Cao Bằng có rất nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm như đan lát, chạm bạc, dệt thổ cẩm, đến ngói máng truyền thống, cót tre, hương thơm hay giấy dó…
"Bệ phóng" vững chắc cho làng nghề "cất cánh"
Theo thống kê, toàn tỉnh Cao Bằng hiện có 21 làng nghề truyền thống, trong đó 8 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận. Có thể kể đến những cái tên nổi bật như: Làng nghề làm đường phên xóm Bó Tờ (thị trấn Hòa Thuận), Làng nghề rèn xã Phúc Sen, Làng nghề giấy bản xóm Quốc Dân (xã Phúc Sen), Làng nghề hương xóm Phja Thắp (xã Phúc Sen), Làng nghề nón lá xóm Hoàng Diệu (xã Tự Do), Làng nghề truyền thống miến dong Phia Đén (xã Thành Công).
Những làng nghề này không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm, thu hút cả người trong độ tuổi lao động, người già, người khuyết tật và trẻ em tham gia quá trình sản xuất. Điều này góp phần tăng thu nhập và rút ngắn khoảng cách giàu nghèo tại khu vực nông thôn, đồng thời sử dụng hiệu quả các tài nguyên sẵn có tại địa phương.
Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc phát triển theo hướng cá thể, nhỏ lẻ đã bộc lộ nhiều hạn chế. Chính vì vậy, mô hình HTX đã trở thành giải pháp tối ưu, giúp các làng nghề vượt qua khó khăn, phát triển bền vững và nâng cao vị thế trên thị trường.
![]() |
Làng nghề ngói đất nung đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho một số hộ gia đình. |
Điển hình là nghề miến dong tại xã Thành Công. Mô hình này thu hút gần 100 hộ chủ yếu ở xóm Phia Đén và Pù Vài đã giúp sản lượng miến của xã tăng vọt từ 35 tấn vào năm 2015 lên khoảng 200 tấn vào năm 2024. Sản phẩm miến dong Phia Đén đã được đăng ký và cấp nhãn hiệu tập thể và đang tiếp tục xây dựng nhãn hiệu chứng nhận.
Bà Du Thị Uyên (xóm Pù Vài), chủ Cơ sở sản xuất miến dong Minh Đào, chia sẻ: "Gia đình tôi đã làm nghề miến dong từ rất lâu. Từ khi thành lập cơ sở vào năm 2020, mỗi năm chúng tôi sản xuất trung bình 10-12 tấn bột miến dong đỏ, tổng doanh thu ước đạt trên 1 tỷ đồng/năm. Việc liên kết trong HTX đã giúp cơ sở sản xuất tiếp cận thị trường rộng hơn, học hỏi kỹ thuật mới và ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Hiện nay, rất nhiều hộ dân, cơ sở sản xuất ở địa phương đã liên kết, tham gia các HTX như HTX Cốc Phường, HTX Chế biến miến dong Phia Đén Minh Đào… Điều này đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, phát huy giá trị văn hóa, nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển du lịch, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Một câu chuyện thành công khác là HTX rèn ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa trước đây (nay là xã Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng). Nơi đây không chỉ bảo tồn hiệu quả nghề rèn truyền thống mà còn phát triển du lịch trải nghiệm, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và tìm hiểu. Nghề rèn Phúc Sen đã khẳng định được vị thế với các sản phẩm phong phú, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hiện có gần 300 lao động nông thôn với 140 lò rèn đang hoạt động, mang lại thu nhập hơn 18 tỷ đồng/năm cho địa phương. Thu nhập bình quân của người thợ rèn đạt hơn 5 triệu đồng/người/tháng, thậm chí có lúc cao điểm lên đến 7-8 triệu đồng/người/tháng. Điều này cho thấy vai trò to lớn của HTX trong việc tổ chức sản xuất hiệu quả, nâng cao năng suất và cải thiện thu nhập cho người lao động.
Lan tỏa hiệu quả kinh tế - xã hội
Không chỉ dừng lại ở miến dong Phia Đén hay rèn Phúc Sen, mô hình HTX đã và đang lan tỏa hiệu quả tích cực đến nhiều làng nghề khác trên địa bàn tỉnh. Như huyện Quảng Hòa (cũ) có 6 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận với tổng doanh thu ước đạt hơn 30 tỷ đồng/năm. Các làng nghề này góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho hơn 3.000 lao động nông thôn.
Ngoài ra, địa phương này còn có 11 sản phẩm ngành nghề nông thôn được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, với 4 HTX và 1 tổ hợp tác đang tích cực đầu tư vào làng nghề và ngành nghề nông thôn.
![]() |
Nghề làm rèn ở Phúc Sen đã có sự tham gia của HTX. |
Tiêu biểu như làng nghề ngói đất nung xóm Lũng Rì, xã Tự Do (nay là xã Hạnh Phúc), nghề làm ngói nung truyền thống được 23 hộ dân liên kết thành nhóm sản xuất. Chính vì vậy mà nghề làm ngói đất nung đã mang lại thu nhập bình quân trên 62 triệu đồng/hộ/năm. Các chuỗi sản xuất có quy mô lớn dần hình thành, được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh.
Những nỗ lực vươn lên của các làng nghề truyền thống với sự dẫn dắt của các tổ hợp tác, HTX đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Cao Bằng.
Năm 2024, GRDP của tỉnh đạt 25.204 tỷ đồng, tăng 6,74% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 5.249 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,83%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 4.787 tỷ đồng, chiếm 18,99%...
Đặc biệt, du lịch cũng có những bước tăng trưởng vượt bậc với tổng lượng khách đạt khoảng 1,72 triệu lượt người. Sự phát triển của làng nghề và các HTX gắn liền với du lịch nông thôn chính là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên những con số ấn tượng này. Điều đó cũng phản ánh đời sống của người dân đang ngày càng được nâng cao bằng những việc làm và thu nhập ngay tại những ngành nghề ở địa phương.
Vai trò trọng yếu của HTX trong làng nghề
Theo đánh giá của ngành chức năng, việc xây dựng và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống là mục tiêu mà tỉnh Cao Bằng hướng đến để góp phần đạt mục tiêu phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tỉnh xác định tạo hiệu quả kinh tế kép từ phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch nông thôn.
Và để làm được điều này, vai trò của các tổ hợp tác, HTX là rất quan trọng. Các mô hình kinh tế tập thể đóng vai trò then chốt trong việc bảo tồn, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế của các làng nghề truyền thống ở Cao Bằng. Đây cũng là nhân tố quan trọng giúp người dân liên kết để cùng sản xuất hiệu quả, từ đó nâng cao thu nhập, giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương một cách bền vững.
Chính vì vậy, các địa phương ở Cao Bằng đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, Liên minh HTX tỉnh để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển ngành nghề nông thôn đi đôi với phát triển tổ hợp tác, HTX để tạo điều kiện thuận lợi trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề truyền thống theo hướng bền vững, ổn định gắn với du lịch.
Bên cạnh đó là tích cực hỗ trợ người dân, HTX đầu tư, mở rộng sản xuất, cải tiến thiết bị công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tiến mẫu mã nhằm đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm. Như tại làng nghề ngói đất nung, cơ quan quản lý đang nỗ lực hỗ trợ người dân phát triển mô hình tổ hợp tác, HTX để thuận lợi trong việc đầu tư công nghệ và bảo tồn nguồn đất nguyên liệu nhằm phát triển nghề truyền thống một cách hiệu quả.
Có thể thấy, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của người dân và đặc biệt là vai trò của mô hình HTX, các làng nghề truyền thống ở Cao Bằng đang thực sự chuyển mình mạnh mẽ, trở thành những "vòng quay" năng động, góp phần quan trọng vào công cuộc nâng cao thu nhập, giảm nghèo của địa phương.
Minh Nhương