HTX tăng động lực phát triển nông nghiệp
Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã xuất hiện nhiều mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, đa dạng, sáng tạo, thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Điều này thể hiện rõ qua những con số ấn tượng. Theo thống kê, giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 537 HTX đang hoạt động, tăng 178 HTX so với năm 2020 (359 HTX), tăng gần 50% sau 5 năm.
Trong đó, có 521 HTX phi nông nghiệp và nông nghiệp đang hoạt động thực chất. Đáng chú ý, số HTX hoạt động hiệu quả chiếm khoảng 60%, tập trung ở các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Các liên hiệp HTX cũng đã được thành lập và duy trì hoạt động ổn định. Những con số này minh chứng cho sự phát triển vững chắc và tiềm năng to lớn của khu vực kinh tế tập thể tại Cao Bằng.
![]() |
Nhiều HTX ở Cao Bằng được hỗ trợ để mở rộng sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ. |
Hiệu quả hoạt động của các HTX cũng được thể hiện rõ rệt qua các chỉ số tài chính: Doanh thu bình quân của HTX ước đạt 2.2 tỷ đồng/HTX/năm, tăng 57,14% so với kết quả thực hiện năm 2020; lãi bình quân của HTX ước đạt 315 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX ước đạt 55,28 triệu đồng/người/năm.
Những con số này không chỉ phản ánh năng lực sản xuất, kinh doanh của HTX mà còn là bằng chứng rõ ràng về việc cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, từ đó đóng góp tích cực vào kết quả giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Nâng cao năng lực, hỗ trợ HTX phát triển bền vững
Để duy trì và phát triển những thành quả đã đạt được, công tác nâng cao năng lực cho cán bộ HTX luôn được Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng chú trọng. Gần đây, vào tháng 5/2025, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 40 học viên là cán bộ quản lý, kiểm soát, kế toán, thành viên HTX trên địa bàn tỉnh.
Các học viên được bồi dưỡng tập huấn các nội dung thiết thực như: Hướng dẫn lập phương án sản xuất kinh doanh trong HTX; cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; quản lý tài chính và nghệ thuật huy động vốn trong HTX; kế toán, tài chính cho lãnh đạo HTX; tổ chức công tác kế toán trong HTX; kỹ năng đọc và phân tích báo cáo tài chính; kiểm soát nội bộ trong HTX; kỹ năng tổ chức điều hành cuộc họp trong HTX (đại hội thành viên, hội đồng quản trị…). Ngoài ra, các học viên còn được tham quan, nghiên cứu thực tế, học tập kinh nghiệm một số mô hình HTX điển hình ở tỉnh bạn.
![]() |
Nấm của HTX Yên Công được đánh giá cao về chất lượng. |
Qua lớp bồi dưỡng, các cán bộ quản lý, kiểm soát viên tại các HTX được nâng cao trình độ nghiệp vụ, có thêm kiến thức, kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế hoạt động của các HTX. Từ đó, giúp các HTX thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững. Đây là bước đi quan trọng để các HTX hoạt động chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn, thu hút thêm thành viên và đối tác.
Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội và các chương trình tín dụng khác.
Để giúp HTX mở rộng khả năng tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, Liên minh HTX tỉnh luôn nắm bắt chặt chẽ các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ của Liên minh HTX Việt Nam, của tỉnh để giúp các HTX đăng ký tham gia.
Việc hỗ trợ các HTX trong việc đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và các sản phẩm đặc sản của Cao Bằng như nấm hương Yên Công, miến dong, quýt, chè, bò Mông... cũng được Liên minh HTX tỉnh quan tâm. Gần đây, Liên minh HTX Cao Bằng đã tổ chức hội nghị tuyên truyền về trưng bày, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm tiêu biểu giai đoạn 2025-2030, nhằm khơi dậy tiềm năng phát triển bền vững cho kinh tế tập thể.
Những câu chuyện thành công từ thực tiễn
Từ những hỗ trợ thực chất đã giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX ở Cao Bằng phát triển cả về chất và lượng. Thành công của các HTX tại Cao Bằng không chỉ nằm ở những con số mà còn được thể hiện qua những mô hình cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng.
Tiêu biểu như HTX nông nghiệp Yên Công. Đây là một trong những mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu, được thành lập từ năm 2020 với 7 thành viên, tổng số vốn điều lệ 2 tỷ đồng. Ngay từ đầu năm 2020, HTX đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, trại nuôi trồng nấm với diện tích trên 6.000m². Hiện tại, HTX đã đầu tư máy móc phục vụ sản xuất như: máy sấy nấm, máy hấp khử trùng, máy nghiền, kho cấp đông.
Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất theo vụ đông, vụ hè được 18 vạn phôi nấm, cho thu hoạch từ 60 - 70 tấn nấm hương. Sản phẩm nấm được tiêu thụ tại các tỉnh, thành như: Hà Nội, Thái Nguyên... với giá bán lẻ 100 nghìn đồng/kg.
Đặc biệt, sản phẩm nấm hương của HTX được sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên liệu đầu vào không có tạp chất, trong quá trình sản xuất được HTX quan tâm, chú trọng xử lý tốt các khâu để nuôi cấy nấm hiệu quả nên chất lượng nấm đảm bảo, được người tiêu dùng đón nhận. Sản phẩm đã được chứng nhận đạt OCOP 3 sao, khẳng định chất lượng và thương hiệu của HTX.
HTX nông nghiệp Yên Công không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương mà còn thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước, địa phương. HTX góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương. Mức thu nhập bình quân hàng tháng của thành viên là từ 5,5 triệu đồng. Số lao động thời vụ từ 10-12 người, với mức thu nhập bình quân từ 4,5 triệu đồng. Thu nhập bình quân trung bình của HTX mỗi năm từ 400-500 triệu đồng/năm.
Ngoài HTX Yên Công, Cao Bằng còn có nhiều HTX phát triển gắn liền với sản phẩm đặc sản địa phương như: miến dong, quýt, chè Đoỏng Lèng, hạt dẻ, phở chua, lạp sườn... Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm đặc sản không chỉ giúp nâng cao giá trị thương hiệu mà còn tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho hàng ngàn hộ dân.
Tiêu biểu như HTX nông sản Tân Việt Á hiện sở hữu thương hiệu miến dong Tân Việt Á. Bắt đầu đi vào sản xuất, xây dựng thương hiệu từ năm 2017, đến nay, sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Sản phẩm của HTX đã vươn xa, có mặt trên khắp thị trường trong nước. Đặc biệt, miến dong Tân Việt Á hiện nay đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trong năm 2024, HTX đã tiêu thụ hơn 60 tấn miến và tạo việc làm cho gần 10 lao động thời vụ tại địa phương.
Theo thống kê, riêng năm 2024, các HTX trên địa bàn nộp ngân sách trên 23 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 2.800 lao động. Đây là đóng góp không nhỏ, góp phần vào việc nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Cao Bằng.
Với những đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế tập thể, tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ có ít nhất 600 HTX đang hoạt động, trong đó trên 50% HTX có liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, thúc đẩy giảm nghèo đa chiều bền vững.
Minh Nhương