"Việt Nam có tiềm năng rất lớn về các nguồn năng lượng tái tạo phân bố rộng trên cả nước với gần 3.400km bờ biển cung cấp nguồn năng lượng gió khoảng 500 - 1.000 kWh/m2 mỗi năm, nguồn năng lượng mặt trời phong phú với lượng bức xạ nắng trung bình 5 kWh/m2/ngày trên khắp cả nước. Hơn nữa, tiềm năng kỹ thuật của thủy điện nhỏ cũng lớn. Đây cũng là lý do vì sao các doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư sâu rộng hơn trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam", ông Patrick nói.
Tăng trưởng gắn với bảo vệ môi trường
Theo ông Nguyễn Thế Phương - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn còn dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. "Tiêu dùng năng lượng cho sinh hoạt và các hoạt động kinh tế tăng dẫn đến việc tiêu thụ nhiều năng lượng hóa thạch hơn trong khi việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo còn hạn chế. Việt Nam xác định tăng trưởng kinh tế phải đi kèm với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường", Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cũng cho rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo bao gồm năng lượng nước, gió, mặt trời, sinh khối, sinh học, địa nhiệt nếu tranh thủ được các tiến bộ KH-CN của thế giới hiện nay. Để phát triển năng lượng tái tạo phục vụ cho tăng trưởng xanh, Chính phủ cần hỗ trợ giá cho điện từ năng lượng tái tạo do giá thành cao hơn nhiệt điện, thủy điện.
![]() |
Việt Nam hiện có 77 dự án điện gió đã đăng ký
Chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới gắn với nhiệm vụ giảm khí thải CO2. Từ tháng 9/2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đặt ra mục tiêu giảm bớt lượng khí thải nhà kính 8 - 10% so với năm 2010, đồng thời giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 - 1,5% mỗi năm trong giai đoạn 2011 - 2020.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết: "Việc tìm kiếm những giải pháp thông minh để thúc đẩy phát triển năng lượng sạch cũng là một nội dung trọng tâm trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh mà Việt Nam đang thực hiện. Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch".
Là một trong những công ty Mỹ đầu tiên có mặt tại Việt Nam, GE cũng là công ty đã tạo được danh tiếng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đặc biệt là về năng lượng gió. Công ty đã cung cấp 62 tua-bin gió cho hai giai đoạn đầu tiên của dự án điện gió Bạc Liêu, và gần đây nhất là được được chọn trở thành nhà cung cấp 14 tua-bin trong giai đoạn đầu tiên của dự án trang trại gió Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Lắk. Bà Nguyễn My Lan, Tổng giám đốc GE Việt Nam và Campuchia khẳng định: "GE luôn nỗ lực đóng vai trò hỗ trợ tích cực khi nhu cầu giải pháp năng lượng tái tạo hiệu quả ngày càng tăng tại Việt Nam".
Khai thác tiềm năng hiệu quả hơn nữa
Theo thông tin được ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương đưa ra, tăng trưởng GDP của Việt Nam từ năm 2015 trở đi khoảng trên 6% sẽ cần gần 100 triệu tấn dầu quy đổi. Phát thải khí nhà kính của Việt Nam hiện chưa lớn, nhưng đến năm 2020, khí thải ước tính vào khoảng 381 triệu tấn CO2, năm 2030 lượng khí thải CO2 tăng lên gấp đôi. Đây là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và giảm khí thải nhà kính.
Hiện Việt Nam phải nhập khẩu than từ Trung Quốc, Lào và Campuchia cho phát triển nhiệt điện. Nguồn năng lượng từ hóa thạch như dầu, than sẽ dần cạn kiệt, việc phát triển năng lượng tái tạo ngày càng cấp thiết. Dự báo đến năm 2030, khi không còn nguồn năng lượng dự trữ nào cho phát triển, sẽ phải dùng đến dự án phát triển điện hạt nhân.
Nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt, trong khi Việt Nam hiện đang có tiềm năng phát triển rất lớn về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện thủy triều, điện sinh khối…). Theo các chuyên gia, Việt Nam cần có sự khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng to lớn này.
Hiện, Việt Nam có 77 dự án điện gió đã đăng ký, tổng công suất trên 7.000 MW tại 18 tỉnh trên cả nước, công suất đăng ký giai đoạn 1 là 1.488 MW. Các dự án tập trung nhiều nhất trên địa bàn 2 tỉnh là Bình Thuận (22 dự án) và Ninh Thuận (16 dự án).
Các dự án điện sinh khối thực hiện nhiều nhất từ bã mía. Hiện có 40 nhà máy đường sử dụng bã mía để cùng phát nhiệt và điện. Đối với sinh khối lỏng với khoảng 80 máy phát điện sử dụng biogas với tổng công suất gần 700 kW (bình quân 9 kW/máy) được lắp đặt phục vụ chiếu sáng và sử dụng nội bộ quy mô gia đình.
Dự án điện từ chất thải sinh hoạt, hiện mới chỉ có nhà máy điện đốt khí thu gom từ bãi chôn lấp rác đầu tiên được xây dựng tại bãi rác Gò Cát (Tp.HCM) với sản lượng trung bình 9 triệu kWh/năm. Hiện đang nghiên cứu triển khai dự án đầu tư xây nhà máy đốt rác phát điện tại bãi rác Phước Hiệp, Đa Phước.
Các dự án về năng lượng mặt trời thực hiện trong thời gian gần đây với công suất chưa lớn như: dự án điện mặt trời với công suất 154 kWp ở khuôn viên Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, pin mặt trời cho một số điểm đảo…
Nguyễn Thùy