Tại vùng đất trước kia gọi là Phan Thanh - một xã của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cũ, nay thuộc xã Tân Lĩnh, tỉnh Lào Cai, nghề truyền thống đan rọ tôm đang giúp hàng trăm hộ dân nơi đây có nguồn thu nhập ổn định.
Nghề truyền thống giúp đời sống phát triển
Đến với gia đình chị Tăng Thị Tình - một trong những hộ giữ nghề lâu năm ở thôn Rầu Chang - nơi được xem là cái nôi của nghề đan rọ tôm, tiếng chẻ tre, tiếng vót nan và tiếng trò chuyện rôm rả vang lên. Một nhóm phụ nữ trẻ đang miệt mài với từng công đoạn, người tước nan, người đan rọ.
Chị Tình cho biết: “Gia đình tôi đã gắn bó với nghề đan rọ tôm qua nhiều thế hệ. Từ nhỏ, tôi được bà và mẹ truyền dạy từng động tác, từ cầm nan đến uốn lưới. Những kỹ thuật cơ bản, tôi quan sát rất kỹ và làm thử từng ngày. Hiện nay, con cháu trong nhà cũng đang tiếp nối nghề xưa. Trung bình mỗi ngày, tôi hoàn thiện từ 10 đến 15 chiếc rọ tôm. Nguồn thu nhập từ nghề đan rọ tôm giúp gia đình có cuộc sống ổn định. Vào mùa cao điểm, số lượng rọ tôm bán ra tăng gấp đôi, kinh tế nhờ đó cũng khấm khá hơn”.
![]() |
Việc liên kết sản xuất giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh tế rõ rệt cho nghề đan rọ tôm. |
Nghề đan rọ tôm có nhiều đặc trưng thú vị, người làm có thể chủ động sắp xếp thời gian trong ngày. Người cao tuổi, phụ nữ và thanh niên chưa có việc làm đều có thể theo nghề. Trước kia, mỗi hộ làm riêng lẻ tại nhà. Những năm gần đây, người dân đã thành lập các tổ hợp tác. Các tổ phối hợp với nhau trong việc chuẩn bị nguyên liệu, chia sẻ kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm. Việc liên kết sản xuất giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Theo thống kê tại địa phương, hiện nay, có hơn 100 hộ tham gia nghề đan rọ. Mỗi năm, người dân trong xã xuất hàng triệu sản phẩm, tổng doanh thu ước đạt trên 3 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng, cá biệt có những hộ đạt gấp đôi con số này. Sản phẩm rọ tôm không chỉ tiêu thụ mạnh trong tỉnh mà còn vươn tới các tỉnh như Hòa Bình (cũ), Sơn La, thậm chí cả đồng bằng sông Hồng.
Bước ngoặt lớn đến vào ngày 1/7/2025, khi xã Phan Thanh chính thức sáp nhập vào xã Tân Lĩnh theo Đề án tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã; đồng thời mô hình chính quyền hai cấp (tỉnh, xã) được triển khai. Việc thay đổi địa giới hành chính không làm ảnh hưởng đến nghề truyền thống tại địa phương. Làng nghề đan rọ tôm vẫn duy trì được sự ổn định và tiếp tục phát triển; thậm chí còn mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân.
Việc phát triển kinh tế từ làng nghề là một hướng đi trọng tâm trong thời kỳ sáp nhập. Một số hộ dân đã bắt đầu bán hàng qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso… giúp nâng cao giá trị sản phẩm.
Nâng tầm nghề truyền thống với sản phẩm OCOP
Có thể thấy, phát huy giá trị làng nghề truyền thống đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân Lào Cai. Và cũng không thể phủ nhận nông thôn mới đã thổi làn gió mát lành tràn đầy sinh khí tiếp sức cho nghề truyền thống hồi sinh và phát triển. Cùng đó, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã làm sống dậy những giá trị văn hóa, nâng tầm cho nghề truyền thống và đưa các sản phẩm của làng nghề trở thành sản phẩm đặc trưng, đặc sản có giá trị kinh tế cao, đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP của tỉnh.
Điển hình như rượu thóc của HTX Làng nghề rượu thóc La Pán Tẩn; cốm, gạo nếp Tú Lệ của Làng nghề trồng, sản xuất và chế biến sản phẩm từ nếp Tan Tú Lệ.
Vùng đất Tú Lệ - xã nhỏ của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cũ được ví như "miền gái xinh” và còn được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, nguồn nước thuần khiết cùng thổ nhưỡng giàu khoáng chất đã nuôi dưỡng nếp Tan Lả trở thành đặc sản với các sản phẩm như cốm Tú Lệ, gạo nếp Tú Lệ. Cả xã có khoảng gần 400 hộ sản xuất, kinh doanh cốm, liên kết sản xuất để tạo ra sản phẩm có số lượng lớn, chất lượng bảo đảm phục vụ nhu cầu thị trường.
Giá trị các sản phẩm làng nghề được nâng tầm khi HTX Dịch vụ tổng hợp Tú Lệ đã liên kết với hơn 200 hộ sản xuất nếp Tú Lệ theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô trên 50 ha. Người dân Tú Lệ chẳng thể mường tượng, một sản vật vốn đơn thuần chỉ là lễ vật dâng cúng tổ tiên, nay cốm nếp Tan Lả và gạo nếp Tú Lệ đã trở thành đặc sản nổi tiếng một vùng của tỉnh Yên Bái cũ, đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, đem lại nguồn thu ổn định và là niềm tự hào của người dân Tú Lệ.
![]() |
HTX Làng nghề rượu thóc La Pán Tẩn từng bước đưa nghề sản xuất rượu thóc truyền thống của đồng bào Mông trở thành sản phẩm mang thương hiệu của huyện vùng cao Mù Cang Chải. |
Xã La Pán Tẩn của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cũ từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm rượu thóc của đồng bào Mông. Cả xã có tới gần 200 hộ sản xuất rượu thóc theo phương pháp truyền thống, trung bình trên 30.000 lít/năm. Xây dựng nông thôn mới La Pá Tẩn, HTX Làng nghề rượu thóc La Pán Tẩn được thành lập đã từng bước đưa nghề sản xuất rượu thóc truyền thống của đồng bào Mông trở thành sản phẩm mang thương hiệu của huyện vùng cao Mù Cang Chải.
Giám đốc HTX Hảng A Chay chia sẻ: "Ngoài 8 thành viên, hiện nay HTX đã liên kết sản xuất với một số hộ trong thôn để có sản phẩm chất lượng, đồng thời bảo đảm số lượng phục vụ nhu cầu thị trường Năm 2024, HTX sản xuất được khoảng 3 nghìn lít rượu, khách hàng chủ yếu ở Hải Phòng, Hà Nội… Nghề truyền thống đang từng bước mở ra cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương”.
Đẩy mạnh phát triển làng nghề
Theo thống kê trước 1/7/2025, tỉnh Yên Bái cũ có 15 làng nghề và nghề truyền thống tập trung vào 4 lĩnh vực: chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây, tre đan, gốm sứ, dệt may, cơ khí. Các làng nghề đã tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho khoảng 70 nghìn lao động trực tiếp, góp phần đưa hơn 70% số xã ở Yên Bái về đích nông thôn mới, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Yên Bái đã đạt được nhiều thành công trong công tác giảm nghèo, đặc biệt là giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh đã vượt các chỉ tiêu giảm nghèo được Trung ương giao. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Yên Bái đã giảm mạnh từ 18,07% năm 2021 xuống chỉ còn 5,68% vào cuối năm 2024.
Đại diện tỉnh cho biết, chiến lược phát triển bền vững để bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề đã và đang được tỉnh quan tâm với nhiều giải pháp đồng bộ, mục tiêu năm 2025, khôi phục và bảo tồn công nhận phát triển mới thêm nhiều làng nghề gắn với du lịch, có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu, và có sản phẩm được phân hạng sản phẩm OCOP.
Theo đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn, tập trung phát triển làng nghề mới, ngành nghề mới từ những làng nghề thuần nông, làng nghề có các ngành nghề phi nông nghiệp; chú trọng liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ phát huy mô hình liên kết sản xuất giúp tăng năng suất và nâng cao hiệu quả kinh tế từ các HTX, tổ hợp tác. Đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của các HTX lên sàn thương mại điện tử…
Tin rằng, việc sáp nhập tỉnh Yên Bái và Lào Cai sẽ tạo ra cơ hội lớn để phát triển các giá trị, tiềm năng kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trong đó có việc phát huy thế mạnh của các làng nghề và các sản phẩm truyền thống. Việc sáp nhập này mang lại những lợi ích như mở rộng thị trường, kết nối giao thông, và tăng cường hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, từ đó có thể thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
Giang Nguyễn