Mong muốn phát huy tiềm năng, lợi thế, chắp cánh cho những sản phẩm chủ lực của quê hương vươn tầm, năm 2015 chị Phan Thị Lý xã Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã thành lập HTX Thiên Phú với 8 thành viên.
Doanh thu hàng tỷ đồng
Thời gian đầu đi vào hoạt động, nước mắm của HTX Thiên Phú phải cạnh tranh gay gắt với nhiều thương hiệu nước mắm trong và ngoài tỉnh nên gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các thành viên, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, trong đó có vai trò không nhỏ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh, HTX đã xây dựng thành công thương hiệu nước mắm Lạch Kèn.
![]() |
HTX Thiên Phú đã xây dựng thành công thương hiệu nước mắm Lạch Kèn. |
Nhãn hiệu nước mắm Lạch Kèn của HTX đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng, từng bước khẳng định được chỗ đứng trên thị trường với sản phẩm nước mắm được sản xuất theo phương pháp cổ truyền từ 100% cá biển chọn lọc tươi ngon, không sử dụng phụ gia thực phẩm, sản phẩm nước mắm với đặc trưng (màu cánh gián, trong, vị đậm, vị ngọt, hương thơm tự nhiên từ cá) và giàu chất dinh dưỡng.
Năm 2019, sản phẩm được tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, là 1 trong 6 sản phẩm OCOP đầu tiên của Hà Tĩnh. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm HTX Thiên Phú sản xuất ra thị trường 25.000 lít nước mắm; chế biến xuất bán ra thị trường hàng chục tấn hải sản các loại như: cá, mực khô, ruốc… mang về tổng doanh thu trung bình đạt 3,5 tỷ/năm.
Hiện nay, ngoài sản xuất nước mắm, HTX còn sản xuất nhiều sản phẩm truyền thống như mắm tôm và các loại hải sản khô. Hầu hết sản phẩm của HTX làm ra đều được các nhà hàng, khách sạn, siêu thị ký hợp đồng tiêu thụ.
Đáng chú ý, bên cạnh đó, chị Phan Thị Lý còn thành lập HTX Dịch vụ môi trường Tân Phát. HTX mạnh dạn đầu tư hơn 5 tỷ đồng mua sắm thêm trang thiết bị, mở rộng công suất xử lý rác phục vụ cho nhiều xã trên địa bàn bằng công nghệ lò đốt Loshiho. Đây cũng là HTX môi trường đầu tiên ở Hà Tĩnh áp dụng công nghệ này.
Nhờ xây dựng và quản lý thành công 2 HTX, chị Phan Thị Lý không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế chung của địa phương mà còn giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động với mức thu nhập bình quân 5-8 triệu đồng/người/tháng.
Chị Tô Thị Hà - thành viên HTX Thiên Phú và HTX Dịch vụ môi trường Tân Phát cho biết: "10 năm trước, sau khi đi xuất khẩu lao động về, vợ chồng tôi cũng bối rối vì chưa định hướng được con đường tương lai. Có chút vốn nhưng nếu không có công việc ổn định thì cũng không ổn. Từ khi tham gia HTX, vợ chồng tôi không chỉ có việc làm ổn định mà còn phát huy được nguồn vốn tích lũy, nâng cao chất lượng cuộc sống".
Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương
Tại Hà Tĩnh, không riêng gì HTX Thiên Phú, HTX Dịch vụ Chế biến hải sản Phú Sáng cũng là một trong những mô hình kinh tế tập đạt được thành công nổi bật.
Năm 2021 trở về nước sau nhiều năm học tập, làm việc tại Đài Loan, chị Nguyễn Thị Sáng (sinh năm 1992) cùng 7 thành viên khác dồn hết những đồng vốn tích góp được khai sinh HTX Phú Sáng với ngành nghề chính là thu mua, chế biến, phân phối thủy hải sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm “Nước mắm Phú Sáng”.
Một trong những thuận lợi của HTX là có nguồn nguyên liệu dồi dào, tươi ngon, ngay tại địa phương. Ngoài ra, nguồn nước, khí hậu nơi đây rất phù hợp với sản xuất nước mắm. Quá trình hoạt động, HTX chú trọng tạo sản phẩm đồng nhất với số lượng đủ lớn và không ngừng cải tiến bao bì, nhãn mác nhằm thu hút thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, chủ động đăng ký sở hữu trí tuệ, cập nhật thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR để tạo sự tin cậy cho khách hàng, đối tác.
HTX cũng nỗ lực đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, cải tiến kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới có sức cạnh tranh trên thị trường.
Năm 2023, doanh thu của HTX đạt gần 18,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 2,9 tỷ đồng…Các thành viên HTX đã đồng lòng xây dựng thương hiệu nước mắm Phú Sáng ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, sản phẩm của HTX được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Là một trong 64 ngư dân may mắn được HTX Phú Sáng kêu gọi nguồn lực hỗ trợ 50 triệu đồng mua sắm ngư lưới cụ để khai thác cá, ruốc gần bờ, ông Lê Văn Anh cho biết: “Gia đình tôi có 2 thuyền đánh cá công suất nhỏ, sáng sớm vươn khơi đến khoảng 14 – 15h cùng ngày cập bờ bán hải sản cho HTX Phú Sáng. Toàn bộ cá, mực, ruốc khai thác về đều được HTX Phú Sáng thu mua với giá cao hơn thị trường từ 5.000 – 10.000 đồng/kg”.
![]() |
Nước mắm Phú Sáng được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. |
Hay như HTX Thu mua và chế biến thuỷ hải sản Chiến Thắng do bà Đặng Thị Luận làm giám đốc cũng đã xây dựng thành công thương hiệu “Nước mắm Luận Nghiệp”. Mỗi năm việc thu mua hàng trăm tấn cá cơm của bà con ngư dân quanh vùng để chế biến nước mắm đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương với với mức lương 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Thương hiệu nước mắm Luận Nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và phát triển thành 4 sao vào năm 2020.
Không còn là vùng đất gắn với những con số “nghèo bền vững”
Có thể nói, các HTX như Thiên Phú, Phú Sáng và Chiến Thắng chỉ là ba trong số hàng trăm HTX nổi bật ở Hà Tĩnh đang góp phần cùng chính quyền phát triển kinh tế và mang lại sinh kế cho người dân.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 40 HTX, tổ hợp tác, cơ sở chế biến nước mắm. Được hỗ trợ của Nhà nước, nhiều đơn vị nắm bắt cơ hội đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, cho sản phẩm thơm ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, có HTX đầu tư hàng tỷ đồng lắp dây chuyền đóng chai tự động, tăng năng suất lao động.
Theo nhận định của đại diện UBND tỉnh, sự nỗ lực vươn lên của các HTX trong xây dựng, phát triển sản phẩm địa phương đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị ở trên địa bàn.
Sự phát triển mạnh mẽ của các HTX tại Hà Tĩnh không thể tách rời vai trò nòng cốt của Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh và Liên minh HTX Việt Nam. Hai tổ chức này đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tập thể nói chung và các HTX nói riêng.
Để đáp ứng được yêu cầu mới thì việc cập nhật kiến thức sản xuất kinh doanh cho đội ngũ cán bộ ở Hà Tĩnh là rất quan trọng. Chính vì vậy, Liên minh HTX tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp học bồi dưỡng cán bộ HTX để trang bị những kiến thức mới. Đơn cử, hôm 23/6, Liên minh HTX Hà Tĩnh tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức về lập kế hoạch kinh doanh cho các cán bộ, thành viên HTX năm 2025.
Theo đó, trong 2 ngày (23-24/6), gần 60 cán bộ đến từ các HTX nhiều địa phương được truyền đạt kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm về những nội dung: tổng quan chung về kế hoạch sản xuất – kinh doanh; phân tích tình hình thị trường và khả năng tham gia thị trường của HTX; lập kế hoạch sản xuất – kinh doanh trong HTX.
Qua đó, nâng cao năng lực quản lý tài chính giúp các thành viên HTX hiểu rõ cách vận hành, giám sát và sử dụng nguồn lực tài chính một cách hiệu quả. Đồng thời, giúp HTX chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh; chủ động phân bổ nguồn kinh phí hợp lý; nâng cao hiệu quả hoạt động trong HTX.
Đây chính là “đòn bẩy” để tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng tiêu chí huyện nông thôn mới, qua đó giúp người dân không chỉ thoát nghèo bền vững mà có chất lượng cuộc sống ngày càng cao hơn.
Không còn là vùng đất gắn với những con số “nghèo bền vững”, Hà Tĩnh đang lặng lẽ viết lại hành trình giảm nghèo bằng những bước đi kiên trì, bền bỉ. Trên hành trình ấy, từ miền núi đến đồng bằng, người dân đang từng ngày thay đổi cuộc sống mình bằng đôi tay, khối óc và một niềm tin mới.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 trên địa bàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025, tổng số hộ nghèo đến cuối năm 2024 trên địa bàn tỉnh là 9.236 hộ (với 19.109 nhân khẩu), chiếm tỷ lệ 2,40% (giảm 2.336 hộ so với năm 2023 – tương ứng giảm 0,97%); tổng số hộ cận nghèo 11.736 hộ (với 34.921 nhân khẩu), chiếm tỷ lệ 3,04% (giảm 1.211 hộ so với năm 2023 – tương ứng giảm 0,33% ).
Nhật Nam