Vốn là HTX sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm sản truyền thống với 80ha chè (trong đó có 12ha chè theo tiêu chuẩn VIETGAP) và nuôi ong lấy mật,... HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn tại xã Thọ Bình (huyện Triệu Sơn cũ) từ lâu đã thành công và khẳng định thương hiệu với các sản phẩm chè, mật ong, trà cà gai leo đạt tiêu chuẩn OCOP.
Tiên phong mở rộng thị trường
Với các sản phẩm chủ đạo từ cây chè, ngay từ ngày đầu HTX đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư cải tạo đất, chọn giống và đặt mục tiêu phát triển cây chè theo hướng xanh, bền vững.
![]() |
HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn khẳng định thương hiệu với các sản phẩm chè, mật ong, trà cà gai leo đạt tiêu chuẩn OCOP. |
Đến nay, HTX trở thành một trong những điển hình tiêu biểu trong kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ cung ứng trên thị trường qua kênh truyền thống mà HTX còn chủ động tham gia hội chợ, sự kiện thương mại để quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đơn vị liên kết tiêu thụ.
Ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX Bình Sơn, cho biết thông qua việc tích cực tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, HTX đã tìm được đối tác tiêu thụ ở 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, từ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhận thấy tiềm năng lớn của hình thức bán hàng trực tuyến, các thành viên của HTX đã đầu tư nghiêm túc vào kênh thương mại điện tử. Trung bình mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường từ 40 - 50 tấn sản phẩm, trong đó khoảng 30% được tiêu thụ thông qua thương mại điện tử. Nhờ đó, trung bình mỗi năm doanh thu của HTX thu về hơn 3 tỷ đồng/năm.
Tương tự, với HTX du lịch và phát triển nông lâm nghiệp Mường Đeng (thành lập tháng 4/2024 tại xã Yên Thắng) đã nỗ lực, tích cực đưa những sản phẩm mang hương vị núi rừng tới thị trường.
Chỉ sau khoảng 1 năm thành lập với 14 thành viên, nhưng HTX đã tích cực liên kết các thành viên trên địa bàn xã để mở rộng và phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, như: Mật ong khoái, hạt dổi, mắc khén, măng lưỡi lợn, măng rối, đũa tre vót thủ công... Ngoài ra, HTX đồng thời, liên kết hỗ trợ người dân địa phương bao tiêu một số nông sản như vịt cỏ, lợn cỏ, bầu, bí, rau,...
Giám đốc HTX Hà Thị Xem, chia sẻ: Dù là một HTX “trẻ tuổi” với những sản phẩm mới, có nét riêng biệt, chúng tôi đã tích cực tham gia các cuộc xúc tiến thương mại trong, ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm tới thị trường; để người tiêu dùng trực tiếp trải nghiệm và hiểu thêm về giá trị văn hóa trong từng sản phẩm của mình. Ngoài ra, HTX còn tận dụng các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok, youtube... để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
Với sự nỗ lực, tích cực đưa sản phẩm hội nhập thị trường, đến hết năm 2024, doanh thu của HTX đạt hơn 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Những con số tăng trưởng ấn tượng
Chia sẻ về hàng loạt thành quả mà HTX đã đạt được trong thời gian qua, ông Lê Đình Tú cho hay, để đáp ứng yêu cầu sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn không ngừng đầu tư xây dựng khu nhà xưởng, nhà kho, khu tập kết nguyên vật liệu vào ra và đầu tư hệ thống máy móc theo dây chuyền tự động hóa, công nghệ cao.
Điều đáng nói, trong số 20 thành viên chính thức của HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn, có nhiều thành viên đã sử dụng thành thạo, hiệu quả các nền tảng số như sàn thương mại điện tử Lazada, Tiki, Shopee, Sen Đỏ... hay mạng xã hội facebook, zalo, tiktok để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm, góp phần lan tỏa, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trên thị trường.
Nhờ đó, HTX đã mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho 100 thành viên liên kết tại địa phương, giúp nhiều gia đình trong xã có thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/năm.
![]() |
Nhiều HTX đã thành công khi xây dựng kênh bán hàng trực tuyến trên facebook, zalo, tiktok, shopee,... |
Còn tại HTX trẻ Mường Đeng, Giám đốc HTX Hà Thị Xem không ngại khó, đã tích cực dành nhiều thời gian tìm hiểu, học hỏi để trực tiếp làm và hướng dẫn các thành viên trong HTX xây dựng những video ngắn giới thiệu và quảng bá cho sản phẩm của đơn vị. Đồng thời, xây dựng kênh bán hàng trực tuyến trên facebook, zalo, tiktok, shopee, qua đó phát triển số lượng lớn khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Chị Hà Thị Xem cho hay, hiện nay, sản phẩm của HTX không chỉ được khách hàng trong tỉnh đón nhận mà đã vươn tới một số tỉnh, thành trong nước.
Đây chỉ là 2 trong số hàng chục mô hình HTX ứng dụng công nghệ số hiệu quả, thời gian qua. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện có 16 doanh nghiệp tham gia chế biến sâu nông sản rau, quả thành sản phẩm hàng hóa cung cấp trị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong đó có một số sản phẩm chế biến xuất khẩu với sản lượng lớn, như chè, mật ong, dưa chuột muối, ớt muối, ớt đông lạnh... tiêu thụ hơn 60% tại thị trường trong tỉnh và khoảng 30% rau an toàn cung cấp cho các thành phố lớn phía Bắc và một phần xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp, Belarus...
Ngoài ra, từ việc chế biến sản phẩm rau, quả, tỉnh đã hình thành được những sản phẩm có thương hiệu, chất lượng cao như dứa đóng hộp, ngô đóng hộp Trường Tùng (Nông Cống); dứa đóng hộp Tư Thành (TP Thanh Hóa) đạt chất lượng OCOP 4 sao, xuất khẩu đi thị trường Nga, Ukraina và hàng chục sản phẩm rau, củ, quả được công nhận chất lượng 3 - 4 sao, tiêu thụ mạnh trên thị trường cả nước, góp phần nâng tổng giá trị sản phẩm rau, quả qua chế biến đạt gần 2.000 tỷ đồng/năm.
Làm giàu bền vững
Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2025 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố, Thanh Hóa hiện xếp thứ 14/63 tỉnh, thành, đặc biệt lọt Top 10 cả nước về chỉ số giao dịch doanh nghiệp với người tiêu dùng.
Sở Công Thương Thanh Hóa đã phối hợp với các nền tảng như Voso, Postmart, Shopee, TikTok Shop tổ chức hàng chục khóa đào tạo chuyên sâu về TMĐT cho hơn 1.200 doanh nghiệp, hộ kinh doanh và HTX.
Với các HTX trên địa bàn tỉnh, theo thống kê, đến tháng 6/2025 tỉnh Thanh Hóa có 1.364 HTX đang hoạt động, trong đó có khoảng 75% số HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Trong đó, nhiều mô hình HTX kiểu mới góp phần xóa đói, giảm nghèo, tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cũng nhờ đó, đến nay, có hàng trăm sản phẩm của các HTX đã và đang là sản phẩm hàng hóa có sức tiêu thụ lớn không chỉ bởi chất lượng tốt mà còn bởi sự năng động, khéo léo của ban quản trị HTX, các thành viên trong quảng bá, đưa sản phẩm hội nhập thị trường. Tiêu biểu như: HTX chế biến thủy sản Hải Bình (Thị xã Nghi Sơn) đưa các sản phẩm của mình tới thị trường 30 tỉnh, thành phố trên cả nước; HTX nông nghiệp Mai An Tiêm (xã Nga Thắng) với hơn 20 sản phẩm rau củ quả an toàn được tiêu thụ trên thị trường; HTX mắc ca Thành Phát (xã Thượng Ninh) tích cực tham gia hội chợ, sự kiện để quảng bá sản phẩm...
Những nỗ lực của khu vực KTTT, HTX đã góp phần tăng thu nhập cho người dân, giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đến năm 2024, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 60,86 triệu đồng, tăng 1,44 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 4,76%, bình quân hằng năm giảm 1,02%. Hiện nay hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh Thanh Hóa chỉ còn 2,02%, tương ứng 20.660 hộ.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Hồng Hải chia sẻ: Đưa nhiều sản phẩm của HTX, tổ hợp tác, thành viên trong khu vực kinh tế tập thể hội nhập thị trường hiệu quả là một trong những mục tiêu mà Liên minh HTX hướng tới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho các HTX thành viên. Do đó, hằng năm Liên minh HTX tỉnh luôn tổ chức tập huấn về kỹ năng bán hàng trên không gian mạng; hướng dẫn cách thức đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại để các HTX tham gia, giới thiệu sản phẩm đến thị trường trong và ngoài tỉnh. Thông qua những hoạt động đó đã nhân lên nhiều điển hình tiên tiến trong khu vực kinh tế tập thể tham gia thị trường.
Hồng Hương