Nhờ sự đầu tư đúng hướng, đến nay, toàn xã Quảng Phú đã chuyển đổi thành công gần 50 ha đất trồng cây kém hiệu quả sang các mô hình trồng trọt có ứng dụng khoa học – kỹ thuật, mang lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, nổi bật là mô hình trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nâng cao giá trị cây trồng
Quảng Phú là xã thuần nông, trước đây, người dân chủ yếu trồng hai loại cây chính là cao su và mía. Tuy nhiên, việc canh tác thiếu khoa học khiến chất lượng đất đai ngày càng giảm, hiện tượng thoái hóa diễn ra phổ biến khiến năng suất, chất lượng cây trồng giảm.
![]() |
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng VietGAP giúp xã nâng cao thu nhập cho người dân (Ảnh TL). |
Kể từ năm 2015 đến nay, trước đòi hỏi từ thực tiễn, xã đã hỗ trợ, khuyến khích các hộ nông dân trên địa bàn chuyển hướng sang trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP, thân thiện môi trường. Mô hình nhanh chóng cho thấy kết quả ấn tượng, có tiềm năng nhân rộng.
Sở hữu hơn 2 ha đất trồng cây, ông Vũ Quốc Tuấn, thành viên tổ hợp tác trồng cây xã Quảng Phú, cho biết trước đây, toàn bộ diện tích đất của gia đình ông trồng cây cao su, ban đầu cho hiệu quả khả quan, nhưng về sau, khi đất đai ngày càng cằn cỗi, thị trường thiếu ổn định khiến thu nhập sụt giảm mạnh.
Để giải quyết khó khăn, ông Tuấn đã tự tìm tòi, học hỏi mô hình trồng cây ăn quả ở nhiều nơi để về áp dụng cho khu đất nhà mình. Hiên nay, trang trại của gia đình ông có các loại cây trồng như cam V2, cam đường canh, bưởi Diễn... bắt đầu cho giá trị kinh tế ổn định.
“Nhờ áp dụng sản xuất VietGAP, năng suất, chất lượng cây trồng của nhà tôi được đảm bảo. Cộng thêm được tổ hợp tác hỗ trợ bao tiêu nên giá thành ổn định. Hai năm qua, tôi thu về lợi nhuận gần 100 triệu đồng. Trong 5 năm tới, các loại cây vào thời kỳ sinh trưởng mạnh nhất, dự kiến lợi nhuận sẽ tăng 2 – 3 lần”, ông Tuấn phấn khởi nói.
Và thay đổi tư duy sản xuất
Đại diện UBND xã Quảng Phú cho biết, để thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao giá trị cây trồng, những năm qua, địa phương đã đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích các hộ chuyển đổi sang trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP, thân thiện môi trường.
![]() |
Xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các hộ phát triển mô hình trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP (Ảnh TL). |
Theo đó, xã đã tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp các hộ dân nắm vững quy trình sản xuất sạch, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đang "gặt hái" những thành quả lớn sau 3 năm phát triển mô hình trồng táo VietGAP, ông Hoàng Văn Thi chia sẻ: “Sản xuất VietGAP không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nếu trước đây tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón diễn ra phổ biến, thì nay đã gần như không còn”.
Với những thành công đang có, thời gian tới, xã dự kiến tiếp tục thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông để hỗ trợ cây giống, vật tư phục vụ sản xuất từ nguồn ngân sách huyện và chương trình mục tiêu quốc gia. Tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân.
Xã cũng tiếp tục thúc đẩy chuyển giao khoa học – kỹ thuật, giúp các hộ trồng cây hoàn thiện quy trình sản xuất sạch, thân thiện môi trường, loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giàu sức cạnh tranh, giá bán ngày càng được nâng lên.
Hưng Nguyên