Đối với các hộ nghèo ở Gia Lai, việc tìm được hướng đi nhằm cải thiện cuộc sống là điều không hề đơn giản. Vì vậy, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo bền vững.
Chú trọng liên kết sản xuất
Xuất thân từ nghèo khó, cả gia đình anh Rơ Châm Krip, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh phải sống trong ngôi nhà tạm bợ. Thu nhập chính từ mấy sào ruộng không thể nuôi đủ cả gia đình, khiến cuộc sống càng thêm khó khăn. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền, đoàn thể địa phương, cách đây 5 năm, anh đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trồng 5 sào cà phê.
Đời sống gia đình khởi sắc bắt đầu từ năm 2022, khi anh Krip mạnh dạn liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ, xã Ia Ka, huyện Chư Păh nuôi dê sinh sản. Gia đình anh được cán bộ HTX hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, được HTX hỗ trợ 20 con dê giống và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Sau một thời gian chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, từ 20 con dê giống ban đầu, đến nay, đàn dê của gia đình anh đã phát triển thêm 15 con. Theo thỏa thuận ban đầu, khi liên kết với HTX, gia đình anh đã được hưởng 50% giá trị đàn dê. Nhờ đó, gia đình anh có thêm thu nhập, cuộc sống đã ổn định hơn trước rất nhiều.
![]() |
Một số HTX đã đứng ra kết nối người dân với HTX và doanh nghiệp trong phát triển chuỗi liên kết. |
Hay như gia đình anh Siu Bro đã có 4ha chanh dây. Thu nhập bình quân mỗi năm, trừ các khoản chi phí còn trên 70 triệu đồng.
Anh Siu Bro cho biết: “Trước đây, gia đình tôi khó khăn lắm, nhưng từ khi tham gia HTX, tôi đã biết phát triển kinh tế. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên đến nay, gia đình đã thoát được cảnh đói nghèo”.
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông - Lâm nghiệp Ia Hrú, Huỳnh Văn Ánh cho biết, HTX đang có 15 ha chanh dây, năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha. Ngoài ra, HTX còn phát triển trồng lúa Kê Lau trên diện tích 14ha, cho năng suất 3 tấn/ha.
Nhờ đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với các thành viên trong HTX, đồng thời cho ứng giống và hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình canh tác nên đến nay, hầu hết cuộc sống của các hộ thành viên đều được nâng cao, không ít hộ đã thoát được nghèo.
Tăng thu nhập nhờ mối liên kết giữa HTX với doanh nghiệp
Tại huyện Chư Pưh, ông Trần Công Khuyến - Giám đốc HTX Thành Đạt, xã Ia Hla cho biết, hiện nay HTX vẫn đang liên kết với Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods trong sản xuất và tiêu thụ chanh dây, mô hình liên kết này đã giúp gần 160 hộ có đầu ra ổn định cho khoảng 60 ha, tăng thu nhập đáng kể. Gần đây, chanh xô có giá cao, trung bình 13 - 23 ngàn đồng/kg. Với 1 ha, người dân có thể thu hoạch 25 - 30 tấn, lãi hơn 200 triệu đồng.
“Công ty còn hỗ trợ 50% tiền giống và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá thấp nhất là 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu cao hơn mức này thì chúng tôi mua theo giá thị trường, người dân cũng có quyền tự quyết bán ra bên ngoài khi thấy giá cao hơn giá thu mua và cũng không ràng buộc phải bán cho Công ty” - ông Khuyến chia sẻ.
Cũng theo ông Khuyến, nhu cầu mở rộng vùng nguyên liệu của công ty hiện rất lớn, vì vậy HTX khuyến khích một số thành viên chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng chanh dây; đồng thời tiếp tục ký hợp đồng với doanh nghiệp hỗ trợ giống, thu mua sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết bền vững nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
![]() |
Nhiều hộ nông dân đã thực hiện chuỗi liên kết sản xuất thông qua HTX, giúp xóa đói, giảm nghèo. |
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai, việc thành lập các HTX gắn mô hình liên kết sản xuất với các doanh nghiệp bước đầu đã đáp ứng được đầu ra của nông sản, giúp nông dân không bị thương lái ép giá.
Hiện tỉnh có 13 chuỗi liên kết về lĩnh vực trồng trọt như: cà phê, hồ tiêu, lúa, cây ăn quả, rau, dược liệu… với diện tích 134.281 ha.
Hầu hết các HTX phát triển nhanh về số lượng và phát triển biền vững, giúp hàng ngàn hộ dân thoát nghèo. Ngành nông nghiệp và môi trường tiếp tục đề xuất UBND tỉnh xây dựng các dự án hỗ trợ nông nghiệp theo các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất thông qua HTX, phát triển rau, quả, dược liệu, nông nghiệp công nghệ cao và trồng rừng trên địa bàn tỉnh.
“Trao cần câu” để giúp đồng bào thoát nghèo
Ngoài sự hỗ trợ của tỉnh thì hệ thống Liên minh HTX Việt Nam cũng đang tích cực hỗ trợ đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai có sinh kế, thoát nghèo bền vững.
Đại diện Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật và Đào tạo cán bộ HTX miền Trung-Tây Nguyên thuộc Liên minh HTX Việt Nam cho biết, từ ngày 27 đến 29/5, tại TP. Pleiku, Liên minh HTX tỉnh Gia Lai phối hợp với Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật và Đào tạo cán bộ HTX miền Trung-Tây Nguyên tổ chức tập huấn “Quản trị chiến lược và nâng cao năng lực lãnh đạo HTX” cho 80 học viên là lãnh đạo các HTX trên địa bàn tỉnh.
Tại lớp tập huấn, các học viên được tiếp cận các chuyên đề quan trọng như: Vai trò của quản trị chiến lược HTX; các công cụ phân tích chiến lược; tăng cường kỹ năng lãnh đạo và quản lý hiệu quả; thực hành các bước xây dựng chiến lược sát với nhu cầu và tình hình hoạt động của các HTX. Đồng thời, các học viên cũng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, những giải pháp thiết thực trong công tác quản lý, điều hành, xây dựng chiến lược, quản trị nhân sự và tài chính của HTX; làm thế nào để tăng cường sự tham gia của thành viên trong thực hiện chiến lược kinh doanh....
“Từ những buổi học thực tiễn đã nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt là tư duy chiến lược và khả năng lãnh đạo đối với HTX. Vì vậy, lớp tập huấn được tổ chức nhằm trang bị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý HTX những kiến thức, kỹ năng cốt lõi để phục vụ cho công tác quản trị điều hành tại các HTX trong thời gian tới được hiệu quả hơn”, đại diện Nhà trường cho hay.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025) toàn tỉnh Gia Lai giảm từ 12,09% vào năm 2021 xuống còn 6,06% vào năm 2024; ước thực hiện năm 2025 giảm còn 4,04%. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo ước thực hiện bình quân giảm 2,01%/năm, tỉnh cũng đã hỗ trợ tín dụng chính sách cho trên 148.000 lượt hộ, với tổng dư nợ trên 7.400 tỷ đồng. Chính sách đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cũng ghi nhận kết quả tích cực, với hơn 110.500 người được giải quyết việc làm. Cùng với đó, hạ tầng vùng khó khăn được cải thiện đáng kể, từ công trình nước sạch, nhà ở, đến giao thông, mạng lưới viễn thông...
Minh Thành