Đến Cán Tỷ, ghé thăm nhà anh Mua Mí Vừ ở thôn Sảng Cán Tỷ. Trên khu đất từng trồng ngô, cây cằn cỗi, anh đã cải tạo, xuống giống 260 gốc đào từ năm 2021. Ba năm kiên trì chăm sóc, đến năm 2024 vườn đào của anh bắt đầu cho thu hoạch.
“Xẻ núi” làm kinh tế
“Vụ đầu tiên tôi thu được khoảng 2 tấn, bán giá 30.000 đồng/kg, thu về 60 triệu đồng. Năm nay đào sai hơn, tôi đã trồng thêm 100 gốc mới”, anh Mua Mí Vừ phấn khởi chia sẻ. Cùng với việc làm cỏ, bón phân hữu cơ, anh còn chủ động học kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh từ cán bộ nông nghiệp xã và HTX nông nghiệp địa phương.
![]() |
Cây ăn quả ôn đới đang cho hiệu quả kinh tế cao ở Tuyên Quang (Ảnh: BTQ). |
Không riêng gia đình anh Vừ, ở Cán Tỷ hiện có hàng chục hộ dân đang trồng đào, mận, lê… với tổng diện tích khoảng 15 ha. Từ trước khi thực hiện sắp xếp lại địa giới hành chính, xã Cán Tỷ đã xác định cây ăn quả ôn đới là cây trồng chủ lực, khuyến khích người dân nhân rộng. Cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, thời tiết, lại cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với cây ngô, đậu truyền thống.
Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, huyện Quản Bạ (cũ) đã xây dựng Đề án phát triển cây ăn quả ôn đới giai đoạn 2021–2025. Kết quả bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt, đến nay có hơn 72 ha cây ăn quả ôn đới, với trên 36.000 cây các loại.
Trong đó, các cây trồng chủ lực như lê (14.563 cây), đào (4.635 cây), mận (16.897 cây), tập trung tại các xã như Tam Sơn, Quyết Tiến, Cán Tỷ, Nghĩa Thuận, Cao Mã Pờ, Tùng Vài… được phát triển theo mục tiêu đề án. Một số diện tích đã bắt đầu thu hoạch, đem lại thu nhập ổn định, giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo.
Không chỉ là giải pháp ngắn hạn, phát triển cây ăn quả ôn đới được xác định là hướng đi hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Huyện khuyến khích bà con mở rộng diện tích theo hướng hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ngoài hỗ trợ giống, kỹ thuật, huyện còn đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, HTX để xây dựng chuỗi giá trị bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ.
Hạt nhân liên kết, động lực phát triển
Giữa phong trào trồng cây ăn quả ôn đới, các HTX nông nghiệp trên địa bàn Tuyên Quang nổi lên như những “bà đỡ” tích cực, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng bài bản, chuyên nghiệp.
Tại xã Tân Tiến (nay là xã Tân Long), HTX Nông nghiệp Thái Hoà là một trong những đơn vị tiên phong trồng thử nghiệm giống lê VH6 và mận tam hoa theo hướng hữu cơ.
Với gần 10 ha trồng cây ăn quả ôn đới, HTX không chỉ hỗ trợ kỹ thuật, giống cây, mà còn đứng ra bao tiêu sản phẩm cho thành viên với giá từ 25.000 – 40.000 đồng/kg. Đại diện HTX, anh Trần Văn Giang, cho biết: “HTX đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, hướng tới thị trường siêu thị và xuất khẩu”.
Tương tự, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Trường Xuân đã hình thành mô hình “du lịch trải nghiệm vườn mận” kết hợp trồng mận hậu trên đất dốc. Khách du lịch đến hái mận tại vườn vào mùa thu hoạch không chỉ mang về doanh thu du lịch, mà còn quảng bá hình ảnh nông sản địa phương.
Nhờ các HTX đứng ra làm cầu nối, hàng trăm hộ nông dân đã chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết chuỗi giá trị, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận và tiếp cận thị trường rộng lớn.
Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ giống hay kỹ thuật, các chương trình đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp các HTX tại Tuyên Quang phát triển cây ăn quả ôn đới hiệu quả.
![]() |
Tham gia các HTX giúp nông dân có điểm tựa vững vàng hơn để thoát nghèo, làm giàu (Ảnh: BTQ). |
Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, các HTX trồng cây ăn quả tại Quản Bạ, Lâm Bình, Na Hang, Yên Sơn (các địa phương trước sắp xếp đơn vị hành chính)… đã được tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang, như tập huấn kỹ thuật canh tác hữu cơ, VietGAP; hỗ trợ vốn vay ưu đãi thông qua Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; kết nối xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tại hội chợ OCOP các tỉnh, thành; ứng dụng chuyển đổi số như xây dựng fanpage, mã QR truy xuất nguồn gốc, bán hàng online...
Ngoài ra, các HTX cũng được hỗ trợ tham gia chương trình xây dựng thương hiệu nông sản vùng cao, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Nhờ sự đồng hành sát sao của Liên minh HTX Việt Nam, nhiều sản phẩm lê, mận, đào của Tuyên Quang đã có mặt tại chuỗi siêu thị Co.opmart, GO!, cùng một số siêu thị nông sản sạch tại Hà Nội, TP. HCM.
Chiến lược giảm nghèo bền vững
Phát triển cây ăn quả ôn đới không chỉ là một giải pháp ngắn hạn để xóa đói giảm nghèo, mà còn là một chiến lược nông nghiệp dài hơi của tỉnh Tuyên Quang nói chung và các địa phương vùng cao của tỉnh nói riêng.
Nhìn về tương lai, các địa phương vùng cao của Tuyên Quang đang đặt mục tiêu phát triển cây ăn quả ôn đới theo hướng hàng hóa, gắn với du lịch sinh thái và ứng dụng công nghệ cao.
Trong giai đoạn 2025–2030, tỉnh đặt mục tiêu mở rộng diện tích cây ăn quả ôn đới lên 300 ha tại các huyện vùng núi, tạo ra ít nhất 20 vùng sản xuất tập trung; xây dựng từ 10–15 HTX kiểu mẫu chuyên cây ăn quả ôn đới, có chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.
Ngoài ra, chủ động xây dựng, hình thành các vùng du lịch nông nghiệp trải nghiệm mùa hoa lê, mùa hái mận, hái đào, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; hướng tới xuất khẩu sản phẩm sang thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU thông qua chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, HACCP…
Những quả đào chín sớm, những gốc lê nở hoa đầu xuân không chỉ là biểu tượng của mùa màng no đủ, mà còn là minh chứng cho sự thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân miền núi, từ manh mún sang tập thể, từ đơn lẻ sang liên kết, từ trồng trọt truyền thống sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao.
Nhìn từ những thành quả hôm nay, có thể tin rằng với sự đồng hành của các HTX và các chương trình hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh, Tuyên Quang đang từng bước khẳng định vị thế là vùng nông sản đặc sản phía Bắc.
Và quan trọng hơn cả, cây ăn quả ôn đới đang gieo những mầm sống mới cho hàng ngàn hộ nghèo nơi vùng cao, để họ không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn tới cuộc sống sung túc, bền vững hơn.
Đông Phong