hết các “chủ lò” là phụ nữ trung niên có “thâm niên” trong nghề đã cùng nhau liên kết để phát triển nghề truyền thống của địa phương.
Từ khi thành lập đến nay, nhiều nơi biết tiếng bánh dân gian của HTX, đơn đặt hàng cũng nhiều hơn. Mỗi thành viên làm các loại bánh sở trường, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng. Quá trình chế biến, các thành viên quan tâm đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; không sử dụng chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu.
Nhờ nghề này, các thành viên HTX có cuộc sống ổn định, với thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/tháng/người. Bên cạnh đó, HTX còn tạo việc làm, thu nhập hằng ngày cho một số phụ nữ tại địa phương.
Cơ hội mới khi sáp nhập
Việc Cần Thơ sáp nhập cùng với Sóc Trăng và Hậu Giang sẽ mở ra một chương mới đầy hứa hẹn cho sự phát triển của các làng nghề và HTX. Sự sáp nhập này không chỉ gia tăng quy mô về diện tích, dân số mà còn mở rộng thị trường, đa dạng hóa nguồn lực lao động và nguyên liệu.
Khi trở thành một thực thể hành chính lớn hơn, các HTX tại Cần Thơ (cũ) có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn tại Sóc Trăng và Hậu Giang (cũ). Ngược lại, các sản phẩm đặc trưng của Sóc Trăng cũ (như bánh pía, lạp xưởng) hay Hậu Giang cũ (như khóm Cầu Đúc, bưởi Năm Roi) cũng có thể được phân phối thông qua mạng lưới của Cần Thơ. Điều này sẽ tạo ra một chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ hơn, giảm chi phí trung gian và tăng lợi nhuận cho người sản xuất.
![]() |
Nâng cao thu nhập cho người dân từ nghề truyền thống được các HTX chú trọng. |
Đặc biệt, mỗi địa phương đều có những thế mạnh và đặc sản riêng. Việc sáp nhập sẽ khuyến khích sự đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra những sản phẩm kết hợp giữa các làng nghề-HTX, mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Ví dụ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình của Cờ Đỏ (Cần Thơ cũ) có thể kết hợp với các nguyên liệu đặc trưng của Sóc Trăng hay Hậu Giang để tạo ra những sản phẩm độc đáo, mới lạ. Bên cạnh đó, nguồn lực lao động trẻ từ các vùng sáp nhập cũng có thể được thu hút vào các làng nghề, giải quyết bài toán thiếu hụt lao động trẻ hiện nay.
Việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các HTX giữa Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang (cũ) học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Các mô hình thành công trong việc tổ chức sản xuất, tiếp thị, đào tạo nghề có thể được nhân rộng. Đồng thời, các địa phương có thể cùng nhau xây dựng các chiến lược quảng bá du lịch làng nghề, thu hút du khách, tạo thêm nguồn thu cho người dân.
Khi quy mô vùng được mở rộng, các chính sách hỗ trợ từ trung ương và địa phương sẽ có tác động lớn hơn, mang lại hiệu quả cao hơn. Các chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, xúc tiến thương mại của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX thành phố có thể được triển khai đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi hơn cho sự phát triển của các HTX.
Trăn trở của những người giữ nghề
Để phát huy tối đa tiềm năng của các HTX tại làng nghề trong bối cảnh sáp nhập, các HTX mong muốn, Cần Thơ có thêm những chính sách hấp dẫn hơn để thu hút người trẻ tham gia học nghề và gắn bó với làng nghề, HTX. Việc này có thể bao gồm các chương trình học bổng, hỗ trợ khởi nghiệp, tạo môi trường làm việc năng động và đảm bảo thu nhập ổn định. Việc kết hợp nghề truyền thống với yếu tố hiện đại, như thiết kế sản phẩm, marketing trực tuyến, cũng là một hướng đi quan trọng.
Như tại HTX Làng nghề Cờ Đỏ đang phát triển nghề đan lục bình với 100 thành viên và người lao động, nhưng hầu hết là người cao tuổi, phụ nữ trung niên. Việc tìm được người trẻ tâm huyết để truyền nghề đối với thành viên HTX đang gặp rất nhiều khó khăn dù đã cố gắng mở các lớp dạy nghề.
Bởi dù thu hút đông đảo chị em, thanh niên theo học, nhưng khi có việc làm khác, nhiều người trẻ lại “quay xe”, chỉ còn phụ nữ trung niên tiếp tục gắn bó với nghề. Điều này cho thấy, bên cạnh việc tăng thu nhập, bài toán giữ chân lao động trẻ, đặc biệt là trong các làng nghề-HTX thủ công, vẫn còn nhiều thách thức.
Tương tự, tại HTX Quốc Noãn, dù Ban giám đốc HTX quyết tâm phát triển nghề đan đát tại quê nhà nhưng các thành viên HTX cùng chung nỗi “tâm tư” khi chưa biết truyền nghề cho ai, bởi thế hệ trẻ đều đang học đại học và tìm việc làm xa nhà. Thành viên HTX cũng đã bỏ công sức tham gia dạy nghề đan đát ngắn hạn, nâng cao tay nghề đan các mặt hàng lưu niệm bằng tre, trúc, dây nhựa, nhưng số lượng người trẻ kiên trì theo nghề vẫn còn rất hạn chế.
Đại diện các HTX cũng mong mỏi, các HTX cần được hỗ trợ để tiếp cận công nghệ mới, thiết kế mẫu mã sản phẩm đa dạng, hấp dẫn hơn cũng như hỗ trợ xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, việc xây dựng thương hiệu mạnh cho các làng nghề-HTX sẽ giúp nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm đặc trưng trên thị trường.
Bên cạnh đó, cần kết hợp làng nghề với các tour du lịch sinh thái, văn hóa để thu hút du khách, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân. Đây cũng là những cách từng bước thay đổi cái nhìn của những người trẻ về mô hình HTX và nghề truyền thống.
Tùng Lâm