Nhờ vậy, hạt gạo Trà Vinh ngày càng vươn xa, có “chỗ đứng” ở thị trường trong nước và đang từng bước chinh phục thị trường xuất khẩu; giúp nông dân sản xuất đạt lợi nhuận cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại Trà Vinh xuống còn 2.493 hộ nghèo và 5.305 hộ cận nghèo đến cuối năm 2024.
Theo kế hoạch giảm nghèo năm 2025, tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu phấn đấu giảm 433 hộ nghèo và 1.400 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.
Doanh thu và lợi nhuận luôn tăng trưởng
HTX nông nghiệp Long Hiệp thành lập năm 2018, từ 51 thành viên ban đầu, tổng diện tích sản xuất 50 ha, đến nay, HTX đã có 72 thành viên với diện tích sản xuất 170 ha trồng lúa; trong đó 20 ha trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh, gần 150 ha sản xuất lúa thương phẩm.
Ngoài ra, HTX cũng liên kết với 20 hộ nông dân trồng lúa trên diện tích 50 ha. HTX thực hiện liên kết xây dựng chuỗi giá trị thương hiệu gạo Hạt Ngọc Rồng là thương hiệu gạo đầu tiên của tỉnh.
![]() |
Trầm Minh Thuần (giữa), Giám đốc HTX nông nghiệp Long Hiệp và thành viên thăm đồng lúa kết hợp nuôi tôm. |
Kể từ khi ra đời, HTX là cầu nối liên kết nông dân sản xuất theo hướng an toàn, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, liên kết đầu ra cho thành viên. HTX từng bước phát huy ứng dụng đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương.
Sau 7 năm hoạt động, HTX nông nghiệp Long Hiệp hiện có 1 sản phẩm OCOP đạt 4 sao là Gạo Long Hiệp (Hạt Ngọc Rồng) và 5 sản phẩm đạt 3 sao gồm Gạo Long Hiệp (Gió đồng nội), Gạo Trà Cú (Gạo gia đình), Gạo Long Hiệp (Hạt Ngọc Rồng Tím), Gạo Long Hiệp (Hạt Ngọc Rồng Vàng) và Gạo Long Hiệp (Hạt Ngọc Rồng Đỏ). Các sản phẩm của HTX có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong nước và các sàn thương mại điện tử.
Nhờ xây dựng thành công chuỗi giá trị lúa gạo, tạo được niềm tin và sự ủng hộ cao của thành viên, doanh thu và lợi nhuận của HTX năm sau luôn cao hơn năm trước.
Thành viên tham gia chuỗi sản xuất cùng HTX mỗi năm có thu nhập tăng thêm từ 8%-12%, mỗi ha có lợi nhuận tăng thêm khoảng 3 triệu đồng/vụ. Nhờ vậy, đến nay HTX có 11 hộ thành viên thoát nghèo và 12 hộ vươn lên khá giả; 2 thành viên được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của “Nhà nông trẻ tiêu biểu toàn quốc,” trong đó có Giám đốc Trầm Minh Thuần.
Mới đây, anh Trầm Minh Thuần cũng được Trung ương Hội nông dân Việt Nam tuyên dương nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.
Có được kết quả này là nhờ HTX luôn thắt chặt liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo cho thành viên. Từ đầu vụ, HTX cung cấp vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng, giá rẻ, và hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho thành viên. Đầu ra được HTX bao tiêu với giá luôn cao hơn giá thị trường.
HTX đề ra mục tiêu giai đoạn 2025-2030 sẽ mở rộng thêm khoảng 100 ha trồng lúa sạch, hữu cơ; và hướng đến thị trường xuất khẩu.
Thu nhập của thành viên tăng cao
Ông Lê Phúc Hiền, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Biên cho hay, khi mới thành lập HTX có 55 thành viên sản xuất trên 100 ha, đến nay đã phát triển lên 102 thành viên sản xuất tổng diện tích 500 ha.
Ngoài ra, HTX cũng liên kết sản xuất, bao tiêu cho 70 hộ trồng lúa ở một số địa phương khác trên diện tích 150ha. Mỗi năm, HTX bao tiêu cho thành viên và các hộ liên kết khoảng 2.500 tấn lúa thương phẩm; cung ứng cho thị trường khoảng 1.400 tấn gạo.
Thương hiệu “Gạo quê tôi” của HTX nông nghiệp Ngọc Biên đạt chuẩn VietGAP, và là sản phẩm OCOP 3 sao, được thị trường nhiều tỉnh, thành trong nước đón nhận và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đang hướng đến các thị trường một số nước khác.
Từ sau khi HTX tham gia hội chợ triển lãm sản phẩm gạo đã kết nối không ít khách hàng. Đặc biệt, từ khi sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, việc kinh doanh sản phẩm “Gạo quê tôi” đã được mở rộng và có thêm khách hàng mới. Hiện, HTX nông nghiệp Ngọc Biên đang liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giống lúa ST25 với hơn 500 hộ dân.
Không chỉ hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại giúp HTX nông nghiệp Ngọc Biên tham gia, giới thiệu quảng bá, mở rộng kênh phân phối sản phẩm “Gạo quê tôi”, mà thời gian gần đây, địa phương còn hỗ trợ HTX tham gia các gian hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, tạo sức bật mạnh mẽ trong hệ thống kinh doanh bán lẻ, hướng tới đẩy mạnh mục tiêu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trên sàn thương mại điện tử thông qua nền tảng số nhằm tăng thêm kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho sản phẩm “Gạo quê tôi”.
![]() |
Sản phẩm Gạo quê tôi của HTX nông nghiệp Ngọc Biên được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao. |
Bà Thạch Thị Hào, thành viên HTX Ngọc Biên cho biết, từ khi tham gia HTX, diện tích lúa 3 ha của gia đình bà luôn đạt lợi nhuận từ 40 triệu/ha/vụ trở lên, cao hơn từ 5-10 triệu/ha so với trước đó.
Việc sử dụng giống ST25 do HTX cung cấp từ đầu vụ và canh tác hữu cơ theo hướng dẫn của HTX, ruộng lúa gia đình bà phát triển rất tốt, đặc biệt kháng được các bệnh thường gặp như sâu cuốn lá, rầy nâu đục thân, đạo ôn lá, lại không bị chuột cắn phá và chống chịu được với phèn, mặn, không bị đổ ngã nên năng suất đạt cao hơn khoảng 1 tấn/ha/vụ.
Cùng với giá lúa được HTX bao tiêu cao hơn giá thị trường 1.000 đồng/kg, nên thu nhập gia đình bà được cải thiện đáng kể.
Hỗ trợ phát triển HTX
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh vào thời điểm cuối năm 2024, toàn tỉnh có 37 HTX nông nghiệp và 1 liên hiệp HTX sản xuất lúa thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với tổng diện tích khoảng 5.000 ha.
Trong những năm qua, Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh đã phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc củng cố và phát triển các HTX, từ đó giúp cho người dân và thành viên an tâm sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương.
Anh Trầm Minh Thuần, Giám đốc HTX nông nghiệp Long Hiệp cho biết: Chính quyền địa phương luôn quan tâm, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể phát triển.
Thời gian qua, HTX nông nghiệp Long Hiệp được thụ hưởng rất nhiều chính sách của Trung ương, địa phương để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cụ thể, HTX được tỉnh hỗ trợ 3 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà xưởng quy mô 1.000 m2 có sức chứa 3.000 tấn lúa cho thành viên; được bố trí 350 m2 đất từ quỹ đất công của địa phương và hỗ trợ 600 triệu đồng để xây dựng trụ sở.
Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ 320 triệu đồng để HTX mua máy móc thiết bị đóng gói gạo… Ngoài ra, HTX còn được tiếp cận chính sách thu hút lao động trẻ có trình độ cao về làm việc có thời hạn tại HTX, được ngân sách tỉnh trả lương.
Tương tự, tại HTX nông nghiệp Ngọc Biên, nông dân tham gia HTX được hỗ trợ 50% chi phí giống ST25; phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được mua giá gốc; đầu ra được bao tiêu giá cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg nên đạt lợi nhuận từ 30-40 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn khoảng 20% so với khi chưa tham gia HTX.
Huyền Mi