Chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương, người đứng sau sự thành công của mô hình lê Nà Pài, chia sẻ một câu chuyện đầy xúc động về hành trình khởi nghiệp từ những gian khó.
Khát vọng đổi đời
"Tôi sinh ra trong một gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã, bố mẹ quanh năm vất vả. Có người nói "Người ta sinh ra đã ở vạch đích, còn tôi bắt đầu từ vạch xuất phát…", nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy buồn hay mặc cảm vì điều đó. Ngược lại, chính hoàn cảnh đã rèn cho tôi sự kiên cường và ý chí vươn lên”, nữ giám đốc HTX kể.
Năm nay, với sự đồng lòng của gia đình, chị và những người thân đang tích cực hưởng ứng chương trình xóa nhà tạm, cùng địa phương xây dựng mái ấm vững chãi cho bố mẹ – như một cách báo đáp những tháng ngày nhọc nhằn họ đã trải qua. Đó không chỉ là câu chuyện của riêng gia đình giám đốc HTX này, mà còn là tâm thế chung của rất nhiều người dân tộc thiểu số nung nấu ý chí tự làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
![]() |
Cây lê được trồng theo phương pháp hữu cơ. |
"Chúng tôi cũng đặt mục tiêu giúp người thân, người dân thoát nghèo trong thời gian tới từ việc cải thiện kinh tế bằng chính đôi tay và sức lao động của mình. Từng bước một, chúng tôi sẽ đưa ra kế hoạch cho gia đình, người dân là phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao đời sống và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn ngay trên mảnh đất nơi mình đã sinh ra", chị Ma Thị Ninh khẳng định. Đó là tầm nhìn chiến lược, không chỉ dừng lại ở quy mô hộ gia đình mà còn lan tỏa ra cả cộng đồng, cùng nhau xây dựng một vùng quê sung túc hơn.
"Cực phẩm" vùng cao sạch từ gốc
HTX Yến Dương từng phát triển rất mạnh mẽ các loại nông đặc sản địa phương bằng hình thức liên kết với hàng chục tổ hợp tác (THT) khác nhau. Và một trong những điểm nhấn trong hành trình liên kết và phát triển kinh tế của HTX chính là liên kết với THT Nà Pài với mô hình trồng lê VH6.
Giống lê này đã tròn 7 năm canh tác tại đây, bắt đầu cho quả từ năm thứ 4, nằm trong khuôn khổ mô hình "Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất Lê tại tỉnh Bắc Kạn" trước đây. Quả lê của THT Nà Pài là giống VH6, nâu nhạt, thơm giòn ngon ngọt, mọng nước. Mà theo nhận xét của nhiều khách hàng, đối tác ở dưới xuôi thì quả lê VH6 của THT “đúng chuẩn cực phẩm vùng cao”.
![]() |
Mối liên kết THT-HTX giúp nâng cao giá trị của quả lê. |
Điều đặc biệt làm ra giá trị của quả lê không chỉ ở hương vị, mà còn ở quy trình canh tác. Khác biệt hoàn toàn với nhiều loại nông sản trên thị trường, lê của THT Nà Pài được trồng theo phương pháp hữu cơ. Quy trình canh tác, xử lý cỏ dại, sâu bệnh chủ yếu bằng thủ công và những loại dung dịch thảo mộc tự pha chế, hay bẫy dính treo tự làm, nói không với hóa chất.
Người dân vùng cao thường ăn luôn lê tại gốc và các gốc lê đều để cỏ mọc tùm lum tùm đủ cho thấy loại quả này sạch cỡ nào. Đây là lời khẳng định chân thật nhất về sự an toàn và chất lượng của sản phẩm, dựa trên niềm tin và thực tế canh tác của THT. Đây chính là một trong những yếu tố giúp sản phẩm của THT Nà Pài nhận được sự đón nhận nhiệt tình từ người tiêu dùng và giúp HTX Yến Dương tự tin cung cấp ra thị trường.
Nâng cao giá trị, gắn kết cộng đồng
Mặc dù sản lượng lê của THT Nà Pài chưa thực sự lớn, nhưng mỗi mùa vụ, những trái lê chất lượng cao đều được tiêu thụ hết sức thuận lợi. Giám đốc HTX Yến Dương cho biết việc liên kết cùng THT Nà Pài không chỉ giúp HTX mở rộng chuỗi giá trị hàng hóa nông sản đặc trưng mà còn thể hiện tinh thần tương trợ, gắn kết cộng đồng, cùng nhau làm nông nghiệp, cùng nhau tiêu thụ sản phẩm để nâng cao đời sống của người dân vùng cao.
Năm nay, THT Nà Pài và HTX Yến Dương còn chú trọng hơn đến khâu bao bì, mẫu mã sang trọng, đẹp tiện lợi rất phù hợp để người tiêu dùng có thể mua lê làm quà biếu tặng. Điều này cũng cho thấy sự chuyên nghiệp hóa trong chiến lược tiếp thị, từng bước đưa sản phẩm vươn xa hơn của mô hình kinh tế tập thể. Với mức giá 225.000 đồng cho một set hộp 5kg, loại lê nhỡ từ 5-7 quả/kg hoặc loại 1 to đẹp từ 3-4 quả/kg, lê Nà Pài không chỉ mang đến giá trị dinh dưỡng mà còn khẳng định được thương hiệu một đặc sản vùng cao.
Đặc biệt, lê VH6 có ưu điểm là hoa ra muộn hơn đào và mận nên có thể tránh được thời điểm rét đậm trong mùa đông, thời gian thu hoạch vào tháng 7 (sau khi thu hoạch đào, mận) và chín trước một số giống lê địa phương khác khoảng 1 tháng nên HTX Yến Dương rất thuận lợi cho việc tiêu thụ.
Theo tính toán của người dân, với giá bán 30.000 – 50.000 đồng/kg, giá trị thu được từ cây lê VH6 là hơn 2 triệu đồng/cây, bình quân đạt 320 - 400 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, nếu chăm sóc tốt, những vườn lê này còn mở ra hướng phát triển du lịch trải nghiệm cho địa phương. Bởi nếu hình thành vùng trồng lê tập trung, khi mùa hoa nở trắng tinh sẽ rất thu hút du khách đến chụp ảnh, tham quan. Ngoài ra, đường giao thông được đầu tư đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến trải nghiệm, hái quả trực tiếp khi mùa quả chín, đây cũng là cách giúp người dân tiêu thụ, quảng bá sản phẩm.
Câu chuyện về quả lê của THT Nà Pài và sự chung tay của HTX Yến Dương là một ví dụ điển hình về việc phát triển nông nghiệp bền vững, gắn kết với cộng đồng và nâng cao đời sống, giảm nghèo cho người dân vùng núi. Những quả lê được đánh giá cao về chất lượng và đang được tiêu thụ thuận lợi chính là “vị ngọt” không chỉ cho người tiêu dùng mà còn là “vị ngọt” của thành công của người dân vùng cao.
Trí Chiến