Cách đây không lâu, thông qua mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nuôi hươu sao lấy nhung, HTX Đầu tư và phát triển nhung hươu Hương Sơn (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) đã đến địa bàn xã Ba (cũ) để mua nhung hươu từ các hộ nuôi hươu sao trên địa bàn.
Triển vọng nuôi hươu sao lấy nhung
Nhờ đó, hộ bà Đinh Thị Tốt ở thôn Đha Mi, xã Ba (cũ) đã cắt được tổng cộng 1,5kg nhung bán cho HTX với giá loại 1 là 12 triệu đồng/kg. Trước đó, bà Tốt cũng được HTX này tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chuẩn bị thức ăn cho hươu.
![]() |
Nhờ liên kết với HTX giúp cho bà con xã Sông Vàng tăng thêm thu nhập với mô hình nuôi hươu lấy nhung. |
Thời gian qua, từ mô hình liên kết với HTX Đầu tư và phát triển nhung hươu Hương Sơn, nhiều hộ dân ở xã Ba (cũ) đã đi thực tế, học hỏi kinh nghiệm nuôi hươu sao của HTX ở Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh).
Sau khi được tạo điều kiện học hỏi, ông Alăng Ngơi - thuộc hộ nghèo ở thôn Ban Mai, xã Ba (cũ), đã được hỗ trợ 5 con hươu để tạo nguồn sinh kế.
“Trước khi được cấp 5 con hươu sao, tôi và nhiều hộ dân được học hỏi từ HTX về kỹ thuật nuôi, cách làm chuồng trại đảm bảo. Từ số tiền 30 triệu đồng dành dụm, vay mượn thêm, gia đình tôi đã làm chuồng nuôi hươu. Hiện nay, hươu phát triển ổn định” - ông Ngơi phấn khởi nói.
Theo ông Ngơi, giá nhung hiện dao động từ 11–12 triệu đồng/kg. Với mức giá này, chỉ cần bán cho HTX được vài cặp nhung hươu mỗi năm là đã có thu nhập khá.
Hoặc như gia đình ông Nguyễn Văn Thư, 50 tuổi, ở xã Ba (cũ) cũng được hỗ trợ hươu để chăn nuôi. Ông chia sẻ, ban đầu nghe nói được hỗ trợ hươu sao, cảm thấy lo lắng vì đây là mô hình mới.
Sau khi được học hỏi kinh nghiệm thực tế về cách nuôi, quy trình, quy cách lấy nhung hươu sao cho đúng, rồi có đơn vị bao mua nhung hươu theo liên kết nên ông mạnh dạn tham gia. Thức ăn của hươu dễ kiếm, lợi nhuận dự kiến khá cao nên gia đình ông Thư tin tưởng sẽ có thu nhập trong thời gian tới.
Nhận thấy mô hình liên kết nuôi hươu sao lấy nhung có nhiều triển vọng, chính quyền xã Ba (cũ) đã chọn để triển khai nhằm cải thiện sinh kế cho các hộ nghèo. Các hộ nuôi hươu sao được hỗ trợ về chi phí mua con giống, hạt giống cỏ, chế phẩm sinh học, vật tư làm chuồng. Họ còn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chuyển giao kỹ thuật khoa học lấy nhung, tìm kiếm thị trường gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Bà con yên tâm sản xuất
Theo giới chuyên gia, nuôi hươu sao lấy nhung không tốn nhiều công chăm sóc, dễ tìm nguồn (chủ yếu các loại cỏ và một số phụ phẩm khác trong tự nhiên) nên chi phí không cao, rủi ro dịch bệnh trên đàn vật nuôi rất thấp. Mỗi ngày cho hươu sao ăn 3 lần, thức ăn từ cỏ, chuối, lá cây nên không tốn nhiều chi phí.
![]() |
Liên kết nuôi hươu lấy nhung mở ra “cánh cửa” thoát nghèo cho người dân ở Sông Vàng. |
Hươu sao thường được nuôi để lấy nhung là chủ yếu, khi nuôi được 48 tháng là hươu đực sẽ bắt đầu cho nhung với trọng lượng mỗi con từ 500 - 600gr nhung. Trung bình một năm, hươu sẽ cho nhung hai lần với giá bán mỗi ký dao động từ 10-12 triệu đồng.
Lượng nhung hươu thu được tỷ lệ thuận với số tuổi của vật nuôi, nên hươu nuôi càng lớn, lượng nhung hươu thu được sẽ càng cao, lợi nhuận của người nuôi vì vậy được đảm bảo ổn định. Chính vì vậy, người dân ở địa bàn xã Ba (cũ) hoàn toàn yên tâm về đầu ra sản phẩm.
Còn ở địa bàn xã Tư (cũ) thời gian qua đã nổi lên mô hình liên kết cùng HTX Nông nghiệp xã Tư để trồng chè dây Ra Zéh. HTX tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chè dây cho thành viên nên bà con yên tâm sản xuất.
HTX này đã chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc bản địa chè dây cho đồng bào dân tộc Cơ Tu để xây dựng liên kết chuỗi sản xuất dược liệu hiệu quả, bền vững nhằm cải thiện sinh kế, giảm áp lực khai thác tài nguyên rừng tại địa phương. Đồng thời HTX tiến hành chuyển giao kỹ thuật xây dựng vườn nhân ươm giống chè dây tại nhà, giúp bà con sản xuất số lượng chè dây nhiều hơn, nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ số lượng và chất lượng cây giống để nhân rộng mô hình.
Thông qua mối liên kết này mà địa bàn xã Tư (cũ) hiện có 19,5ha trồng chè dây. HTX đã triển khai việc xây dựng chuỗi nhà máy sơ chế sản phẩm chè dây nhằm tạo đầu ra sản phẩm ổn định để nhân dân yên tâm mở rộng diện tích và chăm sóc, thu hái chè dây, góp phần tạo việc làm tại chỗ tăng thu nhập ổn định cuộc sống cho người dân địa phương. Nhờ trồng chè dây, nhiều hộ dân ở địa phương có thu nhập tốt, đời sống được nâng cao.
Hiện nay HTX Nông nghiệp xã Tư đã chọn chè dây Ra Zéh làm sản phẩm chủ lực, tích cực hỗ trợ thành viên chăm sóc, thu hái chè. HTX làm đầu mối bao tiêu chè nguyên liệu cho thành viên và bà con địa phương, chế biến sản phẩm đưa ra thị trường.
Kỳ vọng chuỗi liên kết vững chắc
Bên cạnh đó, HTX Nông nghiệp xã Tư đã xây dựng nhà xưởng kiên cố, đảm bảo vệ sinh, đầu tư máy móc thiết bị chế biến, không ngừng hoàn thiện quy trình sản xuất, cải tiến bao bì mẫu mã sản phẩm, tự công bố sản phẩm, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm. HTX đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Chè dây Ra Zéh”, đưa sản phẩm tham dự các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm mở rộng thị trường.
![]() |
Mô hình liên kết cùng HTX trồng chè dây Ra Zéh giúp cho người dân Sông Vàng cải thiện sinh kế. |
Ông Lê Duy Trường, Giám đốc HTX nông nghiệp xã Tư cho biết, công suất chế biến chè Ra Zéh của HTX là 1,5 tạ/ngày. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX đang tiến tới đầu tư máy móc, thiết bị, kỹ thuật nâng cao năng lực sản xuất.
Nhờ mô hình liên kết cùng HTX mang lại hiệu quả mà chè dây Ra Zéh đang được định hướng là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo ở xã Tư (cũ) - nay thuộc xã Sông Vàng (mới). Theo đó, chính quyền địa phương đã tuyên truyền cho bà con lấy cây này làm cây trồng chủ lực trong thời gian đến, với mục tiêu bảo tồn loài cây quý hiếm của đồng bào Cơ Tu và hướng tới xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, tạo sản phẩm hàng hóa, giúp người dân phát triển kinh tế hộ, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Việc phát triển mô hình liên kết cùng HTX để nuôi hươu sao lấy nhung hay trồng chè dây Ra Zéh như kể trên luôn được Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX Tp. Đà Nẵng quan tâm, theo dõi và có những hỗ trợ kịp thời để hoạt động kinh tế hợp tác ở xã Sông Vàng (mới) - trên cơ sở sáp nhập từ xã Ba (cũ) và xã Tư (cũ) thuộc huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam trước đây) ngày càng có bước tiến vững chắc về chuỗi liên kết.
Nhất là thông qua định hướng của Liên minh HTX Việt Nam thì Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam trước đây và nay là Liên minh HTX Tp. Đà Nẵng đã hỗ trợ người dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Sông Vàng thực hiện liên kết cùng với HTX trong sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi. Đặc biệt là giúp cho các HTX tại địa phương nâng cao năng lực sản xuất, tìm hướng đi mới cho tiêu thụ cây trồng, vật nuôi.
Do đó, việc người dân ở xã Sông Vàng tham gia vào mô hình liên kết cùng HTX như kể trên rất đáng khích lệ và nhân rộng nhằm mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Điều kỳ vọng là việc liên kết chuỗi này phải ngày càng vững chắc hơn nữa để “cánh cửa” thoát nghèo của người dân địa phương được rộng mở.
Thanh Loan