Trước sáp nhập, tỉnh Thái Nguyên (cũ) sở hữu 22,2 nghìn ha chè, với năng suất bình quân ước đạt 127 tạ/ha. Năm 2024, sản lượng chè búp tươi đạt 272,8 nghìn tấn, sản lượng chè sau chế biến đạt 54,6 nghìn tấn, và tổng giá trị sản phẩm trà đạt 13,8 nghìn tỷ đồng. Đây là những con số ấn tượng, khẳng định vị thế dẫn đầu của Thái Nguyên trong ngành chè cả nước.
Tiềm năng chè bùng nổ sau sáp nhập
Trong khi đó, tỉnh Bắc Kạn (cũ) cũng đóng góp gần 1.800 ha chè, chủ yếu tập trung ở các địa phương như Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì. Dù quy mô nhỏ hơn, chè Bắc Kạn cũng nổi tiếng với hương vị đặc trưng, tự nhiên. Việc sáp nhập giúp tổng diện tích chè của Thái Nguyên (mới) đạt gần 24.000 ha, tạo ra một vùng nguyên liệu chè khổng lồ, đa dạng về chủng loại và hương vị.
Sự hợp nhất để tạo ra tỉnh Thái Nguyên mới không chỉ tăng về mặt diện tích mà còn mở ra cơ hội lớn để tối ưu hóa quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Người dân, HTX, doanh nghiệp có thể xây dựng các vùng nguyên liệu chuyên canh lớn hơn, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cả trong và ngoài nước.
![]() |
Cây chè tiếp tục được nâng chất và lượng sau khi Thái Nguyên sáp nhập với Bắc Kạn. |
Điểm mấu chốt tạo nên giá trị kinh tế cao và bền vững cho cây chè Thái Nguyên (mới) chính là sự tập trung vào chất lượng.
Hầu hết diện tích chè sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (cũ) được áp dụng theo tiêu chuẩn GAP (Good Agricultural Practices), hữu cơ với khoảng 17.800 ha. Đặc biệt, diện tích được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP đến nay có gần 6.000 ha, và diện tích được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ là 120 ha.
Đối với tỉnh Bắc Kạn (cũ), hàng trăm ha chè cũng đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, và được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc này không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng, mở rộng thị trường.
Hiện nay, diện tích chè giống mới có năng suất, chất lượng cao ước đạt trên 18,4 nghìn ha, chiếm 82,8% tổng diện tích chè toàn tỉnh. Các giống chè mới như Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, Shan Tuyết… mang lại năng suất vượt trội và chất lượng trà đặc sắc, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường cao cấp.
Vai trò nâng tầm của HTX
Trong công cuộc phát triển cây chè, các HTX đã và đang đóng vai trò then chốt, là cầu nối giúp người nông dân nhỏ lẻ tiếp cận với khoa học kỹ thuật, vốn, thị trường và nâng cao năng lực sản xuất, chế biến.
Tiêu biểu như HTX Chè La Bằng (Đại Từ, Thái Nguyên cũ). Đây là một trong những HTX tiên phong trong việc sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ. Nhờ việc áp dụng khoa học kỹ thuật nghiêm ngặt, chè của HTX La Bằng luôn đạt chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. HTX đã xây dựng thành công chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ, giúp thành viên ổn định đầu ra và nâng cao thu nhập. Nhiều hộ gia đình thành viên đã thoát nghèo và vươn lên khá giả nhờ cây chè.
![]() |
Giá trị từ cây chè được nâng cao nhờ kết hợp với du lịch. |
Hay tại HTX Chè Trại Cài (Đồng Hỷ, Thái Nguyên cũ) vốn nổi tiếng với những sản phẩm chè chất lượng cao, đặc biệt là chè xanh truyền thống. HTX đã đầu tư vào quy trình chế biến hiện đại, đảm bảo hương vị đặc trưng của chè Trại Cài. Các thành viên HTX được hỗ trợ về kỹ thuật, giống cây, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập bình quân đầu người.
Còn tại HTX Chè Bằng Phúc (Chợ Đồn, Bắc Kạn cũ), mặc dù quy mô nhỏ hơn, HTX đã xây dựng được thương hiệu chè Shan tuyết đặc trưng của vùng. HTX tập trung vào sản xuất chè sạch, hữu cơ, bảo tồn giống chè cổ thụ. Việc tham gia HTX giúp các hộ dân ở vùng núi khó khăn được hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, chế biến, và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo ở địa phương.
Từ giảm nghèo đến nâng cao thu nhập bền vững
Giá trị kinh tế từ cây chè không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn tạo ra nguồn thu nhập ổn định và bền vững, thúc đẩy sự phát triển chung của kinh tế nông thôn.
Bởi diện tích đất trồng chè có giá trị cao hơn, tạo động lực cho nông dân đầu tư và gắn bó với nghề. Thu nhập từ chè giúp các hộ gia đình có điều kiện đầu tư vào sản xuất, chế biến sâu, từ đó tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế, mở rộng nguồn thu.
Theo đại diện các HTX, những vùng chè đẹp, được quy hoạch và đầu tư cũng thu hút khách du lịch, mở ra cơ hội phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, tạo thêm nguồn thu cho người dân thông qua các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, và bán sản phẩm địa phương.
Đặc biệt, thu nhập ổn định từ cây chè giúp người dân an tâm gắn bó với quê hương, giảm tình trạng di cư lao động ra các đô thị lớn, góp phần giữ vững lực lượng lao động tại chỗ và duy trì bản sắc văn hóa địa phương.
Trước những giá trị to lớn mà cây chè và những sản phẩm từ cây trồng chủ lực này mang lại, sau sáp nhập, tỉnh Thái Nguyên (mới) sẽ tiếp tục củng cố và phát triển ngành chè theo hướng bền vững hơn nữa bằng việc tập trung mở rộng diện tích chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, và các giống chè năng suất, chất lượng cao, đặc biệt ở những vùng đất mới của Bắc Kạn có điều kiện phù hợp.
Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào công nghệ chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao như trà hòa tan, trà dược liệu, các sản phẩm từ bã chè…
Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên cũng tiếp tục hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý HTX và thành viên về kỹ thuật sản xuất, quản trị kinh doanh, marketing; hỗ trợ HTX tích hợp du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm văn hóa trà vào các tour du lịch của tỉnh, tạo thêm nguồn thu và quảng bá hình ảnh chè Thái Nguyên.
Với vị thế là cây trồng chủ lực và những thành công đã đạt được, cây chè chắc chắn sẽ tiếp tục mang lại sự ấm no, giúp người dân Thái Nguyên (mới) vững vàng trên con đường giảm nghèo và nâng cao thu nhập một cách bền vững trong tương lai.
Trí Chiến