Cao Bằng sở hữu điều kiện tự nhiên lý tưởng cho nuôi trồng thủy sản. Bởi nhiều địa phương trong tỉnh được ưu đãi với lợi thế sông hồ, nguồn nước dồi dào và ổn định. Nắm bắt tiềm năng này, tỉnh Cao Bằng đang tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, sinh thái, ưu tiên nuôi cá lồng. Chiến lược này không chỉ giúp tận dụng mặt nước mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm, hướng tới thị trường tiêu thụ bền vững.
Tiềm năng ẩn mình và chiến lược khai thác
Đặc biệt, tỉnh khuyến khích kết hợp nuôi các loại cá đặc sản như cá bỗng, cá dầm xanh, cá chiên – những loài cá có giá trị kinh tế cao và mang đậm hương vị bản địa – cùng với các loại cá sinh trưởng nhanh như trắm, rô phi để đảm bảo lợi nhuận ổn định cho người nuôi.
![]() |
Nhiều địa phương ở Cao Bằng có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa. |
Bên cạnh đó, các địa phương có điều kiện nhiệt độ và nguồn nước phù hợp, đang được khuyến khích phát triển nuôi cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm, mở ra một phân khúc thị trường mới đầy hứa hẹn. Sự đa dạng trong chủng loại cá nuôi không chỉ giảm thiểu rủi ro mà còn tạo ra nhiều lựa chọn sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường khác nhau.
Để hiện thực hóa chiến lược phát triển thủy sản, vai trò của các HTX trở nên vô cùng quan trọng. HTX cá lồng Pác Đa là một ví dụ điển hình và được biết đến như là "thủ phủ cá lồng" của tỉnh Cao Bằng. Câu chuyện của HTX Pác Đa là một minh chứng sống động cho nỗ lực vượt khó và khát vọng vươn lên của người dân miền núi.
Từ năm 2019, HTX được thành lập với 17 thành viên. Lúc đầu, các thành viên chỉ dám nuôi 4-5 lồng nhỏ, vừa làm vừa học hỏi. Dần dần, nhờ tích lũy kinh nghiệm và nguồn vốn, HTX đã phát triển lên 50 lồng. Từ quy mô nhỏ bé ban đầu, sự phát triển vượt bậc này đã giúp HTX đạt sản lượng đáng kể, với gần 10 tấn cá được xuất bán mỗi năm.
Điểm đặc biệt làm nên thương hiệu cá Pác Đa chính là phương pháp nuôi truyền thống. Các thành viên áp dụng quy trình nuôi cá theo phương pháp truyền thống, dùng cỏ voi, ngô hạt thay vì cám công nghiệp nên chất lượng cá rất ngon. Đây không chỉ là một phương pháp nuôi tiết kiệm chi phí mà còn phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân địa phương – những hộ chủ yếu là hộ nghèo, không có điều kiện mua cám công nghiệp. Hơn nữa, việc nuôi cá bằng thức ăn tự nhiên còn đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Vượt qua rào cản và khát vọng vươn xa
Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, HTX cá lồng Pác Đa vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Do hạn chế trong quảng bá sản phẩm nên có những thời điểm cá của HTX không thể cạnh tranh về giá với cá đồng bằng. Thực tế này phản ánh một vấn đề chung của nhiều sản phẩm nông nghiệp miền núi: chất lượng tốt nhưng khó tiếp cận thị trường rộng lớn và chịu áp lực cạnh tranh về giá.
Dù đối mặt với khó khăn chung của HTX, các thành viên vẫn giữ vững niềm tin và duy trì nghề nuôi cá. Theo tính toán của các thành viên, nếu mỗi hộ duy trì 4 lồng cá với gần 1.000 con cá trắm cỏ, mang lại thu nhập đáng kể với giá bán khoảng 120.000 đồng/kg. Hiện, các thành viên HTX vẫn duy trì nuôi từ 2-4 lồng cá/hộ. Điều này cho thấy nuôi cá lồng vẫn là nguồn thu nhập chính và mang tính ổn định cho nhiều gia đình tại Pác Đa.
![]() |
Cho giá trị kinh tế cao nên nhu cầu mua cá giống của người dân, HTX cũng cao. |
Ông Bế Ích Hữu, hộ liên kết với HTX cho biết nuôi cá lồng đã trở thành nghề truyền thống của người dân Pác Đa. Người dân đã đầu tư lồng bè bằng sắt thép, học tập được nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, đảm bảo an toàn neo đậu trong mưa bão nên phải duy trì, tiếp tục khắc phục khó khăn trước mắt để phát triển lâu dài.
Đặc biệt, nếu có thị trường ổn định, hỗ trợ quảng bá, cá ở Pác Đa sẽ là một sản phẩm sạch, có thương hiệu riêng của Cao Bằng. Đây là một khát vọng chính đáng, cho thấy tầm nhìn về một sản phẩm đặc trưng, có giá trị cao, góp phần xây dựng thương hiệu nông sản cho tỉnh.
Liên kết và công nghệ là chìa khóa mở rộng thị trường
Theo đánh giá của ngành chức năng, nghề nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương trong tỉnh và giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Chẳng hạn như việc nuôi cá tầm, cá hồi, tuy yêu cầu cao về chi phí ban đầu, kỹ thuật như nhiệt độ nước tối ưu từ 12-18 độ C, nguồn nước sạch và đủ oxy hòa tan… nhưng tiềm năng lợi nhuận rất lớn do nhu cầu thị trường cao và giá bán ổn định (cá tầm dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/kg. Trong khi nhu cầu tiêu thụ cá nước lạnh tại Việt Nam còn rất lớn, còn sản xuất trong nước mới đáp ứng được một phần nhỏ. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp như Cao Bằng.
Đặc biệt, Cao bằng có những loại cá đặc sản cần được phát huy như cá trầm hương, cá pja mẳn. Dù số lượng trong tự nhiên còn hạn chế, nhưng nhu cầu từ các nhà hàng và quán ăn là khá lớn, với giá dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, để người dân, HTX yên tấm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản, việc vượt qua những rào cản về thị trường và quảng bá, sự hỗ trợ từ các cấp ngành và đặc biệt là Liên minh HTX tỉnh là vô cùng quan trọng.
Với mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh Cao Bằng đang khuyến khích xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc không chỉ tăng niềm tin của người tiêu dùng mà còn nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng xúc tiến thương mại qua các kênh hiện đại như sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, giúp các sản phẩm thủy sản đặc trưng của Cao Bằng đến gần hơn với người tiêu dùng trên cả nước. Đây là bước đi chiến lược, tận dụng sức mạnh của công nghệ để khắc phục hạn chế về địa lý và chi phí marketing.
Tùng Lâm