Thạch Mác Púp, hay còn gọi là thạch bông lau, không chỉ là món ăn giải nhiệt đơn thuần mà còn là biểu tượng của sự tinh túy từ thiên nhiên ban tặng cho Cao Bằng. Vào tháng 7, tháng 8 âm lịch, khi những quả Mác Púp chín rộ, người dân lại hối hả thu hái, tách lấy phần hạt nhỏ bên trong.
Từ món ăn truyền thống đến sản phẩm hàng hóa
Những hạt Mác Púp sau đó được phơi khô, cất giữ cẩn thận để dùng quanh năm. Quy trình chế biến thạch vô cùng đơn giản nhưng lại tạo ra thành phẩm kỳ diệu: chỉ cần ngâm và vò nhẹ túi hạt khô trong nước sôi để nguội, chất keo trắng từ hạt sẽ tan ra, tạo thành dung dịch sánh trong. Sau 1-2 giờ, dung dịch tự động đông lại thành thạch trắng trong veo như pha lê, hoàn toàn không cần đến bất kỳ phụ liệu nào khác.
Thạch Mác Púp từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc giúp thanh lọc cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa và xua tan cái nóng bức của mùa hè. Thạch thường được ăn kèm với nước đường phèn hoặc mật ong, thêm vài lát chanh để tăng hương vị.
Thạch trắng Mác Púp là món ngon truyền thống của bà con dân tộc Tày, Nùng Cao Bằng. Tuy nhiên, trong bối cảnh du lịch phát triển và nhu cầu của thị trường ngày càng đa dạng, thạch Mác Púp không còn chỉ dừng lại ở phạm vi hộ gia đình. Người dân đã nhận thấy tiềm năng to lớn của loại đặc sản này và bắt đầu chuyển hướng sang mô hình sản xuất hàng hóa.
![]() |
Quả Mác Púp vốn là một laoij quả dại trong rừng. |
Việc phát triển thạch Mác Púp theo hướng hàng hóa không chỉ đơn thuần là tăng sản lượng, mà còn bao gồm việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, và đặc biệt là xây dựng thương hiệu để tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Điều này không chỉ giúp gia tăng giá trị cho hạt Mác Púp mà còn tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Du khách hiện nay có thể dễ dàng tìm mua thạch Mác Púp và hạt Mác Púp đóng gói tiện lợi tại các chợ phiên truyền thống, các cửa hàng đặc sản và gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Sự hiện diện của thạch Mác Púp tại các điểm bán này cho thấy nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương trong việc đưa đặc sản này vươn xa hơn.
Liên kết chế biến thạch Mác Púp
Trong số những nỗ lực đáng ghi nhận không thể không nhắc đến Tổ hợp tác sản xuất chế biến thạch Mác Púp tại xã Cai Bộ, huyện Quảng Hòa (cũ). Là người con của vùng đất lịch sử này – nơi có cây Mác Púp mọc tự nhiên nhiều nhất tỉnh, chị Lê Thị Ngân đã tiên phong thành lập và điều hành Tổ hợp tác. Đây là một bước đi đột phá, không chỉ khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có mà còn bảo tồn và thương mại hóa hạt Mác Púp, một loại hạt nổi tiếng với chất lượng vượt trội.
Sự ra đời của Tổ hợp tác đã mở ra một nguồn sinh kế mới đầy hứa hẹn cho các hộ thành viên. Trước đây, việc thu hái và chế biến Mác Púp chủ yếu mang tính tự cung tự cấp hoặc bán nhỏ lẻ. Giờ đây, thông qua Tổ hợp tác, các thành viên được hỗ trợ về kỹ thuật, quy trình sản xuất, và đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm. Điều này giúp họ có thêm nguồn thu nhập ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đặc biệt, do quả Mác Púp vốn là loại dại trong rừng, số lượng không nhiều, thu hái theo phương thức thủ công nên mỗi kg hạt mác púp có giá khá đắt đỏ: 250.000-350.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 600.000-700.000 đồng/kg, giúp người dân có thêm nguồn thu khi bán quả Mác Púp cho Tổ hợp tác.
Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất, Tổ hợp tác còn chú trọng đến việc quảng bá và lan tỏa giá trị của hạt Mác Púp cũng như công dụng và nét độc đáo của thạch Mác Púp. Họ đang nỗ lực đưa đặc sản này trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình trải nghiệm du lịch của du khách khi đến Cao Bằng. Hiện, Tổ hợp tác đang bán hạt Mác Púp với giá khoảng 60.000 đồng/2 gram và khoảng 160.000 đồng/hộp thạch 500gram.
![]() |
Đầu tư cho chế biến, quảng bá giúp thạch Mác Púp có giá trị kinh tế cao hơn. |
Trong xu hướng phát triển du lịch xanh và du lịch trải nghiệm văn hóa, thạch trắng Mác Púp đang dần trở thành một điểm nhấn độc đáo, góp phần làm nên sự khác biệt cho hình ảnh du lịch Cao Bằng.
Việc phát triển thạch Mác Púp theo hướng hàng hóa thông qua mô hình Tổ hợp tác không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho người dân mà còn góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Bằng cách tạo ra chuỗi giá trị từ việc thu hái, chế biến đến tiêu thụ, Mác Púp đang trở thành một cây chủ lực, giúp người dân tận dụng tối đa nguồn tài nguyên bản địa. Điều này đồng thời khuyến khích người dân bảo tồn cây Mác Púp, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định và bền vững cho tương lai.
Bên cạnh đó, việc quảng bá thạch Mác Púp còn góp phần giữ gìn và phát huy văn hóa ẩm thực truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng. Món ăn này không chỉ đơn thuần là thực phẩm mà còn là một phần di sản văn hóa được truyền từ đời này sang đời khác, thể hiện sự khéo léo và gắn bó của người dân với thiên nhiên.
Đưa đặc sản phát triển
Thạch Mác Púp là minh chứng rõ nét cho thấy từ những sản vật giản dị của núi rừng, với sự sáng tạo, nỗ lực và định hướng đúng đắn, người dân Cao Bằng đang từng bước chuyển mình, biến tiềm năng thành hiện thực. Câu chuyện về thạch Mác Púp không chỉ là về một món ăn đặc sản, mà còn cho thấy vai trò quan trọng của sự liên kết, hợp tác trọng sản xuất kinh doanh.
Để tiếp tục đưa thạch Mác Púp vươn tầm, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong việc mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ Mác Púp (như các sản phẩm đóng gói tiện lợi, sản phẩm khô, hoặc thậm chí là các sản phẩm chế biến sâu hơn).
Đồng thời, việc tăng cường quảng bá, kết nối với các kênh phân phối lớn, và đưa thạch Mác Púp trở thành một sản phẩm du lịch chủ lực sẽ giúp đặc sản này vươn xa hơn nữa, không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, thạch Mác Púp đang khẳng định vị thế của mình, không chỉ là món ăn giải nhiệt mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương, góp phần giúp người dân tạo sinh kế bền vững.
Minh Nhương