Tháng 7/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 1158 về việc tổ chức lại Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh. Đến giữa tháng 9/2024, Liên minh HTX, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh đã tổ chức công bố quyết định tổ chức lại hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, ký kết bàn giao quỹ cũng như ký kết hợp đồng ủy thác vốn của quỹ qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.
Nâng cao hiệu quả từ nguồn vốn vay
Ngay sau khi thực hiện các bước chuyển đổi, sắp xếp lại, các đơn vị liên quan đã triển khai các biện pháp để các HTX, tổ hợp tác nắm bắt thông tin và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ quỹ. Đến cuối năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã hoàn thành thẩm định 46 hồ sơ vay vốn của các HTX với số vốn vay là 4,6 tỷ đồng.
![]() |
Mô hình chăn nuôi thỏ của HTX Sản xuất và Dịch vụ nông lâm nghiệp Hoàng Trung |
Ông Lã Ngọc Quang, Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ nông lâm nghiệp Hoàng Trung, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn cho biết: HTX được thành lập năm 2021 với hoạt động chính là trồng trọt và chăn nuôi.
Các thành viên HTX chủ yếu nuôi giống thỏ New Zealand và vịt đẻ. Đầu tháng 11/2024, sau khi nắm được thông tin cũng như hướng dẫn quy trình vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, một số thành viên của HTX đã nhanh chóng làm hồ sơ để vay vốn. Đến nay, 5/9 thành viên của HTX đã được thẩm định vay vốn với số tiền 100 triệu đồng/thành viên.
Có nguồn vốn vay ưu đãi, HTX có thêm nguồn lực để đầu tư mở rộng chuồng trại thêm 200 m2, trang bị thêm các lồng nuôi, hệ thống thông gió làm mát, dụng cụ phục vụ cho chăn nuôi. Đồng thời, các thành viên của HTX phát triển từ 25 cặp thỏ (tại thời điểm thành lập HTX Hoàng Trung) lên khoảng 1.300 con và chủ động trồng 2 sào cỏ voi để bổ sung nguồn thức ăn cho vật nuôi.
Trước khi thành lập HTX, sản phẩm chăn nuôi của các hộ thành viên chủ yếu được bán lẻ cho người dân có nhu cầu. Tuy nhiên, sau khi phát triển quy mô chăn nuôi, nguồn hàng dồi dào, HTX đã chủ động liên hệ với các nhà hàng, cá nhân trên địa bàn để mở rộng tiêu thụ. Đồng thời, quảng cáo các sản phẩm như: thỏ thịt, thỏ giống, trứng vịt qua zalo, facebook để ngày càng có nhiều người biết đến. Nhờ đó, mỗi năm HTX xuất bán ra thị trường từ 4.000 – 5.000 con thỏ thương phẩm.
Từ quy mô ban đầu, sau gần 4 năm phát triển, các thành viên của HTX không có hộ nghèo. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định đạt từ 100 triệu đồng/năm, đời sống của thành viên được đảm bảo, nhiều gia đình đã xây được nhà cửa khang trang.
HTX thuỷ sản bắt tay làm giàu
Bên cạnh chính sách hỗ trợ vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX , nhiều HTX tại tỉnh Lạng Sơn đã tiếp cận được chính sách hỗ trợ khác như: hỗ trợ sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm); hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất; hỗ trợ trí thức trẻ về làm việc tại 10 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh…
![]() |
Trên địa bàn huyện Bắc Sơn có 25 HTX hoạt động hiệu quả, chiếm 44% số HTX đang hoạt động |
Ông Phùng Văn Quyển, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Lân Vục, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn cho biết: HTX được thành lập từ năm 2014 với ngành nghề chính là nuôi trồng thủy sản. Trước đây, HTX gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, dẫn nước trong khu vực ao nuôi… Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước (khoảng 2 tỷ đồng), HTX đã đầu tư xây dựng hệ thống mương dẫn nước, đường dây điện, đường bê tông. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm, HTX thu được 7 tấn cá thương phẩm, trừ chi phí HTX thu lãi trên 300-400 triệu đồng/năm, góp phần nâng cao đời sống thành viên, nhiều hộ gia đình đã thoát khỏi diện hộ nghèo tại địa phương.
Với HTX Nuôi trồng thủy sản Lân Vục, sau gần 11 năm phát triển, từ một HTX có quy mô nhỏ, thu không đủ bù chi, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, doanh thu hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động và các thành viên với mức thu nhập 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều HTX trên địa bàn huyện Bắc Sơn cũng đã chủ động phát huy nội lực, đổi mới tổ chức sản xuất, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, tăng cường liên kết trong các khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Qua đó, giúp các HTX từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đến nay, trên địa bàn huyện Bắc Sơn có 25 HTX hoạt động hiệu quả, chiếm 44% số HTX đang hoạt động, doanh thu của HTX bình quân đạt 2 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân người lao động trong HTX từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Để nâng cao năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, các HTX thủy sản trên địa bàn huyện Bắc Sơn đang bắt tay liên kết, qua đó trở thành điểm tựa làm giàu cho thành viên, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
HTX đi vào chiều sâu và đúng hướng
UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, mục tiêu năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 2 - 2,5% so với năm 2024; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao phấn đấu giảm bình quân 4% trở lên, tập trung giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 2 - 2,5% so với năm 2024.
Huyện Bắc Sơn cho hay, cùng với việc phát triển các mô hình HTX gắn với những sản phẩm là tiềm năng, thế mạnh của địa phương, việc triển khai nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ phát triển HTX trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã góp phần giúp huyện giảm được từ 2-3% tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm. Nếu như năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 14,6% thì đến hết năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 8%. Qua đó, khẳng định vai trò của mô hình kinh tế tập thể, HTX và nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Vì thế, thời gian qua chính quyền huyện đã tăng cường phát triển các mô hình HTX trên địa bàn. Thông qua HTX người nông dân đã mạnh dạn đầu tư máy móc vào sản xuất kinh doanh.
Hoạt động của các HTX ở Bắc Sơn hiện nay đã đi vào chiều sâu và phát triển đúng hướng, đặc biệt là sự thay đổi về nhận thức của chính các hội viên đã giúp các mô hình HTX được thay đổi về chất một cách bền vững.
Hiện nay, huyện Bắc Sơn có gần gần 20 HTX hoạt động hiệu quả, các HTX tại huyện Bắc Sơn hiện đang hoạt động với khá nhiều loại hình. Tuy vậy, mô hình HTX sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm phần lớn. Các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò của mình trong tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ KHKT, nâng cao hiệu quả sản xuất và đặc biệt là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân mà điển hình là những HTX Tam Hoa, Hồng Phong, Như Ý, Lân Vục… Đây chính là tiền đề để huyện Bắc Sơn đẩy mạnh phát triển kinh tế các xã vùng nông thôn.
Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh được sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam đã đẩy mạnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, đào tạo, vận động thành lập mới HTX và kết nạp thành viên. Theo đó, năm 2024 đã tổ chức 26 hội nghị tuyên truyền kinh tế tập thể và hướng dẫn thành lập mới HTX cho hơn 2.000 người; tổ chức 03 lớp tập huấn cho 150 lượt cán bộ quản lý, thành viên HTX gắn với tham quan mô hình thực tế; kết nạp mới 11 HTX tham gia thành viên. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, phối hợp triển khai tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho thành viên HTX và đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tư vấn và hỗ trợ HTX thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước,…
Nhờ những nỗ lực của khu vực KTTT, HTX đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lạng Sơn giảm mạnh. Năm 2025, tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 2 - 2,5% so với năm 2024; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao phấn đấu giảm bình quân 4% trở lên, tập trung giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 2 - 2,5% so với năm 2024.
Hoàng Hà