Tại TP Cần Thơ – trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều HTX đang từng bước thay đổi diện mạo nhờ các hoạt động nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật và chuyển đổi số.
Bà đỡ cho HTX
Sau khi triển khai thí điểm các mô hình lúa chất lượng cao, phát thải thấp, một số HTX đã thu được kết quả khả quan: giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và lợi nhuận từ 4-7,6 triệu đồng/ha, đồng thời giảm phát thải từ 2 đến 12 tấn CO₂/ha so với canh tác truyền thống.
Như tại HTX nông nghiệp tại quận Ô Môn (TP Cần Thơ), nhờ được tham gia các lớp tập huấn của Liên minh HTX TP Cần Thơ, các thành viên HTX đã biết cách ứng dụng phần mềm nhật ký điện tử, lập kế hoạch gieo sạ phù hợp thời tiết và tiếp cận được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Điều quan trọng hơn là bà con thấy rõ hiệu quả nên ngày càng yên tâm gắn bó với HTX.
Một trong những nhân tố góp phần quan trọng vào kết quả ban đầu của Đề án 1 triệu hecta lúa là Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX TP Cần Thơ, cùng với sự phối hợp của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Cụ thể, các đơn vị này đã tổ chức các lớp tập huấn giảng viên nguồn (ToT), phổ biến phần mềm Hanbai, FaceFarm, WACA, giúp các HTX nâng cao năng lực quản lý, ghi chép sản xuất, kế toán minh bạch và kết nối đầu ra. Từ đầu năm 2024 đến giữa năm 2025, đã có gần 10.000 HTX được hỗ trợ chuyển đổi số, trong đó có hàng chục HTX tại Cần Thơ (bao gồm cả Hậu Giang, Sóc Trăng) được chọn làm mô hình điểm.
Việc ứng dụng chuyển đổi số không chỉ giúp minh bạch hóa sản xuất mà còn tạo nền tảng để nông dân và HTX tiếp cận thị trường tín chỉ carbon, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của chuỗi lúa gạo Việt Nam trong tương lai.
![]() |
HTX là hạt nhân của Đề án 1 triệu hecta lúa phát thải thấp. |
Theo đó, việc gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đang ngày càng rõ nét. Các HTX không còn đơn lẻ mà đã trở thành đầu mối liên kết giữa người dân với doanh nghiệp, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và tận dụng cơ hội từ các chính sách hỗ trợ mới.
Việc Liên minh HTX Việt Nam kết hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp về công nghệ nước ngoài được xác định là cánh tay nối dài, đồng hành cùng các HTX để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành thương hiệu gạo phát thải thấp, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nhờ sự đồng hành này, nông dân ở Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung không chỉ nâng cao thu nhập (tăng thêm từ 12% đến 50%) mà còn từng bước thay đổi tư duy sản xuất, chuyển từ mục tiêu “làm nhiều – bán rẻ” sang “làm chất lượng – bán cao giá". Đây là yếu tố quyết định trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, nhất là khi nhiều thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc, phát thải thấp và thân thiện môi trường.
HTX – Hạt nhân của chuyển đổi nông nghiệp xanh
Có thể nói, với sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX TP Cần Thơ, nhiều HTX đã ngày càng đóng góp tích cực vào Đề án 1 triệu hecta lúa. Và theo các chuyên gia, HTX chính là “hạt nhân” thúc đẩy nông nghiệp xanh trong tương lai. Do đó, với vai trò kết nối, đại diện quyền lợi của nông dân và là đơn vị chịu trách nhiệm thực thi các quy trình canh tác hiện đại, nâng cao năng lực cho HTX không chỉ là việc nên làm mà là điều bắt buộc nếu muốn nông nghiệp Việt Nam chuyển mình bền vững.
Trong bức tranh đó, Cần Thơ đang trở thành tam giác tiêu biểu cho mô hình “HTX xanh – sản xuất xanh – thu nhập xanh”. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận đã thực hiện trồng 50 ha lúa phát thải thấp thí điểm từ vụ hè thu 2024. HTX đã áp dụng cơ giới hóa: máy gieo sạ thẳng kết hợp vùi phân giúp giảm năng suất giống còn 60kg/ha. HTX cũng ký hợp đồng bao tiêu lúa với Công ty CP Hoàng Minh Nhật theo hướng lâu dài. Với cách làm này, HTX đã giảm đáng kể chi phí đầu tư (giống, phân, nhân công), nâng cao năng suất và chất lượng lúa. Đồng thời, HTX cũng hỗ trợ người dân chuyển đổi tư duy sản xuất, tạo thu nhập ổn định nhờ đầu ra được đảm bảo.
![]() |
Các HTX đã cơ giới hóa đẻ nâng cao hiệu quả kinh tế. |
Còn tại HTX nông nghiệp Hưng Lợi (Sóc Trăng cũ) cũng thực hiện thí điểm trồng 50ha lúa phát thải thấp từ năm 2024 bằng hình thức gieo sạ bằng máy kết hợp vùi phân, tưới nước xen kẽ, từ đó giúp giảm giống & phân, giảm thuốc bảo vệ thực vật 4 lần/vụ. HTX cũng cơ giới hóa từ cày, gieo, bón phân, đến thu hoạch, bao gồm máy xử lý rơm và sấy gạo đồng thời liên kết với doanh nghiệp (Bình Điền, Bayer, Gạo Ông Thọ…) để bao tiêu. Đến nay, năng suất lúa tại HTX đạt gần 6,5 tấn/ha (tăng 10–15% so với cách cũ); lợi nhuận thêm gần 6 triệu đồng/ha cho người trồng lúa.
Các HTX như Tiến Thuận, Hưng Lợi… đang là minh chứng sống cho hiệu quả của Đề án 1 triệu ha khi giúp người dân phấn khởi gắn bó với cây lúa. Đây vốn là cây lương thực truyền thống nhưng có một thời gian không thể nuôi sống người dân, thành viên HTX. Nhưng từ những mô hình này, người dân, thành viên HTX không chỉ được hỗ trợ cách sản xuất lúa theo quy trình khoa học mà còn hỗ trợ giảm nghèo, tăng thu nhập, cải thiện môi trường và mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp .
Từ việc giảm chi phí, tăng năng suất, tăng lợi nhuận, giảm phát thải, các HTX đang nâng cao vị thế của chính mình trên thị trường, và có thể khai thác tín chỉ carbon và từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Đây chính là cách lan tỏa thành công mô hình phát triển xanh tại vùng Cần Thơ cũng như ĐBSCL.
Tiếp tục đầu tư theo chiều sâu
Dù kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận, song thực tế cũng cho thấy nhiều HTX còn đối mặt với những khó khăn cố hữu: thiếu nhân lực chuyên môn, hạn chế vốn đầu tư, khó tiếp cận tín dụng, đặc biệt là trong khâu ứng dụng công nghệ canh tác tiết kiệm nước, phân bón và bảo vệ thực vật.
Có những HTX muốn áp dụng kỹ thuật gieo sạ thưa, tưới nước ngắt quãng nhưng chưa có hệ thống bơm điều tiết. Một số HTX sản xuất lúa nhưng thành viên lớn tuổi còn e ngại thay đổi thói quen canh tác. Việc đầu tư phần mềm, các công nghệ cũng cần thời gian để họ làm quen.
Chính vì thế, để mở rộng diện tích vùng chuyên canh lúa phát thải thấp có liên kết sản xuất và tiêu thụ , việc đẩy mạnh hoạt động đào tạo, đồng hành sát sao với từng HTX, từ quản trị, kỹ thuật đến kết nối thị trường vẫn là hết sức quan trọng. Việc phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, HTX, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự thành công lâu dài.
Nếu tiếp tục duy trì được sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, Liên minh HTX, doanh nghiệp và người dân, không chỉ Đề án 1 triệu hecta lúa thành công mà những địa phương tham gia, trong đó có Cần Thơ còn có thể trở thành hình mẫu chuyển đổi xanh cho cả nước.
Trí Chiến