Ngô, lúa từng là cây trồng chủ lực, nhưng năng suất thấp, thu nhập bấp bênh khiến những người dân Yên Thuỷ (cũ) quanh năm sống trong cảnh lo toan.
Không cam chịu với vòng luẩn quẩn đó, nhiều hộ dân đã táo bạo chuyển hướng. Tiêu biểu có bà Khuất Thị Thanh, người từng chật vật với mảnh đất 0,7 ha trồng ngô, lúa không đủ nuôi gia đình.
Những người dám bứt phá khỏi lối mòn canh tác cũ
Năm 2010, sau nhiều đêm trăn trở, bà Thanh quyết định cải tạo toàn bộ diện tích đất để trồng bưởi Diễn - một hướng đi còn khá mới ở địa phương lúc bấy giờ. Những ngày đầu đầy gian nan. Thiếu kiến thức kỹ thuật và kinh nghiệm, vườn bưởi của bà Thanh ra quả không đồng đều, chất lượng thấp.
Thế nhưng, người phụ nữ bé nhỏ ấy không nản chí. Vừa làm vừa học, bà tích cực tham gia các lớp tập huấn trồng cây ăn quả do Hội Nông dân tổ chức, học hỏi thêm qua sách báo và những người có kinh nghiệm. Đến năm 2015, vườn bưởi thực sự mang lại “quả ngọt”.
![]() |
Bà Khuất Thị Thanh bên vườn bưởi của gia đình. |
Cùng năm ấy, bà Thanh trở thành một trong những thành viên chủ chốt trong HTX Nông nghiệp Đại Đồng. Từ đây, mô hình sản xuất của bà được chuyên nghiệp hóa: có nhật ký canh tác rõ ràng, chọn giống bưởi đạt chuẩn, ưu tiên phân bón hữu cơ và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh sinh học.
Không chỉ dừng lại ở bưởi Diễn, bà Thanh còn mạnh dạn trồng thêm các giống khác như bưởi da xanh, bưởi đỏ, bưởi Soi Hà. Đến nay, gia đình bà sở hữu 2,3 ha trồng bưởi, cho thu hoạch hàng chục tấn mỗi năm.
Giống như bà Thanh, ông Vũ Xuân Oanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Đồng cũng là một người không ngừng tìm tòi hướng đi mới trên vùng đất đồi núi bán sơn địa. Trước khi gắn bó với cây bưởi, ông Oanh đã từng trồng nhãn, vải, hồng nhưng hiệu quả không cao. Năm 1998, ông thử trồng bưởi Diễn và nhận thấy giống cây này phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, lại cho năng suất khá.
Tuy nhiên, phải đến năm 2015, khi HTX chính thức ra đời với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Oanh cùng các hộ nông dân như bà Thanh mới có điều kiện chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, từng bước nâng chất lượng sản phẩm và ổn định đầu ra.
Năm 2020, sản phẩm bưởi Diễn Yên Thủy của HTX Nông nghiệp Đại Đồng được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, đánh dấu bước tiến vững chắc của thương hiệu bưởi địa phương trên thị trường.
Hiệu quả kinh tế từ “bệ phóng” HTX
Chỉ trong vài năm, từ mảnh đất từng bị xem là “khó canh tác”, bà Khuất Thị Thanh đã vươn lên trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương. Vườn bưởi của gia đình bà hiện mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Theo lời ông Vũ Xuân Oanh, năm 2024, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận từ vườn bưởi của bà Thanh vào khoảng 500 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, vườn bưởi của bà Thanh còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương 5 triệu đồng/tháng, đồng thời mỗi vụ thu hoạch lại thuê thêm 4 - 6 lao động với mức thù lao 300.000 đồng/ngày/người.
Ngoài bà Thanh và ông Oanh, nhiều người dân khác cũng đã thành công khi đi theo mô hình này.
"Điều thuận lợi là chúng tôi được sinh hoạt chung trong HTX. Bà con không những được hỗ trợ vay vốn sản xuất mà còn được hỗ trợ về phân bón, kỹ thuật chăm sóc, trồng cây. Đặc biệt, không còn nỗi lo về đầu ra sản phẩm vì có thương lái vào thu mua tận nơi tại vườn. Thậm chí có khách hàng còn đặt trước cả cây làm quà biếu”, anh Nguyễn Minh Toàn, một thành viên HTX chia sẻ.
![]() |
Từ chỗ sản xuất manh mún, bán nhỏ lẻ với giá bấp bênh, giờ đây đầu ra và giá bưởi ổn định. Ảnh: HTX Nông nghiệp Đại Đồng. |
Có thể thấy, chính mô hình HTX đã góp phần then chốt giúp các hộ nông dân thay đổi tư duy sản xuất, từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất liên kết, tập trung. Không còn “mạnh ai nấy làm”.
Đáng chú ý, từ vài năm trước đã không còn hộ nghèo trong số các thành viên HTX, điều mà trước đây từng là giấc mơ xa vời.
Vươn tầm quốc tế từ những quả bưởi quê
Không dừng lại ở thị trường trong nước, HTX Nông nghiệp Đại Đồng còn đưa nông sản quê nhà ra thị trường quốc tế.
Cuối năm 2022, lô hàng đầu tiên gần 10.000 quả bưởi Diễn đã xuất khẩu thành công sang thị trường Vương quốc Anh. Đây là kết quả của một quá trình dài chuẩn hóa sản phẩm theo quy trình VietGAP, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Với giá 20.000 đồng/quả (loại từ 0,8 - 1,2 kg), 1 quả bưởi Diễn cho lãi khoảng 10.000 đồng.
Năm 2023, HTX tiếp tục xuất khẩu 50.000 quả bưởi sang Anh, Mỹ… - những thị trường vốn yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản.
![]() |
Sản phẩm bưởi Diễn Yên Thuỷ có mặt tại thị trường châu Âu. Ảnh: HTX Nông nghiệp Đại Đồng. |
Việc xuất khẩu không chỉ mang về lợi nhuận mà còn giúp tăng giá trị thương hiệu của sản phẩm, kích thích tiêu dùng trong nước.
Tổ chức theo mô hình HTX đã giúp bà con giải được bài toán muôn thuở của nông nghiệp: “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Nhờ có liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị, các thành viên không còn lo đầu ra, không bị ép giá, tránh được tình trạng bị thương lái “làm giá” vào những thời điểm nhạy cảm.
Trên hành trình của người dân và HTX không thể thiếu những chương trình hỗ trợ, đồng hành thiết thực, kịp thời của chính quyền địa phương, Liên minh HTX tỉnh Hoà Bình (cũ) và Liên minh HTX Việt Nam từ khâu quảng bá, giới thiệu đến xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra.
Hiện nay, tỉnh Phú Thọ mới được hợp nhất từ 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình, mở ra nhiều cơ hội từ tiềm năng thế mạnh và giá trị văn hóa tốt đẹp của 3 vùng đất, tạo động lực mới phát triển kinh tế. Trong đó, các HTX như Nông nghiệp Đại Đồng, với sản phẩm có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế sẽ càng có thêm nguồn lực, cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi phát triển.
Từ đây, những quả bưởi Diễn thơm ngon, mọng nước không chỉ giúp người dân đổi đời mà còn đưa tên tuổi vùng quê tiếp tục vươn ra ngoài biên giới.
Minh Khôi