Từ những ruộng ngô, vườn rau, nương chè... nhỏ lẻ, manh mún, đến nay nhiều địa phương đã hình thành các vùng chuyên canh quy mô, tạo ra sản phẩm an toàn, có đầu ra ổn định. Góp phần quan trọng làm nên sự thay đổi ấy là các HTX, cùng sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam.
Hiệu quả sản xuất sạch
Tại xã Cò Nòi (nay là xã Mai Sơn, tỉnh Sơn La), HTX Rau an toàn Vạn Phúc được xem là một mô hình điểm về tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy củ, bài bản, đóng góp tích cực vào quá trình xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Chị Lò Thị Thủy, Giám đốc HTX – người phụ nữ dân tộc Thái, kể: “Ngày đầu thành lập năm 2020, khó khăn lớn nhất không phải vốn, cũng chẳng phải thiếu đất, mà là... thay đổi thói quen canh tác. Từ chỗ làm theo kinh nghiệm, thành viên và hộ liên kết của HXT phải học ghi chép, học quy trình, phải hiểu thế nào là an toàn thực phẩm”.
![]() |
Ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp nông dân, HTX tăng thu nhập. |
Để thuyết phục bà con làm theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX đã tổ chức hàng chục buổi họp dân, mời cán bộ khuyến nông về tập huấn, thậm chí đến từng nhà giải thích về lợi ích lâu dài của sản xuất sạch. Những nỗ lực ấy dần phát huy hiệu quả.
Đến nay, HTX có 17 thành viên, canh tác trên diện tích 11 ha – trong đó 10 ha đã được cấp chứng nhận VietGAP. HTX đã đầu tư đồng bộ hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa tự động, giúp tiết kiệm 30 – 40% lượng nước, giảm công lao động và tăng năng suất.
Những sản phẩm chủ lực của HTX như ngô ngọt, bí xanh, bắp cải, dưa chuột, ớt chuông... không chỉ đạt chất lượng đồng đều mà còn có mẫu mã đẹp, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường. Mỗi năm, HTX cung ứng 400 – 500 tấn rau củ quả cho các công ty, siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trong và ngoài tỉnh.
Anh Lò Văn Thêu, thành viên HTX, chia sẻ: “Trước kia, sản xuất nhỏ lẻ, làm bao nhiêu bán được bấy nhiêu. Giờ vào HTX, từ giống, phân bón, kỹ thuật đến bao tiêu đầu ra đều được hỗ trợ. Hơn 1 ha bí xanh, mỗi năm cho lãi ròng trên 100 triệu đồng. Giờ nhà tôi có tiền xây nhà, mua xe máy mới, con cái đi học không phải vay mượn nữa”.
Liên kết để làm giàu
Không dừng lại ở đó, HTX Vạn Phúc đang chủ động xây bể chứa nước lớn, ứng dụng canh tác tiết kiệm nước và phân bón, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu dài hạn để ổn định đầu ra – một bước đi cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thị trường biến động.
Đáng chú ý, HTX Vạn Phúc không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, có giá trị cao, mà còn tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho nông dân địa phương. HTX trở thành mô hình mẫu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đang được địa phương khuyến khích nhân rộng.
Trong khi Sơn La nổi bật với HTX rau an toàn, thì tại Lào Cai, nhiều HTX đang tiên phong trong khai thác thế mạnh cây dược liệu bản địa để giúp người dân vùng cao cải thiện thu nhập.
Tiêu biểu là HTX Dược liệu Nậm Đét (xã Nậm Đét, nay là xã Bảo Nhai, tỉnh Lào Cai), nơi đang liên kết với gần 200 hộ dân trồng các loại cây đặc hữu như đương quy, xuyên khung, hà thủ ô, sa nhân tím… Với độ cao 1.000 - 1.500m, khí hậu mát lạnh, Bắc Hà là vùng đất lý tưởng để phát triển dược liệu chất lượng cao.
Anh Giàng Seo Sính, người Mông ở thôn Nậm Khánh, xã Nậm Đét, chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ trồng ngô, lúa, quanh năm đủ ăn là mừng. Giờ trồng sa nhân tím theo hướng dẫn của HTX, thu hoạch một vụ đã được hơn 70 triệu đồng/ha, cao hơn gấp 4 lần trồng ngô”.
![]() |
Liên kết thành lập HTX giúp nông dân tăng nội lực sản xuất, nâng sức cạnh tranh. |
HTX Dược liệu Nậm Đét không chỉ cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, mà còn cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm đạt chuẩn. Đặc biệt, HTX đã liên kết với doanh nghiệp dược để sơ chế, sấy khô, nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người dân không còn cảnh bán rẻ tại ruộng.
Đến cuối năm 2024, HTX đạt sản lượng trên 100 tấn dược liệu các loại, xuất bán sang cả thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Mức thu nhập bình quân của các thành viên HTX và hộ liên kết đạt từ 80 – 120 triệu đồng/năm, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm từ 37% xuống còn 18% chỉ sau 3 năm.
Cánh tay nối dài của người nông dân vùng cao
Thực tế ở HTX Vạn Phúc (Sơn La) hay HTX Dược liệu Nậm Đét (Lào Cai) đã cho thấy mô hình HTX nếu được tổ chức tốt sẽ không chỉ tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng, mà còn thay đổi tư duy sản xuất và giúp người nông dân làm chủ cuộc sống.
Từ những người vốn quen canh tác quảng canh, thiếu kỹ thuật, không biết thị trường, giờ đây họ đã trở thành những người sản xuất chuyên nghiệp, biết canh tác theo quy trình, biết tính toán đầu vào – đầu ra, và hơn hết là có thể sống được bằng nghề nông.
Theo Liên minh HTX Việt Nam, trong giai đoạn 2021–2025, hàng trăm HTX tại khu vực Tây Bắc đã được hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Riêng tại Sơn La và Lào Cai, mỗi tỉnh có hàng trăm HTX nông nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động nông thôn.
Ở nhiều địa phương, phát triển HTX là giải pháp cốt lõi để tổ chức lại sản xuất, giúp nông dân vùng cao tiếp cận với thị trường hiện đại. Các cấp ngành đang tiếp tục hỗ trợ các HTX phát triển sản phẩm OCOP, ứng dụng công nghệ số và xây dựng chuỗi liên kết bền vững.
Trên hành trình xóa đói giảm nghèo bền vững ở các tỉnh miền núi phía Bắc, HTX không chỉ là một mô hình kinh tế – mà còn là một lối đi mới, một “trường học” để người nông dân học cách sản xuất hiệu quả, chủ động và thích ứng với thị trường.
HTX Rau an toàn Vạn Phúc ở Sơn La – từ vài hộ nông dân tự phát đến sản xuất quy mô hàng trăm tấn rau củ sạch – là minh chứng sống động cho vai trò của HTX kiểu mới. Cùng với những HTX trồng dược liệu như ở Lào Cai, nhiều HTX đang góp phần dựng xây nên những ngôi làng no ấm, bền vững, ngay giữa núi rừng Tây Bắc.
An Chi