Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn cho biết, đến năm 2024 toàn tỉnh có gần 500 HTX với tổng vốn đăng ký khoảng 1.106 tỷ đồng. Số thành viên tham gia HTX là 6.280 người; tổng số lao động thường xuyên là 8.556 người trong đó số lao động là thành viên HTX là 5.520 người.
“Vị ngọt” từ quả hồng
Tại HTX Sản xuất kinh doanh Hồng Vành khuyên Nà Mò, xã Hoàng Văn Thụ, nhờ trồng hồng theo hướng VietGAP và hướng hữu cơ đã mang lại giá trị kinh tế cao, giúp các thành viên có nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ gia đình thoát nghèo.
Ông Hoàng Văn Hậu, Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh hồng vành khuyên Nà Mò, chia sẻ: Hiện nay, HTX có trên 9 ha hồng vành khuyên được chăm sóc theo hướng VietGAP và hướng hữu cơ. “Để chuẩn bị cho vụ tới, thời điểm này, chúng tôi đã tiến hành cắt tỉa cành già cỗi để tạo tán mới, phát quang vườn, dọn cỏ để giúp cây phát triển tốt, khỏe mạnh. Việc tập trung chăm sóc cây hồng ở thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định giúp cho năng suất và chất lượng quả cao hơn”, ông Hậu cho hay.
![]() |
HTX Sản xuất kinh doanh Hồng Vành khuyên Nà Mò có trên 9 ha hồng vành khuyên được chăm sóc theo hướng VietGAP và hướng hữu cơ. |
Theo kinh nghiệm của người dân, khi quả hồng vành khuyên đã ngả vàng, vỏ bóng thì sẽ được thu hái - đó là thời gian từ tháng 8 đến trung tuần tháng 9 (âm lịch). Trước đó, cây hồng ra hoa vào tháng 2 và đến tháng 4 bắt đầu có quả nhỏ. Để quả hồng tròn, đẹp, ngọt, bà con thường tập trung bón phân từ giữa tháng 5 đến tháng 6.
Mặc dù mới đi vào hoạt động được 4 năm nhưng HTX Sản xuất, kinh doanh hồng Vành khuyên Nà Mò, xã Hoàng Văn Thụ đã phát huy hiệu quả trong việc phát triển sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm hồng Vành khuyên cho bà con trên địa bàn xã Hoàng Văn Thụ và các xã lân cận.
Ông Hoàng Văn Sằm, thành viên HTX cho biết: Khi tham gia HTX, tôi được dự các lớp tập huấn về sản xuất hồng theo hướng VietGAP, trồng, chăm sóc hồng theo hướng hữu cơ, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó, năng suất, chất lượng được nâng lên. Đến nay, diện tích hồng của gia đình tăng lên gần 3 ha, trong đó, 80% diện tích đã cho thu hoạch. Vụ hồng năm 2020, gia đình tôi thu hoạch trên 10 tấn quả, thu về 150 triệu đồng. Với điều kiện phát triển tốt như hiện nay, dự kiến sản lượng hồng Vành khuyên năm nay của gia đình đạt trên 10 tấn.
Không chỉ gia đình ông Sằm mà trước đây, khi chưa có HTX, người dân ở đây phải đợi thương lái đến thu mua nên giá cả bấp bênh, thậm chí có lúc bị ép giá. Từ khi có HTX sản xuất, kinh doanh hồng Vành khuyên Nà Mò thì mỗi vụ thu hoạch hồng, HTX đều thu mua toàn bộ sản phẩm cho người dân. Không chỉ thu mua sản phẩm hồng Vành khuyên cho bà con trên địa bàn xã Tân Mỹ mà HTX còn mở rộng thu mua tại các xã như: Hoàng Việt, Hoàng Văn Thụ với giá ổn định nên bà con rất yên tâm sản xuất.
Hiệu quả hoạt động của HTX đã góp phần đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm hồng Vành khuyên của người dân, qua đó góp phần tăng thu nhập cho các thành viên và người dân phát triển cây hồng.
Có thể thấy, từ hiệu quả trong việc chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, HTX sản xuất, kinh doanh hồng Vành khuyên Nà Mò thực sự là “cầu nối” giúp bà con trồng hồng Vành khuyên yên tâm đầu tư sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Điểm sáng liên kết tiêu thụ nông sản, đặc sản
Giống như HTX sản xuất, kinh doanh hồng Vành khuyên Nà Mò, với tâm huyết xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho các loại nông sản, đặc sản địa phương, HTX Nông sản sạch Tràng Định là đầu mối thu mua với giá ổn định, giúp người dân nâng cao thu nhập, tránh bị tiểu thương ép giá.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Giám đốc HTX Nông sản sạch Tràng Định, xã Thất Khê cho biết: Tràng Định là địa phương nổi tiếng với nhiều nông sản đặc sản, chính vì vậy, ngay từ khi thành lập, HTX đã xác định lĩnh vực chính là kinh doanh dịch vụ đầu tư vào nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, chế biến thực phẩm. Trong đó, mục tiêu chủ yếu là kinh doanh và trồng lúa bao thai hồng, bao thai trắng, lúa nếp cái ong vàng và các nông sản, đặc sản của Tràng Định.
Ông Ma Văn Hoàn, thôn Nà Cà, xã Hùng Sơn – một trong những thành viên tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa bao thai hồng cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng 3 sào lúa khang dân, năng suất tốt thì được 2,5 tạ/sào, tuy nhiên, giá bán thấp chỉ 5 – 6 nghìn đồng/kg thóc. Cũng trên diện tích đó, tôi cấy lúa bao thai hồng, kết quả thu hoạch được hơn 6 tạ thóc, năng suất cũng gần tương đương với khang dân mà giá lại cao hơn với giá 10 nghìn đồng/kg thóc. Không chỉ bán với giá cao, chúng tôi còn được HTX bao tiêu toàn bộ nên tôi không phải lo đầu ra cho sản phẩm nữa, chúng tôi rất phấn khởi và yên tâm trồng vào các vụ sau.
![]() |
HTX Nông sản sạch Tràng Định liên kết với người dân trên địa bàn trồng và bao tiêu các sản phẩm nông sản, đặc sản như: rau củ quả an toàn, bí thơm,... |
Cùng đó, HTX Nông sản sạch Tràng Định hợp đồng với người dân trên địa bàn huyện trồng và bao tiêu các sản phẩm nông sản, đặc sản như: rau củ quả an toàn, bí thơm, thạch đen, cốm, cây cà gai leo… với giá cả ổn định, thậm chí cao hơn thị trường nên bà con rất yên tâm.
Bên cạnh đó, HTX Nông sản sạch Tràng Định còn liên kết với các HTX khác trên địa bàn tỉnh để làm đại lý phân phối một số sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh Lạng Sơn đến một số tỉnh, thành như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội… với một số sản phẩm như: cao khô Vạn Linh, hồng vành khuyên, mật ong, gạo Nhật, bún ngô…
Liên minh HTX tỉnh đánh giá, HTX Nông sản sạch Tràng Định là một trong những HTX hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đầu tư cung cấp dịch vụ đầu vào cho đến bao tiêu sản phẩm cho bà con. Đây được coi là một điểm sáng trong liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc sản Xứ Lạng để các HTX khác học tập.
HTX không ngừng nỗ lực vươn lên
Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong số gần 500 HTX đang hoạt động, số lượng HTX nông nghiệp chiếm 71%, còn lại là các HTX phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh 300 tổ hợp tác (THT), trong đó số thành viên tham gia THT là 3.550 thành viên đồng thời là lao động thường xuyên trong THT; 1 liên hiệp HTX
Trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, song các HTX trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến nay, trong tổng số 376 HTX được đưa vào đánh giá xếp loại có 94 HTX xếp loại khá, 226 HTX trung bình, 56 HTX xếp loại yếu.
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn cho biết trong năm 2024, Liên minh HTX tỉnh đã thực hiện tốt công tác tham gia, góp ý các dự thảo chính sách có liên quan đến phát triển kinh tế tập thể; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX; tăng cường các hoạt động đối thoại, kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên; tư vấn, hỗ trợ các HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, HTX…
Doanh thu bình quân HTX năm 2024 đạt 1,2 tỷ/HTX, lãi 140 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân của thành viên, người lao động 5 triệu đồng/người/tháng.
Doanh thu bình quân THT đạt: hơn 700 triệu đồng/THT, lãi 50 triệu đồng/THT, thu nhập bình quân của thành viên, người lao động: 4 triệu đồng/người/tháng.
Các HTX đã thể hiện được vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn thời kỳ hội nhập, duy trì và gia tăng số xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; tạo việc và giải quyết việc làm cho trên 19 nghìn lao động trên địa bàn (gồm cả lao động thường xuyên và lao động thời vụ), chủ yếu ở nông thôn; góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo.
Nhờ vậy, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực, ví dụ như năm 2023, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Lạng Sơn là 2,9% so với năm 2022 (từ 8,92% xuống còn 6,02%, tương đương giảm 5.100 hộ). Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 6,02% (năm 2023) xuống còn 3,48% năm 2024.
Huyền Mi