Thực tế cho thấy, những HTX giải thể hoặc dừng hoạt động chỉ là số ít, không ảnh hưởng lớn đến các mô hình kinh tế tập thể kiểu mới đang phát triển nhanh và mạnh trên địa bàn thị xã. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá những hạn chế để có giải pháp điều chỉnh phù hợp, tạo động lực cho mô hình HTX kiểu mới tiếp tục đi lên.
![]() |
Hồi sinh những triền dâu ở HTX Nông nghiệp Điện Quang (Ảnh: Tư liệu) |
Tháo gỡ khó khăn
Điện Bàn nằm trong khu vực có chế độ khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển các cây trồng nông nghiệp như lúa màu, cây thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày. Tuy nhiên, do chế độ mưa phân hoá theo mùa trong năm không đồng đều gây khô hạn, nhiễm mặn trong mùa khô và bão thường xảy ra vào các tháng 9, 10, 11 kết hợp với các trận mưa lớn gây lũ lụt, xói lở khu vực ven sông làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt đời sống của nhân dân.
Trong thời gian qua, hoạt động của các HTX trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp còn hạn chế, chưa hình thành được các HTX trong lĩnh vực này. Một số ngành nghề như điêu khắc gỗ nghệ thuật, mây tre đan ngày càng phát triển mạnh nhưng chủ yếu là hộ gia đình, chưa tạo tính liên kết hình thành các HTX.
Thực tế hiện nay, điều kiện và kết quả hoạt động của các HTX trên địa bàn thị xã còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều HTX đã giải thể, chỉ có khoảng 35% HTX nông nghiệp hoạt động ổn định có lãi và phục vụ tốt nhu cầu thành viên, số còn lại chưa thích nghi được với cơ chế thị trường, hoạt động cầm chừng
Bên cạnh đó, các HTX tại Điện Bàn vẫn hoạt động đơn lẻ, thiếu sự liên kết theo hệ thống, phạm vi hoạt động nhỏ hẹp, thiếu vốn, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu, trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ HTX còn hạn chế; ngành nghề sản xuất kinh doanh còn ít, chủ yếu là các HTX nông nghiệp.
Việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và công nghệ lạc hậu là những yếu tố liên quan đến khối lượng, chất lượng hàng hóa. Số lượng ít, chất lượng thấp và không đồng đều là rào cản lớn cho việc tiếp cận thị trường của các HTX nông nghiệp ở Điện Bàn.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Tổ chức phát triển Hà Lan CNV (Agriterra) xây dựng kế hoạch phát triển HTX nông nghiệp (giai đoạn 2018 - 2020). Agriterra đã mời các chuyên gia từ Hà Lan tới đánh giá các dịch vụ do Trung tâm Tư vấn - Hỗ trợ HTX và doanh nghiệp vừa & nhỏ (thuộc Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam) cung cấp. Qua đó, xác định lỗ hổng trong nhu cầu và cung ứng dịch vụ nhằm hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp hóa các dịch vụ cung cấp cho HTX dựa trên nhu cầu thực tế và xây dựng chiến lược hoạt động để trung tâm này phát triển bền vững về mặt tài chính, tạo ra mức độ cam kết cao hơn cho các thành viên tham gia hệ thống dịch vụ.
HTX tiêu biểu điển hình
Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa là nghề truyền thống có từ lâu đời ở tỉnh Quảng Nam. Trước đây, nghề này đã có những đóng góp rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong tỉnh.
Năm 2018, HTX Nông nghiệp Điện Quang (thị xã Điện Bàn) đã phối hợp với CTCP Tơ lụa Hội An trồng thí điểm 5ha dâu tại bãi bồi xã Điện Quang. Những hộ tham gia trồng dâu được HTX hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc; hỗ trợ cả công nghệ hiện đại trong quá trình nuôi tằm, kéo kén, ươm tơ và dệt lụa.
Theo ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang: “Với việc trồng thí điểm 3ha dâu giống GQ2 và 2ha dâu giống G7 của Lâm Đồng ở ven sông Thu Bồn, chương trình đã thu hút nhiều hộ trong vùng tham gia. Những hộ tham gia trồng dâu được HTX hỗ trợ cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Từ nay đến năm 2025, HTX sẽ nâng diện tích trồng dâu lên 200ha. Hy vọng rằng việc khôi phục lại nghề truyền thống này sẽ thành công”.
Trong 2 năm qua, người trồng dâu nuôi tằm ở đây đã được hỗ trợ kinh phí mua các loại vật tư, phân bón, khoan giếng bơm, mua sắm dụng cụ và được hỗ trợ kỹ thuật để mở rộng diện tích trồng dâu, tăng quy mô nuôi tằm trong từng hộ gia đình. Các HTX đứng ra làm đầu mối bao tiêu toàn bộ số kén với giá không dưới 140.000 đồng/kg cho người trồng dâu, nuôi tằm. Từ đó, nghề trồng dâu nuôi tằm bước đầu đã tìm lại được vị trí và giá trị của mình.
![]() |
Mô hình nuôi bò công nghệ cao ở HTX chăn nuôi Công nghệ cao Gò Nổi là hướng đi mới trong ngành phát triển chăn nuôi (Ảnh: Tư liệu) |
Hay như HTX tuy chỉ mới thành lập nhưng cũng đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, điển hình là HTX chăn nuôi Công nghệ cao Gò Nổi (xã Điện Quang). Được thành lập 10/2019, HTX gồm 7 thành viên.
Mục tiêu của HTX là tổ chức nuôi bò tập trung theo công nghệ cao để làm trung tâm chuyển giao kỹ thuật cho hộ nông dân; xây dựng nhà máy chế biến thức ăn cho bò, liên kết với hộ nông dân trồng bắp thương phẩm, cây sắn, cỏ để bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm nguyên liệu chế biến thức ăn cho bò; liên kết với hộ nông dân cung cấp giống bò, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp thức ăn và các loại thuốc thú y phòng trừ dịch bệnh.
Toàn bộ thịt bò mà người chăn nuôi bán ra được HTX cam kết bao tiêu. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2024, HTX phấn đấu sản xuất, cung cấp và tiêu thụ từ 5.000 - 10.000 con bò 3B (giống bò thịt chuyên dùng để lấy thịt cao sản có nguồn gốc từ Bỉ); phấn đấu tạo việc làm thường xuyên cho 20 - 30 lao động/năm; thu hút thêm từ 5-7 thành viên mới tham gia HTX mỗi năm.
Theo đó, từ đầu năm 2020, HTX chăn nuôi Công nghệ cao Gò Nổi sẽ hướng dẫn người dân các xã Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang xây dựng hệ thống chuồng trại sử dụng đệm lót sinh học và chuyển giao rộng rãi kỹ thuật chăn nuôi – thú y. Đồng thời, đơn vị xúc tiến ký hợp đồng liên kết nuôi bò cao sản 3B và Charolais theo chuỗi giá trị với khoảng 2.000 hộ dân ở 3 xã thuộc vùng Gò Nổi.
HTX chịu trách nhiệm cung ứng con giống đầu vào cho người dân đảm bảo chất lượng tốt. Trong quá trình nuôi, các nông hộ sẽ được đội ngũ cán bộ kỹ thuật của đơn vị hỗ trợ tiêm ngừa vắc xin và phòng trị bệnh cho bò.
Không chỉ vậy, HTX sẽ thu mua các phế phụ phẩm nông nghiệp ở địa phương đưa về cơ sở chế biến thành thức ăn tinh rồi sau đó cung cấp cho nông dân với mức giá rẻ hơn ít nhất 40% so với thị trường. Đặc biệt, đơn vị sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân.
Mô hình nuôi bò công nghệ cao do HTX chăn nuôi Công nghệ cao Gò Nổi liên kết với nông dân triển khai đang thổi một luồng sinh khí mới về tương lai phát triển ngành chăn nuôi theo hướng mới của bà con nông dân xứ Quảng. Hy vọng rằng mô hình này sẽ được nhân rộng hơn nữa và giúp đỡ nhiều hộ nông dân thoát nghèo.
Ngọc Giang