![]() |
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng việc hoàn thiện tổ chức, hoạt động của Liên minh HTX Việt Nam là rất quan trọng. |
Tại Hội thảo “Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Liên minh HTX Việt Nam trong tình hình mới”, chiều ngày 11/7, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng, mặc dù đóng vai trò quan trọng trong việc đại diện, hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác, Liên hiệp HTX và đóng góp vào sự phát triển của khu vực KTTT, HTX nhưng Liên minh HTX Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức nhất định.
Những "điểm nghẽn" cần tháo gỡ
Theo Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân, việc chưa xác định rõ tính chất, địa vị pháp lý của Liên minh HTX Việt Nam đã gây ra sự khó khăn cho đơn vị trong quá trình hoạt động. Điều này được thể hiện trong Luật HTX qua từng thời kỳ (Luật HTX 1997 quy định Liên minh HTX Việt Nam là tổ chức phi chính phủ, Luật HTX 2003 là tổ chức kinh tế xã hội, Luật HTX 2012 và 2023, Nghị quyết số 20-NQ/TW là tổ chức đại diện của các HTX, liên hiệp HTX).
Tất cả các địa vị pháp lý này chưa được cụ thể hóa trong quản lý của Nhà nước và tổ chức hoạt động của Liên minh HTX các cấp. Liên minh HTX Việt Nam đang định vị lại mô hình hoạt động theo tổ chức hội đặc thù, tổ chức xã hội nghề nghiệp hay tổ chức chính trị- xã hội- nghề nghiệp… Điều này gây khó khăn cho Liên minh HTX Việt Nam trong quá trình tổ chức hoạt động sao cho đúng pháp lý, đúng chức năng, yêu cầu trong thời đại mới, đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Trước thực tế mà Liên minh HTX Việt Nam đang gặp phải, TS Nguyễn Tiến Định, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&MT), cho rằng trong bối cảnh mới, khi Đảng và Nhà nước sắp xếp tinh gọn bộ máy thì Liên minh HTX Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các HTX, liên hiệp HTX và tổ hợp tác trên cả nước; là tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp có vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể; là "cầu nối" quan trọng, góp phần thể chế hóa và triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT, HTX.
![]() |
TS Nguyễn Tiến Định, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đóng góp ý kiến. |
Còn bản thân các HTX, trong thời kỳ mới lại có những nhu cầu mong muốn được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ như: bảo vệ quyền lợi ích-cụ thể là việc Liên minh HTX Việt Nam nắm bắt kịp thời những khó khăn, cung cấp các dịch vụ thiết thực như đào tạo, tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi số.
Ngoài ra, HTX mong muốn Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất theo quy mô lớn, hình thành các vùng nguyên liệu và chuỗi giá trị. Như vậy, ngay với mong muốn này, Liên minh HTX Việt Nam cần nắm bắt được nhu cầu của các HTX, nhưng không thể đơn thuần là nắm được nhu cầu của một hai HTX mà phải nắm được nhu cầu của nhiều HTX ở cả một vùng rộng lớn. Đi liền với đó, Liên minh HTX Việt Nam phải nắm bắt, tư vấn được cho HTX về đất đai, về phát triển chuỗi, số hóa, thương mại điện tử, tư vấn về tín dụng thì mới giúp HTX liên kết, phát triển được các chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu.
TS Nguyễn Tiến Định cho rằng, nếu chỉ coi Liên minh HTX Việt Nam là một hội thông thường thì chưa thể hiện rõ được vai trò của Đảng và Nhà nước giao cho Liên minh HTX Việt Nam. Hiện, Nhà nước giao nhiệm vụ cho Liên minh HTX Việt Nam nhiệm vụ chính trị đặc biệt là đại diện quyền lợi HTX, cầu nối với Đảng, Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Định danh và cơ chế hoạt động phù hợp
PGS.TS Chu Tiến Quang, Nguyên Trưởng Ban Chính sách phát triển kinh tế nông thôn, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, khẳng định theo Nghị quyết 20-NQ/TW và Nghị định số 126/2024/NĐ-CP ngày 08/10/2024 về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội, hệ thống các tổ chức Liên minh HTX ở Việt Nam là các tổ chức Hội do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.
![]() |
PGS.TS Chu Tiến Quang chia sẻ tại hội thảo. |
“Điều này không cần bàn cãi, vấn đề quan trọng là cần tập trung xem xét tổ chức hội này hoạt động như thế nào”, PGS.TS Chu Tiến Quang nhấn mạnh và làm rõ về thẩm quyền giao nhiệm vụ và phê duyệt Điều lệ của các tổ chức Liên minh HTX là do Thủ tướng Chính phủ (đối với Liên minh HTX Việt Nam hoạt động toàn quốc) và Chủ tịch UBND tỉnh (đối với Liên minh HTX hoạt động trong phạm vi tỉnh). Như vậy, khác với nhiều Hội khác do các thành viên tự thành lập, tự ban hành điều lệ.
Về thành viên, PGS.TS Chu Tiến Quang đề xuất Liên minh HTX Việt Nam cần quy định rõ 03 nhóm thành viên: chính thức, liên kết và danh dự. Trong đó, thành viên chính thức bao gồm các tổ chức Tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX và cá nhân là công dân Việt Nam. Các tổ chức khác tham gia với tư cách thành viên liên kết. Điều này sẽ làm rõ vai trò thành viên chính thức của các THT, HTX, Liên hiệp HTX, đồng thời cho phép cán bộ từ các bộ, ngành có thể tham gia là thành viên chính thức để làm việc thường xuyên tại các tổ chức Liên minh HTX và tham gia các cơ quan quản lý, điều hành nếu được bầu chọn tại Đại hội Liên minh.
![]() |
Đại tá, Ths Vũ Huy Văn, Phó Vụ trưởng, Vụ tham mưu Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng phát biểu tại hội thảo. |
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm rõ mối quan hệ với các tổ chức thành viên, và làm sao để một người có thể tham gia nhiều HTX để mở rộng mô hình HTX, thể hiện quan điểm "muốn đi xa thì đi cùng nhau" của mô hình kinh tế tập thể.
Về vấn đề kinh phí hỗ trợ, Liên minh HTX Việt Nam có thể tiếp cận các nguồn kinh phí hỗ trợ theo Luật HTX 2023 và Nghị định số 126/2024. “Vấn đề đặt ra là, tổ chức Liên minh HTX ở Việt Nam cần tổ chức các hoạt động như thế nào để thực hiện 08 nhiệm vụ được quy định trong Luật HTX 2023 (hỗ trợ HTX) với kết quả cao nhất. Đó chính là vấn đề cần được giải quyết”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Việc đổi mới và hoàn thiện tổ chức hoạt động của Liên minh HTX Việt Nam trong thời kỳ mới, nhất là khi đất nước đã bước vào giai đoạn tinh gọn bộ máy cần chú trọng đến việc xây dựng cơ chế hoạt động sao cho phù hợp với chính quyền cấp xã hiện nay và trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được và chỉ ra những vướng mắc về phương thức hoạt động, thể chế pháp luật.
![]() |
Ông Trương Xuân Quý, Phó Trưởng Ban Công tác Hội quần Chúng, Ủy Ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam nhấn mạnh vai trò của Liên minh HTX Việt Nam. |
Th.s Leo Thị Lịch, Ủy Ban Thường trực Hội đồng dân tộc Quốc hội, cho rằng ngay việc thực thi Luật HTX 2023, văn bản dưới luật là các thông tư, Nghị định trong thời điểm này muốn được hiệu quả, Liên minh HTX phải nắm bắt được quá trình triển khai vướng mắc cái gì, cái gì cần sửa đổi, bổ sung, điểm nghẽn là khâu nào. Hay chính sách cho vùng Đồng bào Dân tộc thiểu số vướng chính sách gì? Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào Dân tộc số đã thực hiện được kết quả như thế nào, thuận lợi hay khó khăn? Trong đó nguồn lực thực hiện dự án của CTMTQG có đến được thành viên HTX không?..).
Và giải pháp cho những vấn đề này là Liên minh HTX Việt Nam phải rà soát thống kê và tổ chức kiểm tra, giám sát thực tiễn có đầy đủ căn cứ pháp lý về thể chế và hình thức tổng thể toàn diện phù hợp với bộ máy vận hành mới ở cấp xã phường hiện nay hay không. Ngoài cơ cấu tổ chức chung cho cả nước, đối với phát triển kinh tế HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng cần có tiêu chí riêng đặc thù cho mô hình HTX, đặc thù cho cả cơ chế và hình thức hoạt động từ khâu thành lập đến khi hoạt động và duy trì phát triển, sản phẩm hàng hóa và người tiêu dùng, chuỗi phân phối và liên kết vùng…
Lộ trình thay đổi cho Liên minh HTX Việt Nam
Có thể thấy rằng việc hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Liên minh HTX Việt Nam trong thời kỳ mới là một đòi hỏi tất yếu và cấp bách. Theo các chuyên gia, để hoạt động hiệu quả, Liên minh HTX Việt Nam cần xác định rõ ràng địa vị pháp lý và mô hình tổ chức. Đây là vấn đề cốt lõi cần được giải quyết để Liên minh HTX Việt Nam có một "kim chỉ nam" vững chắc cho mọi hoạt động.
![]() |
Nguyên Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ty đóng góp ý kiến. |
Mô hình ba trụ cột do TS Nguyễn Tiến Định đề xuất (Nguồn lực Nhà nước, tự chủ-thu dịch vụ, nguồn lực cộng đồng-xã hội) là một hướng đi đầy tiềm năng, vừa đảm bảo nhiệm vụ chính trị, vừa tăng cường tính tự chủ và khả năng cung cấp dịch vụ, đồng thời củng cố liên kết mạng lưới. Việc định danh là "tổ chức hội do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ" theo Nghị định 126/2024/NĐ-CP cũng cần được quán triệt và triển khai đồng bộ.
Đi liền với đó, Liên minh HTX Việt Nam cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức và quy định về thành viên: Việc phân định rõ ba nhóm thành viên (chính thức, liên kết, danh dự) và làm rõ mối quan hệ với các tổ chức thành viên sẽ giúp tăng cường sự gắn kết và sức mạnh của Liên minh. Đây chính là đề xuất được PGS.TS Chu Tiến Quang đặt ra tại hội thảo. Ông cũng cho rằng Liên minh HTX Việt Nam cần trở thành một trung tâm hỗ trợ đa dạng, từ đào tạo, tư vấn pháp lý, quản trị, chuyển đổi số đến xúc tiến thương mại, hỗ trợ tín dụng. Điều này đòi hỏi sự chủ động trong việc tìm kiếm nguồn lực, tổ chức các hoạt động có nguồn thu và liên kết với các đối tác.
![]() |
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng Hội NN&PTNT Việt Nam cho biết HTX có vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị. |
Trước nhu cầu thực tiễn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đã thẳng thắn thừa nhận sự "chật chội" đối với mô hình của Liên minh HTX Việt Nam hiện tại. Việc định danh lại hệ thống Liên minh là một tổ chức gì, và có cơ chế rõ ràng về tài chính là điều hết sức cần thiết.
Nếu xác định Liên minh HTX Việt Nam là tổ chức hội chính trị xã hội nghề nghiệp thì vấn đề về cơ chế hoạt động cần được xem xét ngay lúc này để Liên minh HTX Việt Nam thực hiện tốt hai chức năng là đại diện và hỗ trợ. Trong chức năng hỗ trợ, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng cần phải làm rõ chức năng hỗ trợ dịch vụ công. Những vấn đề liên quan đến dịch vụ HTX cần được giao một cách cụ thể cho Liên minh HTX Việt Nam.
![]() |
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh Ngô Tất Thắng đóng góp ý kiến. |
Rõ ràng, việc hoàn thiện tổ chức, hoạt động của Liên minh HTX Việt Nam không chỉ là một quá trình tự thân mà còn cần sự đồng hành, hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Chỉ khi Liên minh HTX Việt Nam được định vị rõ ràng, có cơ chế hoạt động phù hợp và phát huy hết vai trò của mình, KTTT, HTX ở Việt Nam mới có thể phát triển mạnh mẽ, bền vững, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Dự thảo Đề án “Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Liên minh HTX Việt Nam rất kịp thời, rất phù hợp. Liên minh HTX Việt Nam nên tham khảo các mô hình của Hội quần chúng khác như Hội Nông dân có mô hình liên kết ngang (5 nhà) hay mô hình của Hội Người cao tuổi có liên kết dọc (mô hình liên gia: tứ đại đồng đường, tam đại đồng để giúp đỡ nhau phát triển).
Trong điều kiện mới, Liên minh HTX Việt Nam phải làm rõ thành viên của hệ thống (HTX, Liên hiệp HTX, Tổ hợp tác). Khi xác định được nhu cầu của HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác trong thời kỳ mới thì Liên minh HTX Việt Nam sẽ làm tốt vai trò hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho thành viên. Đặc biệt, trong cơ chế thị trường hiện nay, Liên minh HTX Việt Nam nếu năng động, chú trọng tạo ra thị trường bên ngoài và bên trong (có sự gắn kết với thành viên thông qua việc tư vấn hỗ trợ), từ đó khẳng định được rõ hơn vai trò, vị trí của Liên minh HTX Việt Nam trong nền kinh tế.
Ngành nông nghiệp có nhiều chương trình như chuyển đổi xanh, nông nghiệp tuần hoàn… nhưng đây là một quá trình không đơn giản. Nếu không có HTX đồng hành trong chuỗi giá trị thì không đi đến thành công. Như vậy, vai trò của KTTT, HTX trong bối cảnh mới rất quan trọng. Đối với Liên minh HTX Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, việc thay đổi tư duy sẽ giúp Liên minh HTX Việt Nam chủ động thích ứng với bối cảnh mới hiện nay. |
Huyền Trang-Phạm Hòa