Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, tính đến cuối năm 2024, công tác giảm nghèo ở xã Văn Quan đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Theo số liệu báo cáo, tính đến ngày 1/1/2024, số hộ nghèo trên địa bàn là 1.482 hộ, với 6.064 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 10,64%. Số hộ cận nghèo có 4.049 hộ, với 18.362 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 29,07 %. Đến cuối năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm 6,73%.
Thu nhập hàng trăm triệu nhờ nuôi ong lấy mật
Một trong những điểm sáng về giảm nghèo tại tại Lạng Sơn đó là xã Yên Phúc. UBND xã cho biết xã Yên Phúc trở thành điểm sáng trong thực hiện chương trình giảm nghèo. Đời sống của người dân ngày một khấm khá, số hộ nghèo giảm mạnh từng năm. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Yên Phúc là 8,38% (99 hộ nghèo) thì đến cuối năm 2024 xã còn 35 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 2,97%, (giảm 5,41% so với năm 2023).
Chia sẻ về công tác giảm nghèo ở xã, lãnh đạo UBND xã cho biết, một trong những giải pháp nghèo hiệu quả của xã Yên Phúc là đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, phát huy thế mạnh, văn hoá bản sắc địa phương. Điển hình như việc xây dựng HTX Cao khô Chợ Bãi và phát triển sản phẩm cao khô Chợ Bãi đạt OCOP 3 sao".
![]() |
Sản phẩm mật ong ngũ gia bì của HTX Cao khô Chợ Bãi đạt OCOP. |
Theo đại diện xã Yên Phúc, cao khô là đặc sản và cũng là nghề truyền thống đã có hàng trăm năm của người dân thôn chợ Bãi, xã Yên Phúc. Cao khô được chế biến từ gạo nguyên chất, thường là gạo bao thai hoặc đoàn kết. Hiện trên địa bàn có trên 30 hộ sản xuất cao khô, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Anh Lý Anh Tuấn (SN 1989) dân tộc Nùng, Giám đốc HTX Cao khô Chợ Bãi cho biết: HTX chúng tôi được thành lập từ năm 2020, với 16 thành viên tham gia HTX. Đến nay, HTX đã đầu tư máy móc như: máy nghiền bột, máy tráng bánh và máy thái bánh trị giá gần 300 triệu đồng để ngày càng chuyên nghiệp trong sản xuất.
Bên cạnh đó, HTX cũng thiết kế, nâng cấp bao bì, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm cao khô Chợ Bãi của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Bình quân mỗi ngày HTX làm từ 200 đến 300 kg gạo, tương ứng với hơn 800 đến 1.000 bó cao thành phẩm.
Nhờ làm cao khô, các thành viên trong HTX Cao khô Chợ Bãi có thu nhập ổn định. Riêng anh Lý Anh Tuấn, Giám đốc HTX có thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho 3-5 lao động là những nông dân trong xã.
Cây chủ lực có giá trị kinh tế cao
Cùng với mô hình sản xuất cao khô, nông dân xã Yên Phúc, xã Văn Quan còn phát triển mạnh các mô hình trồng hồi; chăn nuôi trâu, bò vỗ béo; chế biến hồi…
Văn Quan, Yên Phúc được biết đến là “thủ phủ hoa tám cánh-hoa hồi xứ Lạng” với khoảng 15.000ha, chiếm 1/2 diện tích cây hồi toàn tỉnh Lạng Sơn. Việc đẩy mạnh mở rộng diện tích kết hợp với thu mua, sơ chế, chế biến của các doanh nghiệp, HTX giúp thu nhập cho người dân toàn huyện được nâng cao, góp phần giúp người dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Đến nay, tổng diện tích hồi toàn xã Yên Phúc đạt gần 1.116 ha, trong đó có 956 ha cho thu hoạch.
Điển hình là mô hình trồng hồi hữu cơ tại HTX dịch vụ hồi hữu cơ Văn Quan. Đây là một hoạt động thiết thực giúp người dân nâng cao thu nhập. Bởi trồng hồi hữu cơ đồng nghĩa với việc không được bón phân hóa học và phun thuốc trừ cỏ. Đặc biệt khi thu hái, người dân phải được bảo quản trong bao tải sạch, hái từ trên cây xuống, chứ không nhặt ở dưới gốc.
Ông Vi Văn Hải, xã Yên Phúc, cho biết được HTX tạo điều kiện cho tham gia lớp huấn canh tác cây hồi theo hướng hữu cơ, năng suất cây trồng được nâng lên, tán cây mọc rộng hơn, mỗi năm được thu hoạch 2 vụ hồi, những cây trồng được khoảng 20 năm, sản lượng khoảng 4 đến 5 tấn/ha, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình và bà con ở địa phương.
![]() |
Người dân xã Điềm He sơ chế, phơi hoa hồi. |
Theo đại diện HTX Văn Quan, hàm lượng tinh dầu hồi trồng theo hướng hữu cơ cao và không chứa độc tố. Yếu tố này tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho hồi Văn Quan nói chung. Đặc biệt, giá hoa hồi phơi khô dao động từ 130.000 - 150.000 đồng/kg. Với sản lượng lớn, cây hồi mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Một hộ gia đình có thể thu hoạch hàng chục tấn hồi tươi mỗi năm, đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng.
Ngoài những mô hình trên, tại xã Văn Quan còn có khoảng 20 cơ sở chế biến và xuất khẩu hoa hồi của các doanh nghiệp, hộ gia đình và HTX khác. Bên cạnh hồi đang được phơi khô truyền thống, một số gia đình, HTX đã đầu tư lò sấy, tăng công suất lên gấp 10 lần so với phơi thủ công. Điều này giúp mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Bà Hứa Thị Thiên, thành viên HTX cho biết: "Gia đình tôi đã có 30 năm kinh doanh hồi, hoa hồi, dầu hồi. Bình quân mỗi năm, gia đình thu mua, xuất khẩu hơn 1.000 tấn hồi". Ngoài thị trường Trung Quốc, vợ chồng bà Thiên, ông Việt còn ký kết hợp đồng xuất khẩu hồi sang Ấn Độ và khu vực Trung Đông...
Nâng cao chất lượng sản phẩm của các HTX
Trong thời gian qua các HTX tại các xã Văn Quan, xã Điềm He, xã Yên Phúc (không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng hoạt động của các HTX trên địa bàn cũng có những chuyển biến tích cực. Có được kết quả đó trước hết phải kể đến sự phát huy nội lực, tìm tòi, sáng tạo của các HTX trên địa bàn.
Bên cạnh sự nỗ lực của các HTX, để giúp các HTX phát triển, lãnh đạo địa phương cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Điển hình như hằng năm, địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các lớp tuyên truyền, vận động mới thành lập các HTX. Cùng với phát triển mới, việc tháo gỡ khó khăn cho các HTX cũng được quan tâm thường xuyên.
Trong đó, tổ chức hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo địa phương với các doanh nghiệp, HTX để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, từ đó có những giải đáp, tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp, HTX. Trong đó, nhiều khó khăn liên quan đến HTX như: mặt bằng, xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ… đã từng bước được tháo gỡ.
Liên minh HTX tỉnh cũng đã quan tâm đến việc thành lập các HTX mới. Đối với các HTX mới thành lập có quy mô nhỏ, chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để các HTX tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, các chương trình, dự án phát triển sản xuất. Từ các nguồn vốn lồng ghép, nhà nước đã hỗ trợ cho các HTX trực tiếp cũng như qua các chương trình, dự án được lên đến hàng tỷ đồng. Qua đó đã từng bước giúp các HTX tháo gỡ khó khăn về vốn khi mới thành lập cũng như giúp các HTX từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường…
Có thể khẳng định vai trò quan trọng của HTX trong việc góp phần xoá đói giảm nghèo tại các xã Văn Quan, Điểm He, Yên Phúc. Theo đó, HTX đã tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều hộ nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Hiệu quả từ việc hỗ trợ sinh kế đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Huyền Mi