Với tiềm năng và địa hình, khí hậu đặc thù, danh mục sản phẩm hàng hóa của tỉnh Lạng Sơn ngày càng đa dạng, phong phú, trong đó các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực, sản phẩm nông nghiệp của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của HTX ngày càng được người tiêu dùng cả nước biết đến như: thạch đen, các loại trái cây na, hồng không hạt, hồng vành khuyên, quýt vàng, chanh rừng, hạt dẻ, gạo, chè... nâng cao thu nhập cho thành viên.
Nhờ vậy, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực, ví dụ như năm 2023, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Lạng Sơn là 2,9% so với năm 2022 (từ 8,92% xuống còn 6,02%, tương đương giảm 5.100 hộ). Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 6,02% (năm 2023) xuống còn 3,48% năm 2024.
HTX bao tiêu đầu ra cho nông dân
Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp ở một số nơi còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu đầu ra ổn định, thời gian qua, HTX Bản San, tỉnh Lạng Sơn đã làm tốt vai trò liên kết, tiêu thụ nông sản cho người dân.
Bà Vi Thị Nghĩa, Giám đốc HTX Bản san chia sẻ: Nhận thấy trên địa bàn có thế mạnh trồng các loại nông sản, tuy nhiên đầu ra bấp bênh, giá cả không ổn định, lúc được mùa thì mất giá, lúc được giá thì mất mùa, vì vậy năm 2020, THT Bản San được thành lập và đến năm 2024, được chuyển đổi thành HTX Bản San có 7 thành viên với mong muốn trồng, liên kết sản xuất, hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản.
![]() |
Các thành viên HTX Bản San phân loại dưa chuột bao tử. |
Với mục tiêu rõ ràng, khi đi vào sản xuất, HTX đã triển khai trồng và liên kết với bà con trên địa bàn xã trồng dưa chuột bao tử với diện tích trên 20 ha. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp giống và kỹ thuật canh tác, HTX còn liên kết với HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp ORGANIC Xương Lâm (tỉnh Bắc Giang) ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm với giá ổn định cho bà con.
Bà Vi Thị Viên, thành viên HTX cho biết: Dưa chuột bao tử là loại cây trồng ngắn ngày, mỗi năm trồng một vụ (khoảng 35 – 40 ngày là đã cho thu hoạch), nhưng trước đây gia đình tôi không dám làm vì lo không có đầu ra. Từ khi có HTX, gia đình tôi đã ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ với diện tích 3 sào. Trong quá trình trồng, chăm sóc, HTX thường xuyên trao đổi về kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Do đó, năng suất, sản lượng dưa chuột bao tử luôn đạt cao. Tính đến nay, gia đình tôi đã trồng được 4 vụ, riêng năm nay, sản lượng thu hoạch ước đạt trên 2 tấn, giá trị đạt hơn 20 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa, ngô.
Cùng với hộ bà Viên, vụ dưa chuột bao tử năm 2025, diện tích của HTX trồng của các hộ liên kết tiêu thụ đều đạt năng suất chất lượng cao. Các hộ ngay khi thu hoạch xong đều được HTX Bản San thu mua với giá ổn định 4.000 - 11.000 đồng/kg tuỳ thuộc vào kích thước. Trung bình mỗi vụ, HTX thu mua khoảng 100 tấn dưa chuột (dưa chuột thường và dưa chuột bao tử) cho người dân trên địa bàn xã và các xã lân cận.
Cùng đó, HTX Bản San còn tiêu thụ các sản phẩm nông sản khác cho bà con trong và ngoài xã như: khoai tây, ớt, bí đỏ... Theo đó, trung bình mỗi vụ, HTX thu mua khoảng 70 tấn ớt và trên 200 tấn khoai tây, bí đỏ của người dân, bảo đảm giá cả bằng hoặc cao hơn giá trị trường. Nhờ đó, doanh thu hằng năm của HTX đạt khoảng 700 triệu đồng. Từ việc sản xuất hiệu quả, HTX đã tạo việc làm thời vụ cho 5 - 7 lao động địa phương với thu nhập 250.000 – 300.000 đồng/ngày.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lạng Sơn đánh giá, thời gian qua, HTX Bản San đã chủ động liên kết với bà con để sản xuất và đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, giúp người dân không còn lo lắng về tình trạng “được mùa mất giá”. Đây cũng là tiền đề quan trọng để thực hiện chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu nông sản trên địa bàn, giúp lĩnh vực nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Bí quyết phát triển HTX
Với HTX Lê Hồng Phong, sau hơn 12 năm phát triển, từ một HTX có quy mô nhỏ, thu không đủ bù chi, thì nay HTX đã duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, doanh thu hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 20 lao động với mức thu nhập 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2017, HTX Lê Hồng Phong là một trong 10 HTX được UBND tỉnh Lạng Sơn chọn làm thí điểm đưa trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc. Được sự hỗ trợ, HTX đã bổ sung thành viên là cử nhân chuyên ngành chăn nuôi, thú y, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động.
Giám đốc HTX Dương Hữu Chức cho hay: “Thời gian tới, để đảm bảo phát triển bền vững, HTX sẽ tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tập huấn cho thành viên về khoa học - kỹ thuật, sản xuất an toàn, an toàn lao động. Hoàn thiện hệ thống sản xuất sạch, hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái”.
![]() |
Nuôi cá lồng là một trong những ngành chủ lực của HTX Lê Hồng Phong. |
Về sản xuất, HTX tiếp tục tập trung đầu tư mở rộng quy mô, đầu tư cải tạo đập Vũ Lăng để phát triển nuôi cá lồng theo hướng hàng hóa và đưa thêm giống cá Lăng Chấm có giá trị kinh tế cao vào nhân rộng.
Bên cạnh đó, HTX Lê Hồng Phong cũng đang trong quá trình thử nghiệm và hoàn thiện dịch vụ câu cá, du lịch sinh thái tại đập Vũ Lăng. Nếu thành công, du lịch sinh thái sẽ là một trong những dịch vụ chủ lực, vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Được biết, theo dự án liên kết sản xuất, các HTX trong chuỗi có liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp nên đầu vào và thị trường đầu ra luôn ổn định từ nguồn con giống, thức ăn chăn nuôi, phát triển sản phẩm đa dạng từ cá tươi đến sơ chế đóng gói.
Theo dự tính, với tổng diện tích ao nuôi cá 11,1 ha và 57 lồng bè theo chu kỳ chăn nuôi kéo dài 12 tháng, sản lượng thu khoảng 68 tấn, giá trị đạt trên 4 tỷ đồng/năm, tạo thu nhập cho lao động thời vụ ở HTX mức lương 5-7 triệu đồng/người/tháng. Đây sẽ là hướng đi mới giúp các HTX nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao vai trò của HTX liên kết, góp phần phát triển lĩnh vực thuỷ sản trên địa bàn.
Xu hướng tất yếu
Theo thông tin từ Liên minh HTX Lạng Sơn, hiện nay số lượng HTX trên địa bàn tỉnh không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng của các HTX cũng có nhiều sự chuyển biến.
Đến ngày 31/12/2024, toàn tỉnh có 310 tổ hợp tác với tổng số 5.600 thành viên, doanh thu bình quân ước đạt 650 triệu đồng/năm; thành lập mới 68 HTX, đạt 136% kế hoạch, lũy kế đến nay toàn tỉnh có 549 HTX, tổng số thành viên là 6.350 người.
Năm 2024, doanh thu bình quân mỗi HTX tại Lạng Sơn đạt 1,35 tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch, trong đó có 115 HTX hoạt động khá, tốt với doanh thu trên 1,5 tỷ đồng/năm. Thu nhập của lao động trong các HTX tăng lên mức 5-7 triệu đồng/người/tháng. Những con số này không chỉ là minh chứng cho sự thành công của các HTX mà còn cho thấy Lạng Sơn đang đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu của cả nước về nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy phát triển bền vững.
Để có được những kết quả này, “bí quyết” của tỉnh chính là phát triển HTX trên tinh thần tự thân, tự nguyện của người dân.
Bên cạnh đó, các HTX tại Lạng Sơn còn thể hiện sự đồng hành chặt chẽ với xu thế hiện đại hóa nông nghiệp và chuyển đổi số. Việc nhiều HTX đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, mở rộng thị trường qua nền tảng trực tuyến không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn tạo ra hình mẫu điển hình trong quá trình chuyển đổi KTTT trên toàn quốc.
Những nỗ lực không ngừng của các HTX tại Lạng Sơn, kết hợp với sự hỗ trợ từ chính quyền đang dần đưa KTTT địa phương trở thành một trong những điểm sáng nổi bật trong chiến lược phát triển quốc gia. Với nền tảng bền vững đã được xây dựng, cùng tinh thần đổi mới và sáng tạo, Lạng Sơn không chỉ kỳ vọng nâng cao vị thế KTTT mà còn đóng góp quan trọng vào hành trình phát triển kinh tế bền vững, hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Chia sẻ về “bí quyết” phát triển mô hình HTX trên địa bàn, Liên minh HTX Lạng Sơn cho biết, qua thực tiễn đã chứng minh, mô hình HTX đang và sẽ là xu thế tất yếu trong giai đoạn kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Có thể nói, với những con số ấn tượng về phát triển mô hình HTX trên địa bàn Lạng Sơn đã cho thấy, đây là một mô hình thích hợp cho các tỉnh miền núi giai đoạn hiện nay. Theo đó các cấp, ngành, địa phương cần nghiên cứu ứng dụng mô hình một cách linh hoạt, sáng tạo nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của người dân vùng dân tộc và miền núi.
Huyền Mi