Ngày 13/6/2025, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Vĩnh Long (trước thời điểm sáp nhập với tỉnh Bến Tre, Trà Vinh) tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025”; biểu dương điển hình giai đoạn 2023-2025 thực hiện Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến 2030” và tổng kết 5 năm thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giai đoạn 2021-2025.
HTX giải quyết việc làm cho nhiều lao động
Các cấp Hội luôn xác định các hoạt động hỗ trợ phát triển HTX do phụ nữ làm chủ, tham gia quản lý là nhiệm vụ quan trọng. Nhiều năm qua, cùng với sự phối hợp, đồng hành của các cấp, các ngành chức năng, thông qua các hoạt động của Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, các cấp Hội đã khích lệ, động viên, hỗ trợ các ý tưởng gắn với việc thành lập các mô hình HTX, tổ hợp tác (THT) do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ mang lại nhiều kết quả đáng kể.
![]() |
Vĩnh Long hiện có một số HTX nông nghiệp điển hình đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh. |
Giai đoạn 2023 - 2025, các cấp Hội đã tham gia vận động hỗ trợ thành lập 12 HTX và 26 THT do phụ nữ tham gia quản lý, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 20 ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”.
Đồng thời, việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể, tạo điều kiện thuận lợi giúp các HTX, THT mở rộng ngành nghề, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Tính từ năm 2021 đến nay, các cấp Hội đã hỗ trợ trên 4.500 hộ vay vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số tiền 756,4 tỷ đồng, giúp 1.862 hộ có phụ nữ thoát nghèo (trong đó có 927 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo đa chiều), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến năm 2024 còn 0,49%.
Trong 3 năm thực hiện đề án, tỉnh Vĩnh Long (trước khi sắp xếp đơn vị hành chính), đã thành lập mới 3 HTX do phụ nữ làm chủ, giải quyết việc làm cho 30 lao động tại địa phương. Việc thực hiện tốt đề án sẽ nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực KTTT, góp phần giải quyết lao động, phát triển kinh tế gia đình và đặc biệt là góp phần trong việc thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu mà nghị quyết của cấp ủy các cấp đã đề ra.
Chị Lê Ngọc Tường Vy, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp tổng hợp An Phước cho biết, với phương châm tăng cường đầu tư đẩy cao năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa, HTX luôn đồng hành cùng thành viên nâng cao thu nhập, sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. HTX hiện tạo công ăn việc làm cho 60 lao động nữ, thu nhập bình quân từ 6-15 triệu đồng/tháng. Đồng thời, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với trên 200 hộ dân và một số đối tác nước ngoài.
Chị Tường Vy chia sẻ: “Đề án Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ không chỉ là giải pháp hỗ trợ phát triển HTX, mà còn là đòn bẩy quan trọng để trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, góp phần xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững và công bằng đối với phụ nữ”.
HTX của cộng đồng
Bên cạnh mô hình của HTX Nông nghiệp tổng hợp An Phước còn có nhiều HTX khác trở thành điển hình như HTX Cam sành Băng Lê, HTX Thủ công mỹ nghệ Xuân Thủy và HTX Khóm Bưng Sẩm, giải quyết việc làm cho gần 90 lao động nữ tại địa phương, hầu hết các sản phẩm từ các HTX này được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Minh Yến, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Hậu Thành, cho biết hoạt động chủ yếu của HTX là sản xuất lúa chất lượng cao và có thêm lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp đan thảm lục bình để tạo việc làm cho thành viên và lao động nhàn rỗi ở địa phương. Hiện, HTX có gần 30 hội viên phụ nữ tham gia làm việc thường xuyên và thu hút khoảng 200 lao động thời vụ trên địa bàn, với mức thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/tháng/người.
HTX Nông nghiệp Hậu Thành cung cấp toàn bộ vật tư đầu vào cho thành viên, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến cáo sử dụng giống xác nhận, xạ thưa nhằm giảm lượng giống trong gieo sạ, áp dụng các biện pháp tiến bộ như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và bón phân cân đối, phun thuốc bằng máy bay, giảm được chi phí và sức khỏe cho thành viên, đồng thời ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
![]() |
Hiệu quả của HTX đóng góp đáng kể vào quá trình xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. |
Thu nhập từ thành viên tăng so với các năm trước chủ yếu đến từ lúa bán được giá cao, cũng là động lực to lớn để bà con yên tâm sản xuất. HTX còn rất chú trọng vấn đề môi trường, các thành viên và nông dân có ý thức thu gom rác và bao bì thuốc BVTV tập trung tiêu hủy đúng quy định, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường và nguồn thủy sản của khu vực, nên rất được lòng bà con xung quanh.
Ngoài ra, để tạo công ăn việc làm cho thành viên trong lúc nhàn rỗi, có thêm thu nhập, Hội đồng quản trị HTX nắm bắt cơ hội mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh tiểu thủ công nghiệp, vừa tạo công ăn việc làm cho thành viên, vừa có thu nhập cho HTX nên hiệu quả hoạt động của HTX khá tốt.
Chị Lê Thị Thảo, thành viên HTX chia sẻ: “Tôi mới làm cho HTX mới gần một năm thôi nhưng cuộc sống cải thiện đáng kể, có tiền đóng tiền học, mua quần áo mới cho con. Mỗi ngày, sau khi xong việc nội trợ gia đình, đưa rước con đi học thì tôi đan trung bình gần 30 tấm khung nắp xếp. Lúc đầu cũng được chị Yến dạy nghề mới biết làm. Giờ cũng tạm rành nghề, mỗi ngày tôi kiếm được gần 100.000 đồng, phụ với chồng lo cho cuộc sống hàng ngày không còn thiếu thốn nữa”.
Hướng đến mục tiêu mở rộng quy mô, hiệu quả hoạt động
Từ thực tế cho thấy, nhờ khả năng giao lưu xã hội và hoạch định kinh doanh tốt, nhạy bén trong việc nắm bắt thị trường, các HTX do phụ nữ làm quản lý đã từng bước phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội, trở thành địa chỉ để chị em đoàn kết, hỗ trợ nhau trong cuộc sống.
Thực tế, thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân rộng các mô hình HTX do phụ nữ làm quản lý lãnh đạo đến các địa phương. Tạo điều kiện để các HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ, phát triển các mô hình khởi nghiệp, giúp phụ nữ vươn lên khẳng định vai trò trong gia đình và xã hội. Tại Vĩnh Long, số lượng các HTX do phụ nữ làm quản lý hoạt động hiệu quả ngày càng nhiều, khẳng định hướng đi đúng trong việc thu hút, tập hợp lực lượng lao động nữ tham gia vào khu vực kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.
Mục tiêu trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế; tăng cường phối hợp, hỗ trợ thành lập HTX do phụ nữ quản lý; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho Ban quản lý điều hành HTX, THT; giới thiệu sản phẩm các làng nghề, HTX, THT do phụ nữ tham gia quản lý tiếp cận thị trường thông qua các hội chợ thương mại, ngày hội hàng Việt; củng cố nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các HTX, THT được các cấp Hội hỗ trợ thành lập; tạo việc làm ổn định cho lao động nữ trong HTX và trong THT; tư vấn, hỗ trợ thành lập mới HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ và tạo việc làm mới cho lao động nữ…
Về phía Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Long cũng cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường phối hợp kết nối, hỗ trợ, hướng dẫn các HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, thu hút, mở rộng thành viên; hướng dẫn thủ tục sắp xếp, củng cố tổ chức, tăng giá trị vốn góp điều lệ phù hợp với quy định hiện hành, nhằm tăng hiệu quả hoạt động của HTX, tăng doanh thu, lợi nhuận cho thành viên HTX.
Chú trọng củng cố, nâng chất hoạt động các HTX có ngành nghề phù hợp với thế mạnh của phụ nữ và lao động nữ trong lĩnh vực nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, đan lát, may mặc… Hỗ trợ các HTX sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, tham gia chuỗi cung ứng, chế biến, sản phẩm OCOP; kết nối phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng, làng nghề truyền thống, bảo tồn văn hóa, phát huy tài nguyên bản địa.
Huyền Mi