Điển hình trong số đó là hợp tác xã (HTX) Trà Lân, từ những gốc tre, đốt tre tưởng chừng vô tri, vô giác, nhờ ý tưởng của 'ông chủ' trẻ Thái Đăng Tiến cùng những đôi bàn tay khéo léo của người thợ, đã trở thành sản phẩm mỹ nghệ có giá bán lên tới cả triệu đồng.
Không ngừng sáng tạo, nâng cao giá trị
Anh Thái Đăng Tiến - Giám đốc HTX tre Trà Lân tại xã Châu Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An), cho hay, sinh ra ở vùng quê nghèo, nơi bạt ngàn tre, nứa, luồng,... nên anh chứng kiến khá nhiều những thăng trầm của người trồng tre. Khi được thu hoạch, hầu như cây tre ở đây được bán ra thị trường làm nguyên liệu hay vật liệu trong xây dựng, giá trị không cao, nếu không muốn nói là thấp so với chi phí chăm sóc, khai thác, vận chuyển, có chăng là đan lát những vật dụng sinh hoạt tương đối đơn giản như gùi, chõng...
![]() |
Anh Thái Đăng Tiến - Giám đốc HTX tre Trà Lân, xã Châu Khê, huyện Con Cuông bên những sản phẩm mỹ nghệ làm từ tre. |
Trước thực tế đó, từ lâu, anh Tiến đã ấp ủ làm thế nào để nâng cao giá trị cây tre, để bố mẹ và những người dân ở đây có thêm thu nhập từ loài cây này.
Dám nghĩ, dám làm, trong nhiều năm liền anh Tiến không quản khó khăn, cất công đến các làng nghề mỹ nghệ ngoài tỉnh để học hỏi cách làm. Khi có tay nghề vững, năm 2020, anh Tiến thành lập HTX mang thương hiệu Trà Lân Bambo - gắn với một địa danh quật khởi trong cuộc chiến chống quân xâm lược, gửi gắm nhiều khát vọng về sức bật và bay lên của cây tre Việt.
Tại đây, hàng ngàn sản phẩm thân thiện với môi trường được các thành viên của HTX này chế tác, như: ấm chén, khay, cốc, đũa, bát, thìa, môi, bình hoa, lọ đựng tăm, đèn lồng các loại, bàn ghế mây tre... mang lại doanh thu cho HTX trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm.
“Kể từ khi thành lập, HTX nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh, từ hỗ trợ thủ tục thành lập, hỗ trợ vay vốn đến việc đưa sản phẩm ra các hội chợ lớn. Nhờ đó, chúng tôi có niềm tin phát triển” - Giám đốc HTX Trà Lân cho biết thêm.
Nhờ có định hướng về sản phẩm mũi nhọn và thị trường đầu ra, HTX của anh Tiến lúc cao điểm tạo việc làm cho 10 lao động trực tiếp và nhiều lao động thời vụ, trong đó phần lớn là người yếu thế trong xã hội, góp phần giúp hàng trăm lao động địa phương nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo.
Anh La Văn Thắng (bản Châu Sơn, Châu Khê), một trong những lao động chủ lực tại HTX Trà Lân, chia sẻ: “Do tai nạn lao động không may mất đi 1 chân, nên có những thời gian dài anh Thắng trở thành gánh nặng của gia đình vì không làm được công việc nặng nhọc.
May mắn, anh Thắng được anh Tiến tiếp nhận, dạy nghề và tạo công ăn việc làm. Đến nay, mỗi tháng với khoản thu nhập khoảng 6 triệu đồng, là nguồn thu lớn giúp gia đình anh Thắng từng bước thoát nghèo.
Nhạy bén trước thị hiếu thị trường
Ở huyện Con Cuông còn có HTX Dược liệu Pù Mát cũng là một mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả nhiều năm nay. Nhiều năm trước đây, đồng bào chủ yếu dựa vào nông nghiệp trồng trọt manh mún, nhỏ lẻ nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng về xây dựng mô hình trồng cây dược liệu, đồng thời nắm bắt được nhu cầu sử dụng dược liệu chăm sóc sức khỏe ngày càng phổ biến từ thị trường, thời gian qua chính quyền huyện Con Cuông và liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ vật tư, phân bón, cây giống và tập huấn kỹ thuật trồng cây dược liệu, từng bước giúp HTX tạo ra những cánh đồng dược liệu rộng lớn theo tiêu chuẩn VietGAP ở miền Tây xứ Nghệ.
![]() |
HTX Dược liệu Pù Mát đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho gần 200 hộ dân với lợi nhuận từ 120-150 triệu đồng/năm. |
Cây dược liệu sạch sau khi thu hoạch, được các thành viên của HTX chế biến thành nhiều sản phẩm OCOP đạt chất lượng, trong đó có 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Các sản phẩm cà gai leo Pù Mát, dây thìa canh Pù Mát, trà hòa tan cà gai leo, viên hoàn cà gai leo,…
Tại HTX Dược liệu Pù Mát, các thành viên HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, từ sản xuất giống, trồng cây nguyên liệu đến sơ chế, chế biến thành các sản phẩm và đưa ra thị trường tiêu thụ, gồm trà dược liệu túi lọc và cao cà gai leo, giảo dây thìa canh; trà hoà tan dây thìa canh, cà gai leo; trà dược liệu giảo cổ lam.
Đến nay, HTX dược liệu Pù Mát đã thu hút khoảng 130 thành viên là các hộ dân người DTTS tham gia vào chuỗi sản xuất với diện tích hơn 15 ha nguyên liệu và mục tiêu trong tới tiếp tục mở rộng lên 32 ha với 120 thành viên tại 7 xã trên địa bàn huyện. Từ ngày hình thành HTX đã mang lại hiệu quả cho bà con DTTS. Không chỉ cung cấp giống, kỹ thuật, mà HTX còn bao tiêu sản phẩm, cả đầu vào và đầu ra cho bà con.
Thông qua mô hình liên kết, HTX Dược liệu Pù Mát đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho gần 200 hộ dân. Với giá thu mua 7.300 đồng/kg tươi, mỗi hecta cà gai leo cho doanh thu khoảng 240-270 triệu đồng, đem lại lợi nhuận cho người trồng 120-150 triệu đồng/năm.
Có thể nói, với tư duy sáng tạo, nhanh nhạy đã giúp những HTX nông nghiệp tồn tại và từng bước làm giàu trên đất nghèo của huyện Con Cuông, mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với những cây trồng truyền thống.
Những HTX với cách làm hiệu quả ở Nghệ An như đã nói trên, không chỉ tạo việc làm với thu nhập ổn định cho các thành viên, hộ gia đình mà còn góp phần tham gia vào chuỗi giá trị của các ngành hàng khác, đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường, tạo ra những vùng nguyên liệu bền vững phục vụ cho sản xuất hàng OCOP, xuất khẩu và bảo vệ môi trường nông thôn vốn là một bài toán khó hiện nay.
Những mô hình như HTX tre Trà Lân tại xã Châu Khê và HTX dược liệu Pù Mát đang cho thấy vai trò dẫn dắt của HTX trong kiến tạo sinh kế, đổi mới nông nghiệp và xây dựng nông thôn hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường.
Đồng hành từ chính sách đến hành động
Đằng sau thành công của các HTX tiêu biểu là sự đồng hành từ các cấp chính quyền, đặc biệt là Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Nghệ An.
![]() |
Trên địa bàn huyện Con Cuông, nhiều HTX dược liệu - nông nghiệp đã đầu tư hoạt động theo hướng liên kết chuỗi, xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh có quy mô lớn. |
Ông Nguyễn Bá Châu, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nghệ An, cho hay, thời gian qua tại địa phương, nhiều HTX đã đầu tư hoạt động theo hướng liên kết chuỗi, xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh có quy mô lớn trên các lĩnh vực thương mại, sản xuất chế biến nông sản, hải sản, dược liệu.
Tính đến giữa năm 2025, toàn tỉnh có 912 HTX hoạt động, với tỷ lệ 61,4% HTX hoạt động hiệu quả. Các HTX không chỉ gia tăng về số lượng mà chất lượng cũng ngày càng được cải thiện, doanh thu trung bình đạt trên 2,2 tỷ đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân người lao động đạt khoảng 59 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, các HTX đã tích cực hưởng ứng và tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát huy tốt vai trò là “bà đỡ” cho thành viên, nhất là trong việc tiêu thụ sản phẩm, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động, góp phần rất lớn thay đổi tư duy sản xuất, tăng cường liên kết cộng đồng và ổn định an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Tính từ năm 2020 đến nay, riêng trên địa bàn huyện Con Cuông đã có 36 hộ thoát nghèo và 51 hộ vươn lên cận nghèo.
Tuy nhiên, cũng theo ông Châu, hiện vẫn còn không ít HTX lúng túng trong việc tiếp cận thương mại điện tử, chưa thành thạo các hình thức bán hàng qua mạng xã hội, livestream…
Trước thực tế đó, trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Nghệ An sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm cho khu vực kinh tế tập thể. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ HTX xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ; tư vấn phát triển thương hiệu, chuẩn hóa sản phẩm theo tiêu chuẩn thị trường; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, phát triển bán hàng trực tuyến, thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX cũng sẽ tiếp tục đóng vai trò là cầu nối giữa các HTX với cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, đơn vị tiêu thụ trong và ngoài tỉnh; tổ chức các hội chợ quy mô lớn; kết nối với hệ thống phân phối hiện đại, các cửa hàng nông sản sạch; mở rộng hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử để đưa hình ảnh HTX Nghệ An ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại đến gần hơn với thị trường trong nước và quốc tế.
Hồng Hương