HTX Nông nghiệp Phú Lộc (xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cũ, nay là xã Hoa Lộc) là một trong những HTX đi đầu trong câu chuyện này. Nhờ hoạt động hiệu quả, đã thu hút gần 1.000 lao động tham gia, mang về doanh thu 23 tỷ đồng/năm góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
Lan tỏa mô hình hay, cách làm tốt
Được thành lập năm 1972, sau thời gian dài không ngừng nỗ lực và phát triển, đến nay HTX Nông nghiệp Phú Lộc đã có thương hiệu và hoạt động hiệu quả được các cấp ghi nhận, đánh giá cao.
Ông Hoàng Văn Toàn-Giám đốc HTX cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi gặp không ít khó khăn như: Biến đổi khí hậu, dịch bệnh, sức ép cạnh tranh trên thị trường…Tuy nhiên, nhờ phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, HTX Nông nghiệp Phú Lộc bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Thanh Hóa về phát triển kinh tế nông nghiệp để tổ chức phát triển sản xuất ngày càng tốt hơn.
![]() |
Năm 2024, tổng sản lượng từ rau, củ, quả…các loại mà thành viên của HTX Nông nghiệp Phú Lộc sản xuất đạt 6.122 tấn, trong đó số lượng được bao tiêu chiếm 50%. |
Hiện nay, HTX đang thực hiện 6 khâu dịch vụ, trong đó có dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, triển khai ứng dụng khoa học-kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm nông sản cho các hộ thành viên,…
Ngoài ra, HTX còn tích cực tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền về việc triển khai thực hiện tích tụ ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Đặc biệt, đưa các loại cây, con có năng suất, chất lượng vào thực tiễn như: Cây ngô ngọt, khoai tây, ớt, cải bó xôi,…
“Để tạo sự yên tâm cho thành viên tham gia sản xuất, chúng tôi đã chủ động tìm kiếm thị trường, đồng thời tìm hiểu các doanh nghiệp có đủ năng lực tiêu thụ khối lượng hàng hóa lớn để ký kết, hợp tác sản xuất”- ông Hoàng Văn Toàn nói thêm.
Tính đến hết năm 2024, tổng sản lượng từ rau, củ, quả…các loại mà thành viên của HTX sản xuất đạt 6.122 tấn, trong đó được bao tiêu chiếm 50%. HTX đã thu hút 955 thành viên tham gia, sản xuất trên tổng diện tích 400 ha với doanh thu năm 2024 đạt 23 tỷ đồng.
Bà Hoàng Thị Hạnh (xã Hoa Lộc) nói: “Tôi là thành viên của HTX Nông nghiệp Phú Lộc, hiện gia đình tôi làm 4 sào rau màu các nên thu nhập hàng năm cũng tương đối ổn định. Việc tham gia vào HTX giúp nông dân chúng tôi tiếp cận thị trường tốt hơn, giảm thiểu rủi ro khi tạo ra sản phẩm”.
Để sản xuất thực sự có hiệu quả, HTX Phú Lộc luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ thành viên HTX tham gia sản xuất. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy trình, nội dung đã thỏa thuận, ký kết giữa các bên nhằm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hay như HTX dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến (HTX Đông Tiến), thuộc xã Đông Tiến huyện Đông Sơn, Thanh Hóa được thành lập năm 2012, hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ nông nghiệp như máy gặt, máy làm đất, máy cấy, mạ khay. Năm 2015, HTX Đông Tiến chuyển đổi hoạt động sang lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất dưa chuột baby, dưa Kim Hoàng Hậu và sản xuất rau ăn lá.
Hiện nay, khu vực sản xuất của HTX đã được mở rộng lên 4,4ha trong đó có 2,2ha trồng dưa chuột baby, Kim Hoàng Hậu và trồng hoa lan Hồ Điệp. Mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường khoảng 120 tấn dưa kim hoàng hậu, 70 tấn dưa chuột, rau ăn lá, 60 tấn cà chua và 4 vạn cây lan Hồ Điệp.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất
Tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt đề cương 'Đề án phát triển, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn, giai đoạn 2026 - 2030'.
Được biết, trong giai đoạn 2023- 2025, tỉnh có 22 HTX nông nghiệp được hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm với tổng kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là 55,2 tỷ đồng; các dự án được triển khai theo đúng tiến độ, một số dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.
Tỉnh chủ trương tiếp tục mở rộng quy mô, thu hút nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tham gia, để đến năm 2030 đưa HTX nông nghiệp trở thành loại hình kinh tế - xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; tăng thu nhập cho người nông dân; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo điều kiện, động lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đánh giá được thực trạng hoạt động của các HTX trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2021-2025. Từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn, giai đoạn 2026-2030.
Qua khảo sát từ thực tế cho thấy, hiện nay, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã và đang xuất hiện thế hệ nông dân mới với trình độ, kiến thức, sự năng động, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đưa công nghệ vào sản xuất để gia tăng giá trị sản phẩm. Khi đi qua những cánh đồng trù phú,dễ dàng bắt gặp những người nông dân trên tay cầm chiếc điện thoại thông minh điều chỉnh hệ thống tưới nước tự động, với những ưu thế vượt trội như tiết kiệm nước, giảm công lao động, chi phí, đồng thời cải thiện chất lượng nông sản... đây được xem là thành công bước đầu của "nông dân thời kỳ 4.0" khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
Đặc biệt, cùng với việc thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, thời gian qua, ngành nông nghiệp của tỉnh cùng các đơn vị, địa phương như Liên minh HTX tỉnh đã chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật để người dân ứng dụng vào thực tế sản xuất, qua đó nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế cho từng loại sản phẩm nông nghiệp.
![]() |
Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như trồng dưa chuột, rau màu các loại trong nhà màng, nhà lưới và các vùng sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP... giúp nhiều thành viên HTX tại Thanh Hóa mang lại hiệu quả cao. |
Với việc quy hoạch, xây dựng các mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị như trồng dưa chuột, rau màu các loại trong nhà màng, nhà lưới và các vùng sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP... trên địa bàn các huyện Hoằng Hóa, huyện Hậu Lộc, huyện Thiệu Hóa (cũ) mang lại hiệu quả cao là một minh chứng rõ rệt nhất.
Nâng cao thu nhập
Thời gian qua, thông qua các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, phối hợp hướng dẫn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp của Liên minh HTX tỉnh, khu vực KTTT, HTX đã xuất hiện nhiều HTX tiêu biểu đạt kết quả cao trong sản xuất, kinh doanh.
Các mô hình như HTX Nông nghiệp Phú Lộc ngày một nhiều, nhờ thực hiện tốt mô hình liên kết sản xuất-kinh doanh theo chuỗi giá trị thời gian qua đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân tại địa phương cũng như các thành viên HTX.
Qua đây, tạo thêm việc làm cho người lao động và chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, hạn chế bỏ ruộng không sản xuất, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Đơn cử, năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của những thành viên HTX Nông nghiệp Phú Lộc ước đạt gần 78 triệu đồng/người/năm. Đây là một trong những mô hình HTX hoạt động hiệu quả, được các cấp các ngành của tỉnh ghi nhận, đánh giá cao.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, đánh giá trong xu thế phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phổ biến như hiện nay, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp sẽ giúp người nông dân cũng như doanh nghiệp và HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp khai thác thế mạnh tiềm năng đất đai, tạo ra sản phẩm hàng hóa an toàn có giá trị.
Theo thống kê, đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có trên 100 doanh nghiệp, 11 HTX và gần 150 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, sản phẩm OCOP đã thực hiện áp dụng chuyển đổi số vào công tác quảng bá và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, như Tiki, Lazada, Postmart.vn, Voso.vn... với trên 500 sản phẩm khác nhau. Các sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử là những sản phẩm nông nghiệp đã được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 - 5 sao... Qua đó từng bước hình thành nền nông nghiệp hiện đại, đem lại giá trị, thu nhập cao cho người nông dân. Và đó cũng là những mục tiêu mà ngành nông nghiệp Thanh Hóa hướng tới.
Nhờ những nỗ lực của khu vực KTTT, HTX đã góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Theo đó, năm 2024, công tác giảm nghèo của tỉnh đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Toàn tỉnh đã giảm được 14.660 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo từ 3,52% năm 2023 giảm xuống còn 2,02% cuối năm 2024. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo và sự nỗ lực vươn lên của chính những người nghèo.
Hồng Hương