Phong trào chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang những cây trồng có giá trị kinh tế cao được các xã ở tỉnh Gia Lai tích cực thực hiện. Một số HTX còn nhanh nhạy nắm bắt và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát huy tối đa hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích canh tác.
Làm giàu từ cây “rau vua”
Nhận thấy cây măng tây phù hợp với điều kiện địa phương, cho thu nhập cao, HTX Nông nghiệp hữu cơ Kông Chro, xã Kông Chro đã vận động thành viên chuyển đổi một số diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng loại cây này. Đồng thời, HTX ký kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho các thành viên.
Chị Đỗ Thị Sương, thành viên HTX cho biết: “Trước đây, tôi trồng 5 sào mía, năm nào được mùa, được giá thì thu nhập đạt gần 20 triệu đồng. Nhưng khi chuyển đổi sang trồng cây măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi thu về gần 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí”.
![]() |
Các HTX đã tạo ra sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. |
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX chia sẻ: HTX đến nay có 9 thành viên với hơn 14 ha đất chuyên trồng mía, bắp, mì. Sau khi tuyên truyền, vận động, 4 hộ đã tham gia trồng cây măng tây với diện tích 1,5 ha. Các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật, quy trình trồng, chăm sóc, cách thu hái, bảo quản. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, cây măng lại hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên sinh trưởng, phát triển tốt, đến đầu tháng 10 tới sẽ thu đọt, năng suất ước đạt 70-100 kg/ngày/ha.
“HTX đã ký hợp đồng với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, giá mua là 40 ngàn đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ chi phí, người dân thu về khoảng 60 triệu đồng/tháng/ha”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, HTX đang rà soát diện tích đất của các thành viên, khu vực nào phù hợp sẽ chuyển sang trồng măng tây. Hiện HTX cũng đang triển khai mô hình trồng cây sung Mỹ, đồng thời vận động thành viên chuyển đổi những diện tích mía kém hiệu quả sang trồng các loại hoa màu có giá trị kinh tế cao.
Nhờ hiệu quả của cây măng tây xanh, đồng bào nơi đây có thu nhập bình quân trên khoảng 60 triệu đồng/người/năm. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã liên tục giảm, theo số liệu giảm nghèo huyện Kông Chro (cũ), đến cuối năm 2022, số hộ nghèo giảm còn 5.033 hộ, giảm 709 hộ so với năm 2021. Năm 2023, số hộ nghèo tiếp tục giảm xuống còn 4.336 hộ, chiếm 33,78%, giảm 5,91% so với năm 2022. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3.669 hộ nghèo.
Nhân rộng mô hình kinh tế tập thể
Theo ông Đặng Thế Quyền, Chủ tịch UBND xã Kông Chro, việc đẩy mạnh phát triển HTX trên địa bàn xã đã có Nghị quyết từ trước khi sáp nhập chính quyền địa phương hai cấp. Các mô hình HTX đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa khoa học kỹ thuật, máy móc vào sản xuất, xóa bỏ dần tập quán làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, đồng thời phát huy phương thức canh tác liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện tốt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.
Ông Đỗ Đức, thôn 2, xã Ya Ma cho biết: Gia đình có gần 3 ha mía và cây ăn quả. Năm 2020, ông đã chuyển đổi 1,5 ha mía sang trồng 250 cây nhãn T6. Sau 5 năm, vườn nhãn đã cho thu hoạch.
![]() |
Một số HTX đã nắm bắt và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. |
“Mỗi năm, gia đình thu được hơn 200 triệu đồng từ 250 cây nhãn. Yên tâm nhất là HTX Nông nghiệp và dịch vụ xã Kông Yang, xã Ya Ma cung ứng cây giống đảm bảo chất lượng và đứng ra bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, gia đình tôi đã chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả để chuyển sang trồng nhãn T6”, ông Đức nói.
Hay như ông Trịnh Văn Thường người cùng thôn đã lần lượt chuyển đổi 3 ha mía, mì sang trồng 800 cây nhãn T6. Ông được HTX Nông nghiệp và dịch vụ xã Kông Yang, hướng dẫn kỹ thuật để cây nhãn ra quả trái vụ; cách tưới nước, bón phân, phun thuốc kích thích để cây ra hoa, đậu quả đúng thời điểm mong muốn. “Vừa qua, 200 cây nhãn trồng đợt đầu cho thu hoạch hơn 2 tấn quả. Với giá bán 36 ngàn đồng/kg, gia đình thu được hơn 70 triệu đồng. So với một số cây trồng trên địa bàn, nhãn T6 cho thu nhập cao hơn khoảng 100 triệu đồng/ha/năm”, ông Thường chia sẻ.
Ông Trịnh Tuấn Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ xã Kông Yang cho biết, từ ngày HTX đăng ký và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, đạt chứng nhận VietGAP, nhãn T6 đã được nâng tầm giá trị. Giá bán nhãn T6 luôn cao hơn các loại nhãn khác và không đủ sản phẩm cung ứng cho thị trường.
Thời gian tới, song song với việc hướng dẫn các thành viên và hộ nông dân liên kết duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX sẽ nhân rộng mô hình trồng nhãn T6 ở các xã lân cận. Đồng thời, HTX phối hợp với các ngành chuyên môn xây dựng mã số vùng trồng nhằm hướng đến xuất khẩu nhãn T6 sang thị trường Trung Quốc và các nước Trung Đông
Vì mục tiêu xóa đói, giảm nghèo
Ông Trịnh Minh Dương, Chủ tịch UBND xã Ya Ma cho biết, những năm qua, vai trò của các HTX luôn tiên phong trong xóa đói, giảm nghèo, xã Ya Ma đã huy động nhiều nguồn lực, tập trung triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, đã duy trì tỷ lệ giảm nghèo bình quân mỗi năm hơn 5%, cao gấp đôi mức bình quân chung của tỉnh.
Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện tốt nhất để HTX nhân rộng mô hình, duy trì, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho người dân đồng thời đã hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu gắn với đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho mặt hàng trái cây của địa phương
“Xã cũng chỉ đạo các ngành tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào các loại hình kinh tế tập thể, thành lập, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, HTX để phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội”, ông Dương cho hay.
Ngoài ra, các xã trên địa bàn huyện Kông Chro (cũ) cũng cần tận dụng hiệu quả từ các chương trình, dự án của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Gia Lai trong công tác tư vấn, đào tạo, hỗ trợ các HTX. Điển hỉnh là ngày 03/6 vừa qua, Liên minh HTX tỉnh Gia Lai phối hợp với Trường Trung cấp nghề và Đào tạo cán bộ HTX miền Nam thuộc Liên minh HTX Việt Nam khai mạc lớp bồi dưỡng “Hướng dẫn nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong HTX".
Tham dự lớp bồi dưỡng có 55 học viên đến từ các HTX thuộc các xã vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian 3 ngày (từ ngày 3 đến 5-6) các học viên được giảng viên đến từ Trường Trung cấp nghề và Đào tạo cán bộ HTX miền Nam truyền đạt các kiến thức về nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong HTX; giới thiệu các chính sách hỗ trợ về phát triển nguồn nhân lực, thông tin, thị trường; các chính sách hỗ trợ về ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số….
Thông qua lớp bồi dưỡng nhằm hỗ trợ các HTX nhiều giải pháp hữu ích để nâng cao năng lực hoạt động để lập và thực hiện các kế hoạch kinh doanh, giúp các HTX đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, có hiệu quả, từ đó hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Hoàng Hằng