Việc sáp nhập Đồng Nai và Bình Phước được xác định là tạo ra một không gian kinh tế rộng lớn hơn. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai mới là hơn 728 ngàn héc ta, gấp 2,6 lần so với diện tích cũ.
Cú hích chiến lược cho nông nghiệp
Một trong những lợi thế lớn nhất của việc sáp nhập là khả năng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, tạo điều kiện cho việc áp dụng công nghệ cao, cơ giới hóa và quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Sau sáp nhập, diện tích cây hàng năm của tỉnh đạt khoảng 150,5 ngàn héc ta, tập trung các cây trồng chính như bắp, lúa, rau màu các loại.
Tỉnh Đồng Nai mới tiếp tục là "thủ phủ" cây công nghiệp và ăn trái của cả nước với tổng diện tích cây lâu năm đạt hơn 609 ngàn héc ta. Trong đó, diện tích cây công nghiệp lâu năm đạt gần 511,5 ngàn héc ta. Một số cây công nghiệp chủ lực có diện tích thuộc top đầu cả nước như: cao su, điều, hồ tiêu.
![]() |
Nhiều vùng trồng sầu riêng ở Đồng Nai được đánh giá cao về chất lượng. |
Tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh cũng đạt gần 97,6 ngàn héc ta, tập trung vào các cây chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao như: sầu riêng, chuối cấy mô xuất khẩu, bưởi, xoài, chôm chôm... Trong đó, vài năm gần đây, diện tích cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng nhanh do cây trồng này mang lại lợi nhuận cao.
Không chỉ tăng nhanh về diện tích, nông dân, HTX trồng sầu riêng quan tâm đầu tư giống đặc sản cho giá trị cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, làm mã số vùng trồng xuất khẩu để tăng lợi thế cạnh tranh cho cây trồng này. Tỉnh Đồng Nai mới thuộc top đầu cả nước về số lượng mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.
Tỉnh Đồng Nai mới có lợi thế đã hình thành được những vùng chuyên canh sầu riêng quy mô lớn, đạt chuẩn an toàn, nhất là chưa phát hiện tình trạng bị nhiễm Cadimi đang là rào cản xuất khẩu sầu riêng hiện nay. Tỉnh Đồng Nai mới cũng có nhiều mô hình trồng sầu riêng hiệu quả như: Queen Farm, trang trại trồng sầu riêng công nghệ cao quy mô lớn tại xã Đăng Hà; HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Sơn (xã Phú Lâm) là đơn vị có diện tích mã số vùng trồng xuất khẩu lớn nhất tỉnh với 350 héc ta…
Hình thành thủ phủ chăn nuôi công nghiệp
Sau khi sáp nhập, tổng đàn heo của tỉnh được dự báo sẽ đạt hơn 4,1 triệu con; tổng đàn gia cầm đạt 35,9 triệu con. Trong khi tổng đàn heo trên cả nước là 31,8 triệu con, tổng đàn gia cầm đạt 584,4 triệu con. Như vậy, tỉnh Đồng Nai mới tiếp tục giữ vị trí là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước với tổng đàn lớn.
Đặc biệt, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang hướng công nghiệp với quy mô hàng hóa lớn. Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi đạt nhiều kết quả tích cực với nhiều mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất hiện nay như: mô hình chăn nuôi của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Long Thành Phát, HTX chăn nuôi Sinh Học, HTX Chăn nuôi Công nghệ cao Đồng Phú (trước đây thuộc tỉnh Bình Phước)...
![]() |
HTX Long Thành Phát là một trong những điển hình chăn nuôi công nghệ cao. |
Ngoài các vật nuôi chủ lực, với hàng ngàn héc ta nuôi trồng thủy sản cùng diện tích mặt nước sông suối, ao hồ lớn, tỉnh Đồng Nai có lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản. Giá trị sản xuất ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh luôn đứng top đầu về mức tăng trưởng. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm công nghệ cao cho lợi nhuận tốt không ngừng được nhân rộng. Cụ thể, giá trị sản xuất/héc ta nuôi tôm công nghệ cao đạt từ 700-800 triệu đồng, thuộc top đầu về thu nhập so với các mô hình sản xuất khác.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang chú trọng phát triển một số đối tượng vật nuôi có giá trị kinh tế cao như ngành yến sào. Đồng Nai đang đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ về phát triển nghề nuôi yến với khoảng 1.370 nhà nuôi yến, sản lượng khoảng 15 tấn/năm.
HTX – chìa khóa nâng cao giá trị nông sản và thu nhập
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, HTX được xem là mô hình tối ưu để tập hợp sức mạnh của các hộ nông dân, từ đó tạo ra những chuỗi giá trị nông sản hiệu quả. Thông qua HTX, bà con nông dân có thể tăng cường sức mạnh đàm phán. Thay vì mỗi hộ kinh doanh riêng lẻ, HTX đại diện cho một nhóm lớn các thành viên, giúp họ có tiếng nói mạnh mẽ hơn khi đàm phán với các nhà cung cấp vật tư nông nghiệp, các doanh nghiệp thu mua, chế biến và phân phối. Điều này giúp giảm chi phí đầu vào và tăng giá bán đầu ra.
HTX có thể đầu tư vào việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản của mình, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm (VietGAP, GlobalGAP) để thâm nhập vào các thị trường khó tính, cả trong nước và quốc tế. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến, tiêu thụ sẽ giúp sản phẩm có đầu ra ổn định và giá trị cao hơn.
Các HTX hoạt động hiệu quả thường được Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ kết nối, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, các chương trình hỗ trợ của Nhà nước về đào tạo, tập huấn, xúc tiến thương mại.
Sau khi sáp nhập, chính quyền Đồng Nai mới sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ thành lập và phát triển các HTX nông nghiệp kiểu mới. Thực chất, địa phương này đã có nhiều HTX hoạt động hiệu quả, làm nền tảng để tiếp tục phát triển mô hình kinh tế tập thể, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân và thúc đẩy công cuộc giảm nghèo tại địa phương.
Tiêu biểu như HTX Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước (thuộc tỉnh Bình Phước cũ) đã thí điểm số hóa rất nhiều cơ sở gia công chế biến sản phẩm hạt điều Bình Phước dựa trên nền tảng AutoAgri. HTX có chức năng phổ cập sổ nhật ký điện tử vườn cho nông dân, giúp hệ thống hóa số liệu, chủ động kết nối cung - cầu. Đồng thời, tư vấn về vật tư, phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thiết kế vườn, sử dụng công nghệ trong chăm sóc vườn.
HTX xây dựng chuỗi kết nối nông dân với kênh thu mua cuối cùng, giảm bớt khâu trung gian, mang lại tính ổn định cho nông sản. Để nâng cao hiệu quả, HTX giới thiệu và ứng dụng máy bay không người lái phục vụ phun thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả.
Nhờ đầu tư bài bản, HTX được các doanh nghiệp xuất khẩu lớn tìm đến thu mua với giá cao hơn 20-30% so với những nông sản sản xuất thông thường. Doanh thu ổn định, thu nhập của các thành viên HTX được cải thiện rõ rệt, nhiều hộ liên kết và người dân địa phương được hỗ trợ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
HTX Chăn nuôi Công nghệ cao Đồng Phú (trước đây thuộc Bình Phước) cũng đi đầu về việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi heo và gà theo mô hình trang trại khép kín, ứng dụng công nghệ làm mát tự động, hệ thống cho ăn uống tự động, xử lý chất thải hiện đại. HTX đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất với một công ty thức ăn chăn nuôi lớn và một chuỗi siêu thị thực phẩm. Công ty thức ăn chăn nuôi cung cấp con giống, thức ăn và hỗ trợ kỹ thuật, còn chuỗi siêu thị bao tiêu toàn bộ sản phẩm thịt heo, thịt gà đạt chuẩn. Việc liên kết này giúp các thành viên HTX giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh, biến động giá cả thị trường và đảm bảo đầu ra ổn định. Thu nhập của các hộ thành viên tăng lên đáng kể, giúp nhiều gia đình có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, đầu tư cho giáo dục con cái.
Một mô hình kinh tế tiêu biểu khác là HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Long Thành Phát (thuộc Đồng Nai). HTX đã đầu tư trang trại nuôi gà theo mô hình khép kín. Hệ thống làm mát tự động, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió sẽ được điều chỉnh tự động theo từng ngày tuổi của con gà.
Việc nắm được những thông số kỹ thuật cần thiết trong trang trại, người nuôi có thể chủ động kiểm soát, ngăn chặn tối đa mầm bệnh và tác nhân gây bệnh cho gà từ bên ngoài. Nhờ vậy, tỷ lệ hao hụt thấp, năng suất chăn nuôi tăng gấp 3 lần so với mô hình nuôi thông thường.
Hiện, tổng đàn gà của HTX là gần 2 triệu con. Nếu chăn nuôi thông thường cần khoảng hơn 300 lao động làm việc liên tục, tuy nhiên nhờ ứng dụng công nghệ cao, HTX chỉ cần 100 người làm việc, trung bình mỗi người có thể nuôi được khoảng 30.000 con gà.
Có thể thấy, sự sáp nhập giữa Đồng Nai và Bình Phước để hình thành tỉnh Đồng Nai mới là một cơ hội vàng để khai thác tối đa tiềm năng nông nghiệp của cả hai địa phương. Thông qua việc phát triển mạnh mẽ mô hình HTX, Đồng Nai mới không chỉ giúp nông dân chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang kinh tế nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn mà còn tạo ra những chuỗi giá trị bền vững, tiếp tục nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân, từ đóng góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách hiệu quả và bền vững.
Tùng Lâm