Nhờ vào mô hình hợp tác, người lao động thời vụ có thể có thu nhập ổn định, thậm chí là cao hơn so với trước đây, đồng thời được hưởng các phúc lợi khác.
Thu nhập tăng gấp 2 lần nhờ tham gia HTX
Anh Võ Minh Liệt, một lao động thời vụ lâu năm cho biết rất vui mừng trước sự phát triển HTX Nông nghiệp Phát Tài đã giúp anh có việc làm ổn định, thu nhập cao gấp đôi so với trước đây. Ngoài cải thiện cuộc sống gia đình anh Liệt còn nâng cấp những máy gặt đập liên hợp thành dòng máy cao cấp hơn.
“Trước đây chưa là thành viên của HTX thì mỗi vụ mùa cắt được khoảng 400 - 500 công đất (1 công = 1.000m2). Hiện nay được HTX thu mua giá bán tăng lên gấp 2 - 3 lần. Từ khoảng lợi nhuận có được, chúng tôi đã đầu tư những dòng máy gặt đập liên hợp chất lượng giúp tỷ lệ lúa gặt không bị hư hao như trước kia”, anh Liệt nói.
Anh Trần Kim Thiện, một lao động thời vụ của HTX cho hay, HTX cũng đã giới thiệu thêm công việc cho người lao động nên thu nhập người lao động ổn định quanh năm. “Trước đây mỗi ngày tôi thu nhập được 500 – 700 nghìn đồng, hiện nay thu nhập được hơn 1 triệu/ngày”, anh Thiện cho hay.
![]() |
Ông Trần Văn Chung (phải), Giám đốc HTX Nông nghiệp Phát Tài đưa lúa giống vào nhà kho sau khi đóng bao bì. |
HTX Nông nghiệp Phát Tài không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế cho người lao động mà còn có tác động tích cực đến đời sống cộng đồng có việc làm ổn định và thu nhập cao, giúp giảm bớt tình trạng thất nghiệp tại địa phương.
Từ khi tham gia HTX đến nay, lực lượng lao động có công ăn việc làm nhiều hơn. Hiện nay chỉ tại Ấp Ô Tre Lớn, xã Châu Thành lực lượng lao động làm trong HTX lên đến hơn 60 thành viên.
Ông Trần Văn Chung, giám đốc HTX Nông nghiệp Phát Tài cho biết trước đây lao động làm bên ngoài được trả công chỉ 200 nghìn đồng/ngày, nhưng nay làm cho HTX thu nhập của mỗi thành viên là 300 nghìn đồng/ngày, nhờ đó cuộc sống của người lao động nông thôn hiện nay ổn định.
Sự phát triển bền vững của HTX không chỉ nâng cao đời sống của người dân địa phương, mà còn góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Những mô hình phát triển như HTX nông nghiệp Phát Tài chính là minh chứng cho tiềm năng phát triển của HTX trong việc thúc đẩy kinh tế địa phương và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Liên kết trồng chanh không hạt xuất khẩu
Theo số liệu đến cuối năm 2024 từ Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh (nay nay sáp nhập thành Vĩnh Long) trên địa bàn hiện có 169 hợp tác xã và 1 Liên hiệp hợp tác xã lúa gạo đang hoạt động, trong đó 128 HTX nông nghiệp giải quyết việc làm cho trên 600 lao động ở nông thôn với mức thu nhập từ 150.000-300.000 đồng/người/ngày.
Đến nay nhiều mô hình HTX nông nghiệp không chỉ tạo công ăn việc làm, thu nhập cao cho các thành viên, mà nhiều lao động thời vụ cũng được các HTX trên địa bàn thu mua nguyên liệu, hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi trồng nông nghiệp hiệu quả.
Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Hiện, là một trong những nông dân tiên phong trồng chanh không hạt, cung cấp cho HTX Nông nghiệp Thành Chí xuất khẩu. Đến nay, ông Hiện là người trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật trồng chanh không hạt cho gần 10 hộ thành viên tại địa phương, nhiều hộ trồng chanh đã có thu hoạch, bước đầu có lợi nhuận khá. Theo ông Nguyễn Văn Hiện, ông hiện có 1,2ha chanh không hạt, với hơn 400 gốc, hơn 90% đã cho trái, mỗi tháng thu hoạch 02 lần, mỗi lần từ 1,5-02 tấn/1,2ha, giá từ 15.000-20.000 đồng/kg.
![]() |
Mỗi tháng HTX Nông nghiệp Thành Chí xuất khẩu chanh không hạt sang thị trường Hà Lan với sản lượng từ 30 đến 70 tấn. |
Gia đình ông Lê Tấn Tiến, thành viên HTX Nông nghiệp Thành Chí chuyển đổi 0,4ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng 270 cây chanh không hạt được 04 năm nay. Ông Tiến cho hay, vùng đất này trồng lúa năng suất rất bấp bênh, giá lúa thì “khi trồi khi sụt”, mỗi năm thu nhập từ trồng lúa cao nhất cũng chỉ 50 triệu đồng/ha/năm.
Sau khi chuyển sang trồng chanh không hạt, mỗi tháng vườn chanh cho thu hoạch 02 lần, sản lượng đạt từ 2,5 - 03 tấn, gia đình ông “cầm chắc” lợi nhuận trên 30 triệu đồng/tháng sau khi trừ tất cả chi phí sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công… Thấy hiệu quả cao nên gia đình ông đang mở rộng thêm 0,4ha trồng chanh, nay vườn chanh mới đã được 08 tháng.
Điều ông Tiến và các hộ trồng ở đây an tâm nhất là chanh được bao tiêu đầu ra với giá luôn cao hơn giá thị trường từ 3.000 đồng/kg trở lên. Hiện nay, mức giá mua 17.000 đồng/kg của HTX là đang cao hơn giá thị trường 10.000 đồng/kg. Vào mùa nghịch (từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau), HTX mua với giá lên đến trên 30.000 đồng/kg nên nông dân đạt lợi nhuận càng cao.
Ông Phan Đức Tài, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thành Chí là người tiên phong đưa cây chanh không hạt về trồng ở vùng đất này từ năm 2018. Ban đầu, gia đình ông và 05 hộ dân ở địa phương chỉ trồng thử nghiệm trên diện tích 3,9ha. Sau 01 năm chanh bắt đầu cho trái, 18 tháng cho thu hoạch ổn định, năng suất từ 30 - 50 tấn/ha/năm. Với giá bán 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người trồng đạt lợi nhuận trên 400 triệu đồng/ha/năm.
HTX là "bà đỡ" tạo sinh kế cho người dân
HTX Thương mại Dịch vụ Trà Cú (Trà Vinh, nay sáp nhập thành Vĩnh Long ) có vai trò quan trọng trong quá trình cơ cấu lại kinh tế, phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hiện HTX đã chia thành 7 khu vực để quản lý, khai thác gồm: chợ trái cây; nhà lồng chợ vải và điện máy; quần áo may sẵn, đồ sắt; nhà lồng tạp hóa, gạo, cám; rau củ quả và ăn uống giải khát; thịt heo, bò, khô, mắm; khu vực chợ cá, gia cầm; các ki ốt bao quanh và các công trình phụ trợ, đủ điều kiện bố trí cho 271 hộ tiểu thương (kinh doanh cố định) và 40 hộ mua bán không thường xuyên tham gia buôn bán, kinh doanh.
Với mức thu 25.000 đồng/m2/tháng đối với ki ốt tại khu vực nhà lồng chợ vải, điện máy và khu nhà lồng tạp hóa, gạo, cám; đối với các khu còn lại thu giá 20.000 đồng/m2/tháng. Tổng doanh thu bình quân HTX đạt trên 900 triệu đồng/năm, mức thu nhập của người lao động trên 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thương mại Dịch vụ Trà Cú cho biết, để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh doanh, thời gian qua, HTX đầu tư gần 1,2 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo chợ, đề phòng nguy cơ cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... Trong đó, vận động xã hội hóa hộ tiểu thương trên 465 triệu đồng, từng bước góp phần ổn định tổ chức, hoạt động của chợ thị trấn.
Những mô hình HTX tiêu biểu kể trên đang góp phần tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (Trà Vinh cũ). Thời gian tới, để tiếp tục phát huy thế mạnh của khu vực KTTT, HTX... các hoạt động tư vấn, hỗ trợ tiếp tục triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực cho tổ hợp tác, HTX và thành viên.
Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện xây dựng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả, thực hiện chuỗi giá trị, bước đầu đã được các HTX triển khai thực hiện giúp thành viên vươn lên thoát nghèo, góp phần tích cực trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục hỗ trợ các HTX đã có hướng đi phù hợp, phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với sản phẩm có lợi thế và định hướng phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Huyền Mi