Theo kết quả Chương trình năng lượng châu Á do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, Việt Nam có tiềm năng gió ước đạt trên 513.000 MW. Dù sau đó, theo cập nhật của Bộ Công Thương, tổng công suất điện gió Việt Nam chỉ vào khoảng 10,637 MW, Việt Nam vẫn có tiềm năng trở thành “cường quốc” về điện gió.
Điện gió vẫn gặp khó
Điện gió Việt Nam bắt đầu “nóng” từ giai đoạn 2011 - 2012, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 37 về Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Theo thống kê của EVN, tính đến tháng 9/2012, Việt Nam có 77 dự án điện gió (ở quy mô công nghiệp) được đăng ký tại 18 tỉnh thành, với tổng công suất trên 7.200 MW.
Tuy nhiên, sau giai đoạn “bùng nổ” đăng ký, thực tế diễn ra lại không được như kỳ vọng. Đến cuối năm 2013, theo số liệu của Bộ Công Thương, số lượng dự án điện gió chỉ còn 48 dự án. Và đến nay còn chưa đầy 40 dự án, trong số đó chỉ có 10% được đưa vào triển khai.
Theo ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, các dự án điện gió đăng ký nhiều, nhưng đi vào triển khai thì rất ít. Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 18 dự án đăng ký đầu tư, nhưng tiến độ chậm, thậm chí nhiều chủ đầu tư rút vốn “tháo chạy”.
![]() |
Điện gió Việt Nam còn rất nhiều khó khăn
“Tính đến đầu năm 2016, Bình Thuận mới chỉ có hai dự án được đưa vào khai thác là nhà máy điện gió Tuy Phong, với công suất 30 MW (sản lượng 6.500 MWh/tháng) và nhà máy Phong điện Phú Quý, công suất 6 MW. Ngoài ra, dự án điện gió Phú Lạc (cũng tại Tuy Phong) với công suất 24 MW được triển khai từ tháng 7/2015, dự kiến đưa vào khai thác vào cuối năm 2016”, ông Thịnh cho biết.
Ngoài ba dự án được triển khai tại Bình Thuận, Việt Nam có thêm dự án điện gió Bạc Liêu với công suất 16,5 MW đang được vận hành tại tỉnh Bạc Liêu. Đây cũng là tất cả các dự án điện gió của Việt Nam đang được triển khai tính cho đến thời điểm hiện tại.
Rõ ràng, con số bốn nhà máy điện gió đang được triển khai và khai thác (chiếm 10% tổng số dự án đăng ký trên toàn quốc) là rất khiêm tốn với tiềm năng điện gió tại Việt Nam và chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân và sự quan tâm của Nhà nước.
Hóa giải những vướng mắc
Mục tiêu phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung cấp điện của Việt Nam là đạt 4,5% vào năm 2020, 6% vào năm 2030. Trong đó, điện gió đạt 1.000 MW năm 2020 và 6.200 MW năm 2030. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mục tiêu trên sẽ khó hoàn thành, nếu tốc độ triển khai các dự án điện gió tiếp tục chuyển biến chậm như hiện nay.
Ông Lý Ngọc Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch (Bộ Công Thương), cho biết để phát triển điện gió lên một tầm cao mới, Việt Nam cần phải hóa giải nhiều vướng mắc còn tồn tại hiện nay. Trước tiên là cải thiện, mở rộng tầm nhìn của nhà đầu tư.
“Do những báo cáo “phóng đại” về tiềm năng điện gió của Việt Nam, nhiều nhà đầu tư tưởng “dễ ăn” nên “nhảy” vào theo kiểu phong trào, mà chưa tìm hiểu kỹ lưỡng, nên chỉ sau một thời gian thấy không như tưởng tượng là “rút chạy”. Vì vậy, cần có bộ phận tư vấn có chuyên môn, để mở rộng kiến thức, tầm nhìn của các nhà đầu tư”, ông Thắng phân tích.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận Bùi Văn Thịnh cho rằng những khó khăn về chi phí, vốn và giá thành sản phẩm cũng là một vướng mắc cần tháo gỡ.
“Nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà với điện gió là bởi chi phí đầu tư cao, trong khi giá bán điện còn thấp, rất khó thu hồi vốn, chưa kể còn phải gồng mình trả lãi. Nhiều dự án chuẩn bị triển khai cũng đang gặp khó khăn về vốn chưa thể khởi công. Vì vậy, Nhà nước cần có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề này, ông Thịnh cho biết.
Để phát triển điện gió, Việt Nam cần nhanh chóng giải quyết những vướng mắc còn tồn tại, trước hết là có quy hoạch cụ thể, tính toán tiềm năng phát triển điện gió tại từng khu vực, nâng cao cơ sở hạ tầng, bổ sung chuyên gia, tổ chức lựa chọn kỹ càng các nhà đầu tư (có thể đấu thầu để chọn nhà đầu tư phù hợp với từng vùng)…
Hiến Nguyễn