Việc sáp nhập 3 tỉnh, thành phố vốn là những vựa lúa trọng điểm của cả nước, đã hình thành nên một vùng sản xuất lúa gạo tập trung, quy mô lớn chưa từng có.
Cơ hội vàng để nâng tầm ngành lúa gạo
Thay vì phát triển riêng lẻ, giờ đây, TP. Cần Thơ có thể xây dựng những cánh đồng lớn, liên kết theo chuỗi giá trị một cách liền mạch. Điều này không chỉ tối ưu hóa nguồn lực mà còn tạo ra một "vùng lõi" lý tưởng để triển khai và nhân rộng Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp – một trong những chiến lược trọng điểm của ngành nông nghiệp Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng thu nhập cho người nông dân, thành viên HTX.
Theo thống kê sơ bộ, trước khi sáp nhập, TP. Cần Thơ (cũ) có diện tích sản xuất lúa khoảng 76.000 ha, tỉnh Hậu Giang (cũ) và Sóc Trăng (cũ) cũng là những vựa lúa lớn của vùng, đặc biệt nổi tiếng với lúa đặc sản như ST25.
![]() |
Uớc tính, diện tích lúa gạo cảu Cần Thơ sẽ tăng lên gấp nhiều lần sau khi hợp nhất với Hậu Giang và Sóc Trăng. |
Dù chưa có con số chính thức về tổng diện tích lúa của Cần Thơ sau sáp nhập được công bố, nhưng có thể ước tính sẽ tăng lên khá nhiều so với diện tích lúa của Cần Thơ cũ. Điều này tạo ra một khu vực chuyên canh lúa khổng lồ, tiềm năng để hình thành các cánh đồng lớn.
TP. Cần Thơ (cũ) đã có kế hoạch phấn đấu đến cuối năm 2025 xây dựng được vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp với quy mô diện tích 38.000 ha. Mục tiêu đến năm 2030 là 48.000 ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tập trung tại Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai. Khi có thêm diện tích của Hậu Giang và Sóc Trăng, quy mô này sẽ còn được mở rộng đáng kể, giúp nhanh chóng đạt được mục tiêu của Đề án.
Với quy mô sản xuất lúa lớn hơn, Cần Thơ mới sẽ củng cố vị thế là trung tâm logistics, chế biến và xuất khẩu gạo của cả vùng ĐBSCL.
Vai trò quan trọng của HTX
Để biến tiềm năng to lớn thành hiện thực, ngành chức năng kỳ vọng vào một cơ chế hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn. Trong đó, việc tiếp tục phát huy vai trò của liên kết "bốn nhà" (Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà nông – Doanh nghiệp) là cực kỳ quan trọng. Đây chính là cơ hội vàng cho các HTX sản xuất lúa gạo ở Cần Thơ (sau sáp nhập) để có thể nâng cao cơ hội sản xuất tập trung quy mô lớn từ những gì đã có sẵn.
HTX Thuận Tiến (Cần Thơ) là một trong những HTX tiên phong thực hiện mô hình thí điểm của Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp với diện tích 50 héc-ta từ vụ Hè Thu 2024. HTX Thuận Tiến đã áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như: Sử dụng giống lúa xác nhận, tưới ướt - khô xen kẽ (AWD) để tiết kiệm nước và giảm phát thải khí metan, bón phân chuyên vùng chuyên biệt và giảm số lần bón phân, sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân giúp giảm lượng giống gieo sạ đáng kể (chỉ còn 60kg/ha, giảm 20-40kg/ha so với truyền thống), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).
Ngoài ra, HTX còn thực hiện thu gom rơm rạ khỏi đồng để làm nấm rơm và phân bón hữu cơ, thay vì đốt bỏ gây ô nhiễm và phát thải.
Kết quả cho thấy, mô hình này không chỉ giúp tăng năng suất và lợi nhuận cho nông dân mà còn giảm mạnh lượng phát thải khí nhà kính.
Còn Liên hiệp HTX lúa gạo Xà No Mekong (Hậu Giang cũ) đang là một tổ chức kinh tế tập thể mạnh mẽ quy tụ hơn 30 HTX sản xuất lúa gạo cùng phát triển. Liên hiệp này đã ký kết hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo theo Đề án với 6 doanh nghiệp lớn. Sự liên kết này không chỉ đảm bảo đầu ra ổn định cho lúa chất lượng cao mà còn giúp các HTX thành viên tiếp cận được vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) và các giải pháp công nghệ, kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải.
![]() |
Cần Thơ có thêm nhiều cơ hội để phát triển ngành lúa gạo sau khi sáp nhập. |
Cũng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũ, HTX Tân Long đang là một trong những thành viên nổi bật của Liên hiệp HTX lúa gạo Xà No Mekong. HTX Tân Long đã tạo lập được thương hiệu gạo sạch Vị Thủy nổi tiếng nhờ áp dụng các biện pháp sản xuất thông minh, thân thiện môi trường, và sản phẩm gạo đạt chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Nông dân liên kết và thành viên trong HTX đã thành thạo kỹ năng ghi nhật ký sản xuất lúa bằng ứng dụng trên điện thoại để phục vụ truy xuất nguồn gốc.
Tại Sóc Trăng (cũ), HTX Nông nghiệp Hưng Lợi cũng đang tham gia mô hình "Canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp” với diện tích thí điểm trên 50 ha với giống lúa đặc sản ST25. Kết quả đánh giá cho thấy, HTX đã giảm chi phí mùa vụ sản xuất 20% nhờ giảm lượng giống (chỉ còn 60kg/ha), giảm 40% tỷ lệ sử dụng phân đạm và giảm 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với tập quán truyền thống. Mô hình của HTX cũng giúp giảm lượng khí phát thải gần 30% nhờ áp dụng quy trình quản lý nước ướt - khô xen kẽ và xử lý rơm rạ.
Năng suất vụ lúa Hè Thu năm 2024 của HTX đạt trên 6,5 tấn/ha, đảm bảo hiệu quả kinh tế cho nông dân. Nhiều nông dân trong HTX này, dù ban đầu còn e ngại, nhưng sau một vụ sản xuất đã thấy rõ hiệu quả và mạnh dạn xin tham gia thực hiện mô hình.
Phá bỏ "lời nguyền" làm lúa không giàu
Những HTX kể trên là minh chứng rõ nét cho thấy hiệu quả của việc áp dụng các quy trình sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Sự thành công của các HTX không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho nông dân mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam bền vững, thân thiện với môi trường trên thị trường quốc tế, đúng như định hướng của Đề án 1 triệu héc-ta lúa.
Các mô hình thí điểm và các HTX đã áp dụng canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp đều ghi nhận mức tăng lợi nhuận ấn tượng so với phương pháp truyền thống.
Cụ thể là những mô hình này đều tăng lợi nhuận trung bình từ 10 - 30%: Nhiều báo cáo cho thấy, lợi nhuận từ các mô hình thí điểm lúa giảm phát thải tăng từ 1,3 triệu đồng đến 6,5 triệu đồng/ha/vụ, thậm chí có nơi đạt mức tăng 10 triệu đồng/ha/vụ so với trước đây.
Ví dụ, ở Sóc Trăng (cũ), mô hình canh tác lúa giảm phát thải của các HTX có thể đạt lợi nhuận hơn 40 triệu đồng/ha, tăng 10 triệu đồng so với tập quán sản xuất truyền thống. Tại Cần Thơ, lúa giảm phát thải vụ Đông Xuân có lợi nhuận lên đến 30 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, sản xuất lúa theo quy trình chất lượng cao, có chứng nhận phát thải thấp thường được các doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường. ở Sóc Trăng (cũ), lúa ST25 trong mô hình giảm phát thải được bao tiêu với giá 10.300 đồng/kg, cao hơn thị trường tới 3.000 đồng/kg.
Việc tham gia chuỗi liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu giúp nông dân, thành viên HTX có đầu ra ổn định, ít bị ép giá hơn so với bán lúa tươi cho thương lái truyền thống.
Đặc biệt, Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp hướng tới việc tạo ra tín chỉ carbon từ hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa. Khi thị trường carbon phát triển và cơ chế mua bán tín chỉ được hoàn thiện, nông dân, thành viên HTX sẽ có thêm một nguồn thu nhập mới từ việc "bán" lượng carbon đã giảm được.
Trong bối cảnh Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng sáp nhập, những HTX này sẽ có thêm cơ hội để học hỏi lẫn nhau, nhân rộng các mô hình hiệu quả, và tạo thành một khối liên kết mạnh mẽ hơn, biến vùng đất này thành một trung tâm lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp hàng đầu của cả nước.
Có thể thấy, trồng lúa phát thải thấp không chỉ là giải pháp bảo vệ môi trường mà còn là con đường bền vững để gia tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người nông dân, giúp họ "phá bỏ lời nguyền làm lúa không giàu" và thực sự làm giàu trên chính mảnh ruộng của mình.
Trí Chiến