Sự chuyển dịch theo hướng hiện đại, giàu khoa học kỹ thuật không chỉ tạo ra giá trị gia tăng vượt trội, nâng cao thu nhập cho thành viên HTX mà còn trở thành động lực quan trọng thúc đẩy xây dựng kinh tế xã hội địa phương và xóa đói giảm nghèo.
“Trái ngọt” từ đổi mới tư duy sản xuất
Ở miền núi phía Bắc, nơi từng được xem là vùng “trũng” của kinh tế - kỹ thuật, HTX nông nghiệp Hảo Anh (xã Vạn Hòa, nay thuộc phường Lào Cai, tỉnh Lào Cai) đang trở thành một hình mẫu tiêu biểu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống gạo đặc sản Séng Cù.
![]() |
Làm nông nghiệp theo tư duy mới giúp nông dân, HTX tăng hiệu quả kinh tế. |
Từ quy mô ban đầu chỉ 20,5 ha, đến nay HTX Hảo Anh đã mở rộng vùng nguyên liệu lên hàng trăm ha, liên kết sản xuất với 63 hộ dân, mang lại doanh thu hơn 9 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Giám đốc HTX Hảo Anh, bà Phạm Thị Hảo, cho biết: “Chúng tôi áp dụng đồng bộ từ khâu chọn giống, canh tác, theo dõi điều kiện đất, nước bằng phần mềm chuyên dụng, đến chế biến, đóng gói với dây chuyền hiện đại. Từ năm 2024, HTX còn sử dụng nhật ký điện tử, hệ thống giám sát bằng camera, tem truy xuất QR và phần mềm quản lý bán hàng để đảm bảo tính minh bạch, an toàn thực phẩm”.
Không chỉ dừng lại ở sản xuất, HTX Hảo Anh đã đầu tư 4,5 tỷ đồng để mua máy gặt, thiết bị bảo quản và dây chuyền đóng gói, góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị. Nhờ đó, sản phẩm gạo Séng Cù không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn có thể tham gia các kênh thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong nước và quốc tế.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế, mô hình của HTX Hảo Anh còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc khi giúp 63 hộ dân trong vùng liên kết có thu nhập ổn định, người lao động được đóng bảo hiểm xã hội, giảm thiểu rủi ro mùa vụ và nâng cao trình độ sản xuất, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Cũng là một điểm tựa trong xóa đói giảm nghèo tại địa phương, HTX nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát (xã Kim Bình mới, tỉnh Tuyên Quang) đang tạo dấu ấn khi phát triển thành công các sản phẩm đặc sản địa phương như trà túi lọc, chuối sấy, đậu đen xanh lòng. Nhờ mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến sâu, sản lượng và thị trường tiêu thụ của HTX đã tăng trưởng nhanh chóng.
Đòn bẩy xóa đói, giảm nghèo
Từ 43.000 sản phẩm năm 2021, đến nay HTX nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát đã cung ứng hơn 100.000 sản phẩm ra thị trường, trong đó một số mặt hàng đã vươn ra thị trường quốc tế như Thái Lan, Vương quốc Anh…
“Chúng tôi đang từng bước thay thế phương pháp chế biến thủ công bằng thiết bị bán tự động, áp dụng kỹ thuật sấy khô hiện đại, đóng gói hút chân không... giúp sản phẩm giữ được hương vị và bảo quản lâu hơn”, bà Đặng Thị Sính, Giám đốc HTX chia sẻ.
Đáng chú ý, HTX Hồng Phát đã liên kết với 55 hộ dân tộc H’Mông tại xã Tri Phú (mới), hình thành vùng nguyên liệu trồng đậu đen xanh lòng rộng 59ha. Với phương thức canh tác rải vụ và chọn giống mới, mỗi ha canh tác có thể cho thu nhập lên tới 180 triệu đồng/năm – cao hơn 10-15 triệu đồng so với các loại cây trồng khác.
Chị Phạm Thị Hồng, một thành viên của HTX, cho biết: “Tôi tham gia mô hình liên kết đã hơn ba năm. Nhờ được HTX hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, thu nhập của gia đình ổn định, trung bình 120 triệu đồng/năm. Không chỉ có việc làm mà tôi còn học được cách làm nông nghiệp bài bản, hiệu quả”.
Thực tế chứng minh mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao đang là hướng đi hiệu quả giúp khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Việc tích tụ ruộng đất, tổ chức vùng nguyên liệu lớn và liên kết sản xuất chặt chẽ với doanh nghiệp tiêu thụ giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, từ đó gia tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, làm giàu tại địa phương.
![]() |
Các HTX đóng vai trò tiên phong trong tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương. |
Các HTX tiên phong trong chuyển đổi số như Hảo Anh, Hồng Phát không chỉ đầu tư vào thiết bị sản xuất mà còn triển khai quản lý thông minh, truy xuất nguồn gốc, phát triển thương mại điện tử – điều vốn được xem là “khó với nông dân miền núi”. Những thay đổi này cho thấy, khi người nông dân được hỗ trợ đúng hướng, họ hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trong hành trình đưa công nghệ đến gần hơn với nông dân và các HTX, không thể không nhắc đến vai trò tích cực của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX các tỉnh.
Những năm qua, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX các tỉnh đã triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ như đào tạo kỹ thuật, tập huấn quản trị HTX, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, kết nối xúc tiến thương mại, phát triển nhãn hiệu tập thể và đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm.
Hướng đi dài hơi, bền vững
Đặc biệt, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước để tổ chức các hội thảo, diễn đàn ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh. Nhiều HTX tại các tỉnh miền núi đã được thụ hưởng các chương trình hỗ trợ này và từng bước “công nghiệp hóa” sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Ngoài ra, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX các tỉnh còn tạo điều kiện để một số HTX tiêu biểu tham gia các hội chợ quốc tế, xây dựng gian hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như Voso, Postmart, Shopee... giúp quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn, thu hút đối tác, mở rộng kênh tiêu thụ.
Thực tế cũng cho thấy, những HTX chủ động đổi mới công nghệ, tập trung chế biến sâu không chỉ tăng giá trị sản phẩm mà còn tạo việc làm bền vững, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho hàng trăm hộ gia đình tại địa phương. Đây cũng là nền tảng quan trọng để xây dựng kinh tế nông thôn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.
Như chia sẻ của bà Đặng Thị Sính, Giám đốc HTX Hồng Phát: “Chúng tôi xác định, nếu cứ bán nông sản thô thì chỉ mãi loanh quanh chuyện “được mùa rớt giá”. Muốn vươn xa thì phải có hướng đi riêng, có công nghệ, có chế biến và thương hiệu. Đây là chiến lược dài hạn của HTX và cả cộng đồng sản xuất địa phương”.
Trong bức tranh tổng thể về tái cơ cấu nông nghiệp, các HTX không còn là “vai phụ” mà đang trở thành tác nhân chính, góp phần khẳng định vai trò của kinh tế hợp tác trong phát triển nông thôn hiện đại. Khi mỗi HTX là một điểm sáng đổi mới, là “hạt nhân” liên kết vùng nguyên liệu, thì nông nghiệp Việt Nam sẽ có đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững hơn trong kỷ nguyên công nghệ.
Từ những mô hình HTX điển hình như Hảo Anh (Lào Cai), Hồng Phát (Tuyên Quang) và sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam, có thể thấy rằng công nghệ cao và chế biến sâu chính là chìa khóa giúp người nông dân vươn lên thoát nghèo, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng kinh tế xã hội ở khắp các vùng miền của Tổ quốc.
An Chi