Từ vùng đất vốn có nền sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc vào kinh nghiệm truyền thống, giờ đây nông dân Càng Long đã quen thuộc với việc điều khiển hệ thống tưới tiêu qua điện thoại thông minh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ vào từng vườn cây, thửa ruộng.
“Chạm” để tưới cây
Trung tâm của làn sóng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Càng Long chính là các HTX – nơi công nghệ được đưa gần hơn với người dân, nơi tạo nên chuỗi giá trị nông sản bền vững và công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
Tại xã Huyền Hội, HTX Nông nghiệp Thành Chí đang là điểm sáng trong ứng dụng chuyển đổi số vào trồng chanh không hạt. Trên diện tích 20 ha, HTX lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt thông minh. Với hệ thống này, các thành viên HTX chỉ cần “chạm” trên điện thoại để điều khiển việc tưới tiêu, đảm bảo độ ẩm phù hợp cho cây phát triển, giảm lượng nước đến 40%.
Ngoài ra, HTX còn sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) để phun thuốc sinh học theo bản đồ định vị vệ tinh, giúp tiết kiệm công lao động, bảo vệ sức khỏe người làm vườn.
![]() |
Làm nông thông minh giúp nông dân, HTX ở Càng Long nâng cao giá trị gia tăng. |
Nhờ cách làm thông minh, năng suất và chất lượng chanh của HTX được cải thiện rõ rệt, doanh thu năm 2024 của HTX đạt 450 triệu đồng. Đặc biệt, HTX đã tạo việc làm cho 25 lao động thường xuyên, phần lớn là người dân địa phương từng phải rời quê đi làm thuê ở thành phố.
“Chúng tôi mua chanh cho nông dân với giá cao hơn thị trường để giữ ổn định đầu ra. Khi có công nghệ, mình quản lý tốt hơn, bà con cũng yên tâm đầu tư”, ông Phan Đức Tài, Giám đốc HTX, chia sẻ.
Tương tự, HTX Quýt đường Thuận Phú (xã Bình Phú), cũng là một điểm sáng trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở Càng Long. Hiện, HTX đang canh tác trên diện tích 42 ha với sản lượng trung bình 200 -300 tấn mỗi năm.
Để nâng cao hiệu quả, HTX đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tự động cảm biến độ ẩm, sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học thay cho thuốc hóa học.
Trái ngọt từ “khu vườn công nghệ”
Việc ứng dụng công nghệ giúp HTX Quýt đường Thuận Phú tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và giữ chất lượng trái ổn định. Đặc biệt, sản phẩm quýt của HTX được truy xuất nguồn gốc qua mã QR, dễ dàng đưa vào các siêu thị, chuỗi bán lẻ ở Trà Vinh và các tỉnh lân cận.
Nhờ đó, doanh thu và lợi nhuận của từng thành viên HTX ngày một tăng cao, đồng thời tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động với thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Bà Phan Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX cho biết: “Công nghệ giúp chúng tôi kiểm soát sâu bệnh, quản lý mùa vụ tốt hơn. Việc nâng cao chất lượng không chỉ là yêu cầu thị trường mà còn là trách nhiệm với người tiêu dùng”.
Không chỉ các HTX, nhiều tổ hợp tác (THT) tại Càng Long cũng đang từng bước tiếp cận sản xuất theo hướng hiện đại. Như tại xã Mỹ Cẩm, THT bưởi da xanh ở ấp số 7 với 28 thành viên đã xây dựng mô hình canh tác sạch, sử dụng phân vi sinh tự ủ và chế phẩm sinh học, hạn chế phân bón hóa học để cải tạo đất và nâng cao chất lượng trái.
Với 10 ha trồng bưởi, năm 2024, THT thu hoạch được 128 tấn, mang về doanh thu 3,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau chi phí đạt 2,42 tỷ đồng. Quan trọng hơn cả, mô hình đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động tại chỗ, chủ yếu là phụ nữ trung niên, người cao tuổi – những đối tượng trước đây ít có cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất.
![]() |
Liên kết trong các HTX giúp nông dân có thêm nội lực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. |
Chị Nguyễn Thị Hiền, một lao động của THT bưởi da xanh ở ấp số 7, chia sẻ: “Trước đây tôi chỉ quanh quẩn ở nhà, giờ làm trong vườn, học thêm kỹ thuật canh tác sạch, được trả lương hàng tháng, thấy mình có ích hơn rất nhiều”.
Dễ nhận thấy, với hàng loạt chương trình hỗ trợ của ban ngành địa phương, đặc biệt là sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đang ngày càng phát triển, trở thành điểm tựa cho thành viên.
Cụ thể, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh đã triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và tài chính cho các HTX tại Càng Long. Trong đó, nổi bật là chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX, nâng cao năng lực quản trị và điều hành theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu hội nhập và chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ về cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp – đặc biệt trong lĩnh vực chế biến và bảo quản nông sản – đã giúp nhiều HTX chuyển mình mạnh mẽ. Điển hình là HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Tân Hòa được hỗ trợ đầu tư dây chuyền sơ chế rau màu, giúp nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.
Nâng tầm thương hiệu nông sản
Một trong những định hướng quan trọng mà Liên minh HTX Việt Nam thúc đẩy là xây dựng mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Tại Càng Long, các HTX như HTX Nông nghiệp Trường Phú hay HTX Trái cây An Phú đã nhận được hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp, siêu thị và các sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh cũng đẩy mạnh hỗ trợ tổ chức các hội chợ, triển lãm và xúc tiến thương mại, giúp các HTX giới thiệu sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, vai trò của HTX ngày càng được khẳng định. Với sự đồng hành sát sao từ Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh, huyện Càng Long đang từng bước xây dựng hệ sinh thái kinh tế hợp tác vững mạnh, góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững và phát triển nông thôn mới nâng cao.
Có thể nói, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ đang từng ngày làm thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp ở Càng Long. Những người nông dân vốn quen với “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, nay đã trở thành những “công nhân công nghệ” thực thụ, biết dùng điện thoại để vận hành tưới tiêu, dùng phần mềm theo dõi mùa vụ, và xây dựng thương hiệu qua mã QR, mạng xã hội.
Nhờ có sự vào cuộc đồng bộ của các HTX và chính quyền địa phương, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao không chỉ tăng năng suất, chất lượng nông sản mà còn mở rộng cơ hội việc làm, tăng thu nhập bền vững cho người dân.
Càng Long – từ một vùng quê thuần nông – đang từng bước trở thành điểm sáng trong phát triển nông nghiệp hiện đại, thông minh, thích ứng với xu thế thị trường và biến đổi khí hậu. Thành công của huyện không chỉ là câu chuyện riêng của Trà Vinh, mà còn là gợi ý thiết thực cho nhiều địa phương khác trên con đường xây dựng nền nông nghiệp bền vững, bao trùm và nhân văn hơn trong thời đại chuyển đổi số.
Nam Phong