Mô hình kinh tế tập thể, HTX tại tỉnh Vĩnh Long mới (Trà Vinh cũ) đang phát huy được hiệu quả, nhiều sản phẩm do HTX làm ra từng bước chinh phục thị trường xuất khẩu; giúp phát triển kinh tế địa phương, đồng thời góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Do đó, địa phương đặt mục tiêu năm 2025, có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 78,45 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí nông thôn mới còn dưới 0,5%.
12 hộ thành viên vươn lên khá giả
HTX nông nghiệp Long Hiệp thành lập năm 2018, từ 51 thành viên ban đầu, tổng diện tích sản xuất 50 ha, đến nay, HTX đã có 72 thành viên với diện tích sản xuất 170 ha trồng lúa; trong đó, 20 ha trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh; gần 150 ha sản xuất lúa thương phẩm.
Ngoài ra, HTX cũng liên kết với 20 hộ nông dân trồng lúa trên diện tích 50 ha. Hiện tại HTX có sản phẩm gạo hữu cơ Hạt Ngọc Rồng đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh và là sản phẩm OCOP tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long, có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong nước và các sàn thương mại điện tử.
![]() |
Trước ngày 1/7/2025, diện tích thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đạt 98%. |
Qua 6 năm thành lập, HTX đã xây dựng thành công chuỗi giá trị lúa gạo, tạo được niềm tin và sự ủng hộ cao của thành viên, doanh thu và lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước.
Thành viên tham gia chuỗi sản xuất cùng HTX mỗi năm cho thu nhập tăng thêm từ 8%-12%, mỗi ha có lợi nhuận tăng thêm khoảng 3 triệu đồng/vụ.
Nhờ vậy, đến nay HTX có 11 hộ thành viên thoát nghèo và 12 hộ vươn lên khá giả; 2 thành viên được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của “Nhà nông trẻ tiêu biểu toàn quốc,” trong đó có Giám đốc HTX Long Hiệp Trầm Minh Thuần. Mới đây, anh Trầm Minh Thuần cũng được Trung ương Hội nông dân Việt Nam tuyên dương nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.
Có được kết quả này là nhờ hợp tác xã luôn thắt chặt liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo cho thành viên. Từ đầu vụ, HTX cung cấp vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng, giá rẻ, và hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho thành viên. Đầu ra được hợp tác xã bao tiêu với giá luôn cao hơn giá thị trường.
Năm 2023, HTX đã liên kết, tiêu thụ 1.200 tấn lúa, gạo cho thành viên (1.000 tấn lúa và 200 tấn gạo), và hỗ trợ tiêu thụ 400 tấn lúa cho 20 hộ nông dân liên kết. HTX đề ra mục tiêu giai đoạn 2025-2030 sẽ mở rộng thêm khoảng 100 ha trồng lúa sạch, hữu cơ; và hướng đến thị trường xuất khẩu.
Một thành viên HTX cho biết, từ khi tham gia HTX, ruộng lúa 3 ha của gia đình bà luôn đạt lợi nhuận từ 40 triệu/ha/vụ trở lên, cao hơn từ 5-10 triệu/ha so với trước đó.
Cùng với giá lúa được HTX bao tiêu cao hơn giá thị trường 1.000 đồng/kg nên thu nhập gia đình được cải thiện đáng kể.
Ưu tiên phát triển kinh tế tập thể
Anh Trầm Minh Thuần, Giám đốc HTX nông nghiệp Long Hiệp cho biết: Chính quyền địa phương luôn quan tâm, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể phát triển.
Thời gian qua, HTX nông nghiệp Long Hiệp được thụ hưởng rất nhiều chính sách của Trung ương, địa phương để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cụ thể, HTX được tỉnh hỗ trợ 3 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà xưởng quy mô 1.000 m2 có sức chứa 3.000 tấn lúa cho thành viên; được bố trí 350 m2 đất từ quỹ đất công của địa phương và hỗ trợ 600 triệu đồng để xây dựng trụ sở.
Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ 320 triệu đồng để HTX mua máy móc thiết bị đóng gói gạo… Ngoài ra, HTX còn được tiếp cận chính sách thu hút lao động trẻ có trình độ cao về làm việc có thời hạn tại hợp tác xã, được ngân sách tỉnh trả lương.
![]() |
Nhiều HTX nông nghiệp ở đã trang bị máy cuộn rơm đưa rơm khỏi đồng ruộng. |
Không chỉ HTX nông nghiệp Long Hiệp, thời gian qua nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn nhận được hỗ trợ thiết thực từ chính quyền địa phương cũng như Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh.
Trong số đó có thể kể đến là HTX nông nghiệp Ngọc Biên thành lập năm 2022, chuyên sản xuất, kinh doanh lúa, gạo. Ngay từ đầu thành lập, nông dân tham gia HTX được hỗ trợ 50% chi phí giống ST25; phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được mua giá gốc; đầu ra được bao tiêu giá cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg nên nông dân đạt lợi nhuận từ 30-40 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn khoảng 20% so với khi chưa tham gia HTX.
Ông Lê Phúc Hiền, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Biên cho hay, khi mới thành lập HTX có 55 thành viên sản xuất trên 100 ha. Đến nay đã phát triển lên 102 thành viên sản xuất tổng diện tích 500 ha.
Ngoài ra HTX cũng liên kết sản xuất, bao tiêu cho 70 hộ trồng lúa ở các địa phương lân cận, trên diện tích 150ha. Mỗi năm, HTX bao tiêu cho thành viên và các hộ liên kết khoảng 2.500 tấn lúa thương phẩm; cung ứng cho thị trường khoảng 1.400 tấn gạo.
Thương hiệu “Gạo quê tôi” của HTX nông nghiệp Ngọc Biên đạt chuẩn VietGAP, và là sản phẩm OCOP 3 sao, được thị trường nhiều tỉnh, thành trong nước đón nhận.
Đặc biệt, thông qua liên kết với một số công ty, sản phẩm “Gạo quê tôi” đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, và đang hướng đến các thị trường một số nước khác.
Ứng dụng khoa học và chuyển đổi số của HTX
Có thể nói, khu vực kinh tế tập thể, HTX trong thời gian qua có sự chuyển biến tích cực theo chiều hướng phát triển đa ngành nghề. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã chuyển giao ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất.
Để thích nghi với điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt trong giai đoạn hiện nay, nhiều HTX đã mạnh dạn thay đổi về mô hình quản trị, quản lý theo xu thế đón đầu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu sản phẩm nhằm tạo ra những giá trị cạnh tranh mới phù hợp với nhu cầu thị trường.
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, HTX nông nghiệp - thương mại và dịch vụ Châu Hưng đã phối hợp chính quyền địa phương vận động người dân tham gia thành lập tổ sản xuất lúa hữu cơ, cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra cho nông dân. Trong quá trình sản xuất, HTX đầu tư máy bay phun thuốc trên ruộng lúa với số tiền 500 triệu đồng, bình quân 160.000 đồng/ha/lần phun thuốc. Áp dụng việc phun thuốc bằng công nghệ này vừa không ảnh hưởng sức khỏe con người, vừa giảm chi phí sản xuất.
Ông Trần Quốc Hào, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp - thương mại và dịch vụ Châu Hưng cho biết, HTX đã triển khai mô hình “canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” tại Long Hòa và Hòa Minh với gần 50ha và có 52 hộ nông dân tham gia. Mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất lúa của nông dân, nhất là giảm được giống và sử dụng cân đối phân bón hữu cơ giúp cải tạo độ phì nhiêu cho đất canh tác, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Nhờ đó, lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, lợi nhuận đạt 30 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, HTX lồng ghép triển khai các giải pháp như tuyên truyền, quản lý dịch hại trên lúa qua các nền tảng xã hội, zalo, facebook. Định hướng phát triển của HTX là liên kết xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao, trong đó trọng tâm là ký kết hợp tác với thành viên; các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quy hoạch vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của đối tác.
Để thúc đẩy tiêu thụ lúa cho nông dân, HTX tăng cường xây dựng chuỗi giá trị sản xuất thông qua việc tổ chức mời gọi, hợp tác, liên kết với doanh nghiệp,… để thúc đẩy xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu lúa gạo cho nông dân. Qua đó hình thành và phát triển vùng nguyên liệu lúa hàng hóa gắn liên kết sản xuất tập trung với tiêu thụ sản phẩm. Các giống lúa bao tiêu chủ lực chủ yếu các giống lúa ST25, 4900, Đài Thơm 8… thu nhập của người dân tăng lên đáng kể từ 1,2 - 1,8 triệu đồng/ha.
Thanh Hoa