Góp phần vào thành quả ấy là sự phát triển mạnh mẽ của các HTX, tổ hợp tác – một trong những lực lượng trung tâm trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn bền vững tại các địa phương trong tỉnh.
Những "hạt nhân" trong cánh đồng đổi mới
Tại xã Minh Thành (nay là xã Vân Du sau sắp xếp địa giới hành chính), HTX Dịch vụ nông nghiệp và Xây dựng Minh Thành nổi lên là mô hình HTX tiên phong trong cơ giới hóa và liên kết chuỗi giá trị.
Từ năm 2023 đến nay, HTX Minh Thành đã triển khai mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa thương phẩm chất lượng cao trên 50 ha mỗi năm. Song song đó, HTX còn tổ chức cung ứng vật tư, làm đất phục vụ sản xuất cho hàng trăm ha tại địa phương.
![]() |
Chuyển đổi sản xuất hiệu quả là nền tảng xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An (Ảnh: BNA). |
Bên cạnh đó, Ban Quản trị HTX đã mạnh dạn đầu tư hơn 3 tỷ đồng để mua máy cày, máy cấy, dàn xới đất và hơn 40.000 khay mạ. Nhờ đó, các khâu sản xuất được cơ giới hóa gần như toàn diện, giúp nông dân tiết kiệm công sức, giảm chi phí và tăng năng suất.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Hiển – Giám đốc HTX, hiện nhu cầu cơ giới hóa còn rất lớn. HTX đang xây dựng kế hoạch đầu tư thêm 2 máy gặt đập liên hoàn, thiết bị bay không người lái và một số máy cấy hiện đại, với tổng kinh phí lên tới hàng tỷ đồng.
Không chỉ HTX Minh Thành mà nhiều HTX khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đang có những bước tiến mạnh mẽ. Điển hình như HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành (xã Đông Thành mới) hiện đang ứng dụng đồng bộ công nghệ hiện đại vào sản xuất hơn 500 ha lúa.
Để phát triển sản xuất, HTX Thọ Thành đã đầu tư trên 20 thiết bị, máy móc các loại, trong đó có 7 máy cấy thế hệ mới và thiết bị bay không người lái. Những cánh đồng trước kia phụ thuộc vào sức người, giờ đây đã thay bằng âm thanh của máy móc, hình ảnh của nông dân sử dụng điện thoại điều khiển thiết bị không người lái để phun thuốc, gieo mạ.
Thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao
Tại vùng biển Quỳnh Minh, HTX Nông nghiệp – Diêm nghiệp Quỳnh Minh đang trở thành điểm sáng của nông nghiệp công nghệ cao. Từ năm 2022, đơn vị đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà màng diện tích 3.000m², sản xuất dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP.
Mô hình của HTX Nông nghiệp – Diêm nghiệp Quỳnh Minh không chỉ cho năng suất cao mà còn giải quyết việc làm ổn định cho 3-5 lao động thường xuyên. Từ đó đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới địa phương.
Những năm qua, HTX liên tục đầu tư mở rộng quy mô nhà màng lên 5.000m², đồng thời đầu tư dây chuyền sấy khô rau, củ, quả trị giá 1,3 tỷ đồng. Theo ông Lê Văn Tiến – Giám đốc HTX, việc chế biến sâu giúp gia tăng giá trị sản phẩm, kéo dài thời gian bảo quản và tạo đầu ra ổn định cho hơn 960 hộ thành viên đang trồng gần 400 ha rau màu.
Tuy nhiên, bài toán về vốn đầu tư vẫn là thách thức không nhỏ. Dù được tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng, phần lớn kinh phí xây dựng nhà màng và đầu tư thiết bị chế biến sâu đều từ nội lực HTX. “Nếu có thêm các chính sách ưu đãi tín dụng, chúng tôi sẽ mạnh dạn mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh với thị trường trong và ngoài nước”, ông Tiến chia sẻ.
![]() |
HTX là nhân tố quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân ở Nghệ An (Ảnh: BNA). |
Không chỉ phát triển nông nghiệp, các HTX tại Nghệ An còn mở rộng sang lĩnh vực lâm nghiệp. Tại xã Quỳnh Thắng (giữ nguyên tên sau sắp xếp), HTX Lâm nghiệp – Tổng hợp Quỳnh Thắng hiện là một trong những đơn vị tiêu biểu trong chế biến gỗ rừng trồng.
Nhờ sự hỗ trợ vốn từ tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam, cùng Liên minh HTX tỉnh Nghệ An, HTX đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà xưởng và hệ thống dây chuyền chế biến gỗ.
Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường hàng nghìn m³ gỗ thành phẩm, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, để mở rộng quy mô, HTX vẫn rất cần được hỗ trợ về quỹ đất xây dựng trụ sở làm việc, đầu tư máy móc hiện đại và đặc biệt là giống cây trồng chất lượng cao như keo lai, bạch đàn để nâng cao giá trị rừng trồng.
Cầu nối phát triển nông thôn mới
Tính đến cuối năm 2024, Nghệ An có 888 HTX đang hoạt động, trong đó 545 HTX hoạt động hiệu quả (chiếm 61,4%). Đặc biệt, thu nhập bình quân của người lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt 59 triệu đồng/người/năm – cao hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân khu vực nông thôn.
Theo đại diện Liên minh HTX tỉnh Nghệ An, các HTX không chỉ đơn thuần là mô hình kinh tế tập thể mà còn là “mắt xích” trung tâm trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhiều HTX đã chuyển mạnh từ tư duy “dịch vụ đơn lẻ” sang sản xuất theo chuỗi, gắn với thị trường và chế biến sâu.
“Chúng tôi đang tích cực phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam triển khai các chương trình hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học công nghệ và xúc tiến thương mại. Những hỗ trợ này đã giúp nhiều HTX vượt qua giai đoạn khó khăn và khẳng định được vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Nghệ An cho hay.
Trước khi sắp xếp địa giới hành chính, toàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 300 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có hàng chục xã đang phấn đấu đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu.
Sự hiện diện của các HTX sản xuất hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, tạo việc làm và gia tăng thu nhập cho nông dân đang là nền tảng để những xã này “cán đích” các tiêu chí khắt khe hơn.
Như tại xã Thọ Thành (nay là Đông Thành), nhờ HTX đóng vai trò điều tiết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, địa phương đã duy trì hiệu quả vùng sản xuất lúa chất lượng cao trên quy mô lớn.
Dù đã có nhiều đóng góp đáng kể, song các HTX ở Nghệ An vẫn còn không ít rào cản. Đó là thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, công nghệ chế biến còn hạn chế, đầu ra sản phẩm chưa ổn định... Để tháo gỡ, cần sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền địa phương, các tổ chức tín dụng và đặc biệt là Liên minh HTX Việt Nam.
Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Nghệ An cũng đang đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị HTX, kết nối tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao khoa học kỹ thuật và xúc tiến thương mại, đồng thời kiến nghị Trung ương bổ sung chính sách tín dụng ưu đãi cho các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp.
Với sự chung tay từ người dân, HTX và chính quyền các cấp, Nghệ An đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông thôn mới bền vững. Những HTX năng động, sáng tạo không chỉ là “đầu tàu” kinh tế mà còn là trụ cột trong hành trình xây dựng những miền quê trù phú, đáng sống.
Duy Bách