Những tháng gần đây, Vân Hồ là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng bởi những trận mưa đá gây ra. Chỉ tính riêng trận mưa đá vào dịp Tết Nguyên đán đã khiến 80 nhà dân bị ảnh hưởng và 5ha dâu tây, cải bắp bị thiệt hại.
Tác động lớn của biến đổi khí hậu
Do là khu vực miền núi, nơi có độ dốc cao, thu nhập chính của người dân là từ nông nghiệp, mà việc sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên khi các biểu hiện thời tiết cực đoan xảy ra khiến cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn.
Theo UBND huyện Vân Hồ, tại đây mùa mưa đến muộn hơn, sương muối nhiều, hay rét đậm rét hại... dẫn tới các loại bệnh mới cũng xuất hiện trên cây trồng hoặc làm chết cây trồng trên diện tích lớn. Lượng mưa trong một trận mưa tăng nhưng lại tập trung trong một thời gian ngắn nên xảy ra các trận lũ ống, lũ quét, sạt lở cũng tăng theo.
![]() |
Mưa đá khiến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân Vân Hồ gặp khó khăn (Ảnh: TL) |
Rõ ràng, biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng rõ rệt đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, nhất là ở những địa bàn miền núi - nơi dân cư phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số như huyện Vân Hồ.
Trước thực trạng trên, chính quyền huyện Vân Hồ đã kết hợp với các tổ chức hỗ trợ người dân thay đổi sản xuất nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, các mô hình nông nghiệp phát triển bền vững, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật được đánh giá cao vì góp phần đưa cây trồng, vật nuôi phát triển tốt trong điều kiện khí hậu có nhiều biến đổi thất thường. Một số giống cây trồng hiệu quả trước đây giờ không còn thích ứng với biến đổi khí hậu, do lũ ống, lũ quét, xói mòn, bạc màu... làm suy thoái đất, buộc người nông dân, HTX phải chuyển đổi sang trồng các loại giống cây khác có khả năng thích ứng cao hơn.
Theo đó, địa phương chủ động hướng dẫn người dân, HTX nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng những ngành hàng có giá trị tiềm năng, có thị trường tiêu thụ ổn định, gắn với bảo vệ môi trường. Các mô hình này sẽ giúp nâng cao năng lực của cộng đồng để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chuyển đổi thành công
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, huyện Vân Hồ xác định mỗi địa phương cần có những giải pháp hữu hiệu phù hợp với thực tế từng vùng. Đặc biệt là cần đánh giá tình hình nông nghiệp xem có thể phát triển theo hướng hữu cơ, sinh thái hay không, sau đó chọn các loại giống mới khả năng thích nghi cao, tiến hành quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp tập trung; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cũng như vận động người dân liên kết cùng tham gia theo mô hình tổ hợp tác, HTX.
Tại HTX Chiềng Xuân, các thành viên nhận thấy trồng ngô không còn phù hợp với vùng đất dốc bạc màu. Chính vì vậy, để thích ứng với biến đổi khí hậu, HTX chuyển sang trồng các loại cây ăn quả theo hướng hữu cơ.
Các thành viên tham gia các lớp tập huấn về ứng phó biến đổi khí hậu trong nông nghiệp được tổ chức tại địa phương, sau đó từng bước ứng dụng vào sản xuất.
Tập trung sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp HTX tạo ra sản phẩm sạch, an toàn mà còn góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Diện tích cây ăn quả có thể điều chỉnh được thời gian thu hoạch giúp HTX chủ động sản xuất.
Hay HTX Nông trại hữu cơ Vân Hồ cũng đã lựa chọn các loại cây có múi như cây cam, bưởi và chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ.
![]() |
Chuyển đổi sản xuất sang trồng theo hướng hữu cơ, sinh thái giúp nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu |
Các thành viên luôn coi trọng sản xuất sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học. Chế phẩm HTX dùng để phun cho toàn bộ diện tích cây cam đường canh, cam Vinh được nhập từ Nhật, là dạng nấm sinh học. Cùng với đó, định kỳ cho cây cam được bổ sung đậu tương, ngô nghiền nhỏ ủ chung với nấm phân giải hữu cơ.
Theo anh Vũ Hùng Cường, Giám đốc HTX Vân Hồ, người nông dân không kiên trì hay không chuyển đổi sang mô hình trồng hữu cơ vì thời gian đầu trồng thấy cây bị cằn, cây bị suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, chỉ sau 2 - 3 năm là cây phát triển rất tốt, không phải phun thuốc bảo vệ thực vật, đất cũng không bị bạc màu.
Chuyển đổi cây trồng, thay đổi từ sản xuất thông thường sang áp dụng các phương pháp sản xuất theo hướng bền vững tại các HTX giúp người dân hiểu thêm về biến đổi khí hậu tác động tới đời sống con người, nhất là trong sản xuất nông nghiệp như thế nào.
Từ những kiến thức học được trong thực tiễn đã giúp nông dân nâng cao kiến thức và biết phải làm gì phát triển HTX của mình theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế tác động của biến đổi khí hậu tại địa phương.
Huyền Trang