Tại Hà Tĩnh, mô hình nuôi lươn không bùn là một hướng đi mới, được nhiều người dân mạnh dạn đầu tư và cho những kết quả tích cực, mang đến nguồn lợi nhuận cao cho người chăn nuôi. Với những ưu thế đó, thời gian qua, trên địa bàn tĩnh Hà Tĩnh, nhiều hộ gia đình đã đầu tư nuôi lươn không bùn và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiệu quả mô hình tổ hợp tác nuôi lươn không bùn
Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Trần Đài Loan, thôn Tân Thành, xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh hiện đang rất thành công, năng suất cao, giá bán tốt và đầu ra ổn định.
![]() |
Lươn được nuôi trong bể composite. |
Anh Trần Đài Loan cho biết, khi nuôi bằng lươn giống ngoài tự nhiên, tuy không phải mất tiền mua giống nhưng ngược lại lươn chậm lớn, dịch bệnh nhiều, thời gian nuôi lâu (trên 12 tháng), thu nhập cũng không đáng kể. Anh đã tìm hiểu trên internet thấy có nhiều mô hình nuôi lươn bằng con giống nhân tạo rất thành công.
Dù thời gian đầu gặp một số khó khăn, nhờ sự chịu khó tìm tòi, học hỏi nên sau khi thu hoạch lứa đầu tiên, nhận thấy mô hình rất có hiệu quả, lươn phát triển tốt, không đủ cung cấp cho khách hàng. Từ 2 bể nuôi thử ban đầu, anh Loan đã mở rộng lên 6 bể. Cuối năm 2024, anh Loan tiếp tục mở rộng thêm 12 bể.
Theo anh Loan, nuôi lươn theo phương pháp này khá đơn giản, ít tốn công chăm sóc và không cần quá nhiều diện tích. Nhờ chăm sóc bài bản nên mô hình nuôi lươn không bùn hao hụt chỉ khoảng 5-7%. Mỗi bể nuôi rộng 8m2, anh thả 4.000 con giống, sau 6-7 tháng nuôi lươn đạt trọng lượng 250- 300g/con, thu về hơn 1 tấn lươn thương phẩm.
“Hiện nay, việc tiêu thụ lươn thuận lợi, lươn tôi nuôi theo hình thức cuốn chiếu nên có sản phẩm bán quanh năm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là thành phố Vinh (Nghệ An), hiện số lượng không đủ cung cấp cho khách hàng. Với giá bán dao động từ 110.000-130.000 đồng/kg, 6 bể nuôi, sau khi trừ chi phí mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình trên 250 triệu đồng”, anh Loan nói.
Từ thành công mô hình nuôi lươn không bùn của anh Loan, nhiều thanh niên địa phương cũng như hộ dân đã đến tham quan, học hỏi để áp dụng. Anh Loan cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, và cung cấp thức ăn, con giống chất lượng cho bà con.
Hiện, cách làm này đang được lan rộng tại các huyện như: Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh,… nơi có điều kiện khí hậu và nguồn nước phù hợp. Đến nay, tại Hà Tĩnh đã phát triển trên 30 cơ sở nuôi lươn không bùn. Đáng chú ý đã có nhiều hộ dân đã mạnh dạn xây dựng trang trại nuôi lươn an toàn thực phẩm, liên kết thành tổ hợp tác, chia sẻ con giống, kĩ thuật và đầu ra, hình thành chuỗi sản xuất – tiêu thụ bước đầu ổn định.
Điển hình tổ hợp tác nuôi lươn không bùn Tâm An Phát ở xã Thuận Lộc (Hồng Lĩnh). Tổ hợp tác ra đời nhằm mục đích liên kết các hộ nuôi, cùng hỗ trợ nhau về kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình… Nhờ sự cần cù, chịu khó, trong thời gian qua, các thành viên đã từng bước thu nhận lại được nhiều thành quả, ổn định về kinh tế.
Theo khuyến cáo từ ngành chuyên môn, để mô hình phát triển bền vững, người nuôi cần đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, không lạm dụng kháng sinh, đồng thời chủ động liên kết với các doanh nghiệp, HTX để đảm bảo đầu ra ổn định.
"Chìa khóa" thành công
Câu chuyện khởi nghiệp từ nuôi lươn của anh Trần Đài Loan, ổ hợp tác nuôi lươn không bùn Tâm An Phát chỉ là một trong rất nhiều mô hình chăn nuôi thành công trong thời gian qua ở Hà Tĩnh. Thực tế còn rất nhiều những mô hình chăn nuôi khác cũng đang cho thấy những thành công, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, cần lan rộng.
Chẳng hạn, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, HTX Hương Giang (xã Đức Hương, huyện Vũ Quang) đã đầu tư vào chăn nuôi lợn và liên kết trồng chanh leo. Tư duy sản xuất hiện đại cùng nguồn vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng, nên sau hơn 1 năm hoạt động, HTX đã biến đất cằn đá sỏi ngày nào thành màu xanh trù phú, ấm no.
Anh Nguyễn Văn Cương, Kiểm soát viên HTX cho hay: “Với 2 chuồng nuôi khép kín, quy mô 1.100 con lợn/lứa, liên kết với Công ty cổ phần CP Việt Nam và 3 ha chanh leo cung cấp nguyên liệu cho Công ty cổ phần Thực phẩm Nghệ An, bước đầu đã cho hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương với mức lương 4 triệu đồng/người/ tháng. Ngoài ra, HTX còn trồng mới 2.000 gốc cam và sắp tới sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất”.
Nếu như trước đây vai trò của HTX còn mờ nhạt thì nay, KTTT ở Vũ Quang đã có những bước tiến lớn, đặc biệt, phải kể đến lĩnh vực chăn nuôi lợn, trồng cây ăn quả có múi, nuôi ong... Sự thay đổi tư duy sản xuất với phương án sản xuất, kinh doanh khoa học, nguồn vốn đầu tư lớn, chú trọng áp dụng công nghệ hiện đại theo hình thức liên kết với doanh nghiệp… chính là “chìa khóa” thành công.
![]() |
KTTT Vũ Quang đã có những bước tiến lớn, đặc biệt, phải kể đến lĩnh vực chăn nuôi lợn, trồng cây ăn quả có múi, nuôi ong... |
Thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX Hà Tĩnh đã thực hiện tốt vai trò tư vấn, hỗ trợ kinh tế tập thể, góp phần giúp khu vực HTX ở Hà Tĩnh phát triển cả về số lượng và chất lượng, đa dạng về loại hình hoạt động.
Toàn tỉnh hiện có 3 liên hiệp HTX, 1.010 HTX, 2.623 tổ hợp tác với hơn 94.000 thành viên, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các địa phương như: hình thức tổ chức sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, thương mại nông thôn, môi trường và an sinh xã hội.
Đại diện Liên minh HTX tỉnh khẳng định: “5 năm qua, khu vực KTTT đã có những chuyển biến tích cực, từng bước đổi mới về tổ chức và hoạt động, thích ứng ngày càng tốt hơn với cơ chế thị trường, khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí của HTX trong nền kinh tế. Không những tăng về lượng mà còn đổi về chất, góp phần làm thay đổi nhận thức của mọi người về KTTT đối với sự phát triển của xã hội, tạo động lực thúc đẩy KTTT Hà Tĩnh vươn lên, phát triển tương xứng tiềm năng.
Phát huy vai trò "bà đỡ"
Với vai trò “bà đỡ”, Liên minh HTX tỉnh đã chủ động phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam, thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các HTX. Theo đó, thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, hỗ trợ vay vốn, tư vấn chuyển đổi, tổ chức lại, thành lập mới HTX... Bước đầu đã quy tụ, tập hợp xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến để kịp thời biểu dương, nhân rộng; chú trọng công tác tham mưu, đề xuất, tham gia xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển KTTT. Đặc biệt, Hà Tĩnh đang tập trung phát triển các mô hình sản xuất liên kết, Liên minh HTX tỉnh đã và đang tích cực hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng mô hình HTX kiểu mới với chuỗi sản phẩm hàng hóa chủ lực.
Nhờ đó, Hà Tĩnh là một trong những địa phương đạt được những kết quả quan trọng trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững khi nhiều chỉ tiêu giảm nghèo đạt khá so với mục tiêu kế hoạch.
Theo quyết định phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 trên địa bàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tổng số hộ nghèo đến cuối năm 2024 trên địa bàn tỉnh là 9.236 hộ (với 19.109 nhân khẩu), chiếm tỷ lệ 2,40% (giảm 2.336 hộ so với năm 2023 – tương ứng giảm 0,97%); tổng số hộ cận nghèo 11.736 hộ (với 34.921 nhân khẩu), chiếm tỷ lệ 3,04% (giảm 1.211 hộ so với năm 2023 – tương ứng giảm 0,33% ).
Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn khi mà tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn đang còn ở mức cao.
Vì vậy rất cần sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung tay góp sức của toàn xã hội và sự nỗ lực vượt bậc của chính người nghèo mới có thể hoàn thành được chương trình đề án giảm nghèo nhanh và bền vững, phấn đấu năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống mức thấp nhất.
Về vấn đề này, ban lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh phát triển thêm nữa các HTX, tổ hợp tác nhằm hình thành chuỗi sản xuất – tiêu thụ ổn định cho bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, nhanh chóng giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Ngọc Hùng đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt để KTTT, HTX phát triển bền vững, thực hiện tốt vai trò "bà đỡ" trong công tác giảm nghèo.
Linh Đan