Cù Lao Dung, địa phương từng được biết đến là vựa mía lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng (cũ), nay là một phần của TP Cần Thơ. Niên vụ 2023-2024, giá mía tăng cao đột biến so với niên vụ trước.
Chìa khóa vàng cho sự hồi sinh
Trước năm 2010 được xem là thời hoàng kim của cây mía ở Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) với diện tích cao nhất lên tới gần 9.000ha. Cù lao lúc ấy đi đến đâu cũng nhìn thấy những ruộng mía mênh mông dọc khắp các con đường từ trung tâm huyện đến tận vùng sâu. Có giai đoạn giá mía nằm ở mức 700 - 800 đồng/kg và có xu hướng ngày càng giảm, có năm chạm đáy chỉ còn 400 đồng/kg.
Đặc biệt đầu năm 2020, việc thực thi cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam đã xóa bỏ hàng rào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN. Điều này khiến áp lực cạnh tranh đối với ngành mía đường trong nước ngày càng lớn. Trong bối cảnh đó, nhiều nông dân, HTX bỏ mía trồng các loại cây khác. bà con bỏ mía không chăm bón, tưới tiêu, dẫn đến năng suất, chất lượng mía ngày càng giảm.
Tuy nhiên, khoảng 3-4 năm trở lại đây, doanh nghiệp mía đường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có sự thay đổi về chính sách. Nông dân trồng mía ở cù lao được quan tâm, hỗ trợ đầu tư trong quá trình sản xuất. Nhờ đó, năng suất, chữ đường (CCS) và giá thu mua mía ổn định ở mức khá cao. Từ đây, nông dân bắt đầu quay trở lại trồng mía.
Năm 2025, giá mía được doanh nghiệp thu mua với giá 1.050 - 1.100 đồng/kg, thậm chí cao hơn. Năng suất mía đạt từ 110 - 120 tấn/ha giúp nông dân, thành viên HTX có lợi nhuận từ thấp nhất là 60 triệu đồng/ha. Điều này đã mang lại niềm phấn khởi cho người trồng mía nơi đây.
Sự hồi sinh ngoạn mục của cây mía Cù Lao Dung không chỉ là câu chuyện về giá cả thị trường mà còn là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của mô hình liên kết “4 nhà”: Nhà nông – Nhà nước – Nhà khoa học – Doanh nghiệp, mà ở đây đặc biệt là sự hợp tác giữa HTX và doanh nghiệp.
![]() |
Người trồng mía yên tâm gắn bó với cây trồng này nhờ có mối liên kết HTX-doanh nghiệp. |
Trong niên vụ mía 2023-2024, một doanh nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thành lập 12 Tổ hợp tác và 01 HTX trồng mía, tổng diện tích canh tác lên đến gần 1.000ha. Đây là một bước đi chiến lược, giúp quy hoạch vùng nguyên liệu, chuẩn hóa quy trình sản xuất và đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con.
Giá mía ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng đang ở mức cao kỷ lục. Có thời điểm, giá thu mua mía đạt 1.320 đồng/kg mía sạch tại ruộng, tăng gần 600 đồng/kg so với những năm trước. Mức giá này không chỉ bù đắp chi phí mà còn mang lại lợi nhuận đáng kể cho nông dân, thành viên HTX.
Lợi nhuận tăng vọt, cuộc sống ổn định
Anh Bảnh, một nông dân trồng mía tiêu biểu ở Cù Lao Dung, chia sẻ niềm vui: Với 2ha mía cho năng suất khoảng 110 tấn/ha. Trừ hết chi phí, lợi nhuận mang về cho gia đình khoảng gần 60 triệu đồng/ha. Đây là mức lợi nhuận đáng mơ ước trong bối cảnh hiện nay.
Đặc biệt, HTX Mía Cù Lao, được thành lập giữa tháng 6/2023 với 40 thành viên, đã chứng tỏ vai trò quan trọng của mình. Trong niên vụ 2023-2024, HTX canh tác 500ha mía, đạt sản lượng trên 40.000 tấn. Trung bình, trữ lượng đường đạt trên 10,5 CCS, với mức giá thu mua mía nguyên liệu là 1.440 đồng/kg (đã bao gồm chi phí đầu tư của doanh nghiệp). Những nông dân, thành viên HTX chịu khó đầu tư chăm sóc tốt có thể đạt lợi nhuận lên đến 70 – 80 triệu đồng/ha.
Theo Ban giám đốc HTX, đối với bà con nơi đây, giá cả rất quan trọng. Bà con mong muốn nhà máy đường mua mía nguyên liệu ở mức giá đảm bảo ổn định và điều này đã được thực hiện. Giá cả ổn định giúp nông dân, thành viên HTX có lợi nhuận. Đặc biệt là khi liên kết với HTX, khâu thanh toán sẽ nhanh chóng hơn. Những điều này giúp thành viên và người dân chủ động chăm sóc để mía có năng suất, chất lượng tốt.
![]() |
Người trồng mía đang có thu nhập cao hơn nhờ giá thu mua ổn định. |
Đặc biệt với mức giá hiện nay, bà con trồng mía ở Cù Lao Dung có thể sống ổn định, an tâm và gắn bó lâu dài với cây mía.
Anh Nguyễn Văn Út, thành viên liên kết với HTX cho biết, với 1ha mía, anh thu hoạch được hơn 120 tấn/ha, lợi nhuận sau khi trừ chi phí lên đến hơn 75 triệu đồng/ha nhờ áp dụng đúng quy trình sản xuất. Một trong những yếu tố quan trọng giúp tăng lợi nhuận cho các hộ nông dân như anh là sự hỗ trợ đầu tư ban đầu về phân bón, giống từ doanh nghiệp thông qua liên kết với HTX, giúp lợi nhuận tăng thêm 10 – 20% so với sản xuất thông thường. Nếu như mấy vụ trước, giá mía thấp khiến nông dân thường hòa hoặc lỗ vốn thì từ năm ngoái đến nay, người trồng mía ở Cù Lao Dung đạt lợi nhuận khá cao.
Giữ chân nông dân bằng chuỗi giá trị
Theo thống kê, hiện Cù Lao Dung có gần 3.000ha sản xuất mía, năng suất bình quân 120 tấn/ha (chữ đường từ 9-11 CCS). Để người dân yên tâm phát triển loại cây trồng này, chính quyền địa phương và Liên minh HTX thành phố Cần Thơ đã và đang phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để triển khai các chính sách hỗ trợ thiết thực cho bà con nông dân, HTX trồng mía, bao gồm: cung cấp cây giống, phân bón và đặc biệt là chính sách bao tiêu sản phẩm.
Với giá mía trên 1.000 đồng/kg mía mua tại ruộng, sau khi trừ các khoản chi phí, nông dân và thành viên HTX thu lợi nhuận khoảng 70- 80 triệu đồng/ha. Đây là mức lợi nhuận hấp dẫn, đủ sức giữ chân nông dân gắn bó với cây mía.
Đặc biệt, mối liên kết giữa Tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo đầu ra cho cây mía. Chính vì vậy, Liên minh HTX thành phố và chính quyền địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nông dân thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp thông qua mô hình kinh tế tập thể. Điều này không chỉ giúp ổn định đầu ra mà còn đảm bảo lợi nhuận bền vững cho người trồng mía trong tương lai.
Sự hồi sinh của nghề trồng mía ở Cù Lao Dung không chỉ dừng lại ở việc tăng thu nhập và giảm nghèo. Nó còn mở ra những cơ hội mới để nâng cao chuỗi giá trị cho cây mía, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại và bền vững hơn.
Để duy trì đà phát triển này, việc tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tiến giống mía, và quản lý dịch bệnh hiệu quả là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa sản phẩm từ mía, như sản xuất đường hữu cơ, mật mía, hay các sản phẩm chế biến sâu khác, cũng là một hướng đi tiềm năng để tăng thêm giá trị cho cây mía.
Trí Chiến