Theo thống kê , trước khi sáp nhập, Thái Nguyên có hơn 185 nghìn héc-ta đất lâm nghiệp, trong khi Bắc Kạn sở hữu hơn 400 nghìn héc-ta.
Tiềm năng lớn từ tài nguyên rừng sau sáp nhập
Việc hợp nhất đã tạo nên một "khối tài nguyên" rừng khổng lồ, với tổng diện tích đất lâm nghiệp lên đến gần 600 nghìn héc-ta. Đây là lợi thế vô cùng lớn để phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường theo chức năng của từng loại rừng.
Theo đánh giá của ngành chức năng, với diện tích rừng lớn như vậy, việc phát triển kinh tế rừng không chỉ dừng lại ở khai thác gỗ đơn thuần mà phải hướng tới sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao, đi đôi với bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái. Đây chính là con đường giúp người dân làm giàu từ rừng một cách bền vững.
![]() |
Lâm nghiệp là thế mạnh của cả Thái Nguyên và Bắc Kạn (cũ) |
Tỉnh Thái Nguyên đang đặc biệt chú trọng vào việc trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Đến nay, riêng địa phận Thái Nguyên (cũ) đã phát triển được gần 16 nghìn héc-ta rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ FSC (SA-FM/COC) cho hơn 11,3 nghìn héc-ta rừng. Việc mở rộng vùng nguyên liệu ổn định, được cấp chứng chỉ quốc tế sẽ tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội, cung cấp cho các nhà máy, cơ sở chế biến trên địa bàn và hướng tới xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cây quế cũng được xác định là cây trồng chủ lực. Hơn 5.000ha quế đã được phát triển ở địa phận Thái Nguyên (cũ) và sẽ tiếp tục mở rộng tại các địa bàn có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp ở cả hai tỉnh cũ. Việc tập trung vào quế theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững sẽ tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
HTX nâng cao giá trị kinh tế rừng
Để nâng cao giá trị kinh tế rừng, tỉnh Thái Nguyên (mới) sẽ tiếp tục tập trung vào phát triển trồng rừng kết hợp với chế biến gỗ từ rừng trồng. Các cấp, ngành chức năng đang tiến hành rà soát, phân vùng các loại cây trồng dựa trên địa hình, khí hậu và thực tế sản xuất của người dân, thành viên HTX.
Ngành chức năng cũng sẽ đánh giá tiềm năng, nhu cầu của các chủ sở hữu rừng để chuyển đổi theo hướng tập trung, đáp ứng nhu cầu chế biến quy mô lớn. Đồng thời, các ban ngành của tỉnh cũng chủ động nghiên cứu, tuyển chọn các loại cây lâm nghiệp có giá trị cao, đặc biệt là các loại cây bản địa có giá trị trên thị trường để đưa vào trồng, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất cho người dân, HTX.
Sau sáp nhập, nhiều HTX ở cả hai địa phương cũ đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc tập hợp, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế lâm nghiệp, đồng thời là cầu nối đưa sản phẩm ra thị trường.
![]() |
Trồng dược liệu dưới tán rừng giúp người dân tăng nguồn thu. |
Tiêu biểu như HTX Nông Lâm Nghiệp và Môi Trường Hòa Bình (Thái Nguyên cũ) có hàng trăm thành viên, trong đó hơn 70% là người dân tộc thiểu số và được chia thành 45 tổ tự quản bảo vệ rừng. Nhiều năm nay, HTX đã trồng, quản lý và bảo vệ hơn 900 ha rừng. Việc được giao đất giao rừng đã đem lại nguồn thu nhập, kế sinh nhai lâu dài nên người dân, cộng đồng sống gần rừng rất quan tâm đến công tác quản lý bảo vệ rừng.
Tại HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bảo Minh (Thái Nguyên cũ) đã tập trung vào việc sản xuất và cung ứng các loại cây giống như keo, quế, mỡ, chè… để cung ứng cho người dân. Trung bình mỗi năm, HTX đã cung ứng 150-200 vạn hom cây giống các loại đảm bảo chất lượng, thu về hàng trăm triệu đồng lợi nhuận…
Còn với HTX nông sản Phú Đạt (Thái Nguyên cũ), kể từ khi thành lập vào năm 2018 đến nay, HTX vẫn duy trì sản xuất cây giống (quế, hồi, chè) với tổng diện tích 3ha. Trung bình mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường 100 vạn cây giống quế, hồi, đạt lợi nhuận từ 500-700 triệu đồng/năm. Hiện nay, HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 9 thành viên và 30 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 3,5 -5 triệu đồng/tháng…
HTX Bản Luông (Bắc Kạn cũ) cũng đi đầu trong việc liên kết với người dân phát triển cây quế và các sản phẩm chế biến từ quế. HTX không chỉ tổ chức trồng quế tập trung theo tiêu chuẩn hữu cơ mà còn đầu tư vào dây chuyền chưng cất tinh dầu quế, sản xuất vỏ quế thanh và bột quế. Sản phẩm của HTX được đánh giá cao về chất lượng, đang từng bước thâm nhập các thị trường khó tính, giúp bà con ở vùng sâu có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ việc tận dụng giá trị của cây quế.
Hướng tới tương lai bền vững
Có thể thấy, các HTX lâm nghiệp và sự mở rộng về diện tích sau sáp nhập chính là nền tảng vững chắc để phát triển một nền kinh tế lâm nghiệp đa dạng và hiệu quả tại Thái Nguyên. Trong đó, chiến lược trọng tâm của Thái Nguyên (mới) là phát triển rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Việc này mang lại nhiều lợi ích rõ rệt cho người dân.
Bởi trồng rừng gỗ lớn, đặc biệt là gỗ có chứng chỉ FSC, có giá bán cao hơn nhiều so với gỗ non hoặc gỗ không rõ nguồn gốc. Điều này giúp tối đa hóa lợi nhuận trên mỗi héc-ta rừng. Nhiều hộ dân ở Phú Lương (Thái Nguyên cũ) đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng gỗ lớn kết hợp chăn nuôi, thu nhập bình quân của người dân đạt trên 40 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh chóng. Hay tại Phú Bình (Thái Nguyên cũ), nhờ trồng cây keo đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, có thu nhập từ 80 - 120 triệu đồng/ha sau 5 năm khai thác.
Mặc dù chu kỳ khai thác dài hơn, nhưng lợi nhuận từ rừng gỗ lớn thường cao và ổn định, giúp các hộ dân có kế hoạch tài chính rõ ràng hơn cho tương lai. Các hộ, HTX được ngành chức năng, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ tham gia Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững, sản xuất theo chuỗi giá trị được hỗ trợ cây giống, tập huấn khoa học kỹ thuật, giúp họ tự tin hơn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những diện tích đồi hiệu quả kinh tế thấp sang cây keo, cây mỡ.
Ngoài ra, việc người dân, HTX trồng các loại cây dược liệu, ăn quả… dưới tán rừng không chỉ tận dụng diện tích đất mà còn tạo ra nguồn thu nhập bổ sung đáng kể cho người dân, giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc vào một loại cây trồng duy nhất.
Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp sau sáp nhập không chỉ là tận dụng lợi thế về diện tích rừng mà còn là tầm nhìn chiến lược của tỉnh Thái Nguyên (mới) trong công cuộc giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Bằng cách tập trung vào chất lượng, giá trị gia tăng, và tính bền vững, kết hợp với sự hỗ trợ từ chính sách và vai trò của các HTX, tỉnh đang từng bước xây dựng một nền kinh tế lâm nghiệp vững mạnh, mang lại cuộc sống ấm no hơn cho người dân và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Tùng Lâm