Na Rì vốn là một huyện miền núi với điều kiện tự nhiên còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn ở mức cao. Tuy nhiên, với sự nhạy bén trong định hướng phát triển kinh tế, chính quyền địa phương đã nhận thấy tiềm năng to lớn từ đất đai và khí hậu nơi đây, đặc biệt là khả năng phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Đòn bẩy từ chính sách và sự đồng lòng của người dân
Chính quyền huyện Na Rì đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung vào các loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng như quýt Bắc Kạn, cam, bưởi, hồng không hạt, mận, lê... Các chính sách hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác, xúc tiến thương mại đã tạo động lực mạnh mẽ, khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư vào phát triển vườn cây.
Bên cạnh đó, một số lớp tập huấn "Quản lý tiêu thụ nông sản và phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị" cho Giám đốc, thành viên các HTX do Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức cũng là cơ sở để các mô hình HTX trồng cây ăn quả của huyện nâng cao kỹ năng quản lý và sản xuất kinh doanh.
![]() |
Cây ăn quả có múi cho hiệu quả kinh tế cao ở Na Rì. |
Bên cạnh đó, sự thay đổi trong nhận thức của người dân cũng đóng vai trò then chốt. Thay vì canh tác theo phương pháp truyền thống, năng suất thấp, bà con đã dần tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch và bảo quản. Tinh thần dám nghĩ, dám làm, cần cù chịu khó đã giúp những vườn cây ngày càng xanh tốt, cho năng suất và chất lượng cao.
Đến nay, một số HTX trồng cây ăn quả đã được hình thành, giúp người dân giải quyết những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Điểm sáng từ HTX Kim Lư (xã Kim Lư) chuyên trồng cam đường canh đã cho thấy hiệu quả của mô hình trồng cây ăn quả. Với sự tham gia của nhiều hộ nông dân, HTX đã xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó, sản phẩm của HTX không chỉ được tiêu thụ ổn định trên thị trường mà còn có giá bán cao hơn so với sản phẩm thông thường.
Từ khi tham gia HTX, các hộ thành viên được hỗ trợ rất nhiều về kỹ thuật, giống, phân bón. Quan trọng nhất là HTX đã giúp thành viên tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Thu nhập của các thành viên trong HTX đã tăng lên đáng kể, nhiều hộ đã thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá hơn. Với giá bán khoảng 20.000-25.000 đồng/kg có thể giúp người dân thu về khoảng 70 triệu đồng/ha.
Không chỉ dừng lại ở cây cam đường, nhiều HTX khác ở Na Rì cũng đang gặt hái thành công với các loại cây ăn quả khác.
Tiêu biểu như HTX trồng cây ăn quả xã Lương Hạ đã tập trung vào cây bưởi Diễn và tham gia chương trình OCOP. Theo các thành viên HTX, bưởi Diễn có năng suất cao, chất lượng tốt, có thể bảo quản được lâu và ít bị hỏng. Đây là những yếu tố thuận lợi cho việc tiêu thụ và tăng giá trị sản phẩm.
Bên cạnh đó, Na Rì nằm trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, giống bưởi Diễn trồng ở đây cho chất lượng bưởi ngon không kém so với bưởi trồng ở Hà Nội. Nếu trồng và chăm sóc theo đúng quy trình, loại cây này cho năng suất và sản lượng vượt trội so với cách thức truyền thống và có thể cho thu hàng trăm triệu đồng/vụ nếu trồng quy mô lớn. Ngoài ra, HTX còn trồng thêm một số giống cam, quýt để giúp thành viên đa dạng nguồn thu.
Từ những mô hình này cho thấy, các HTX không chỉ giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập mà còn góp phần xây dựng cộng đồng nông thôn đoàn kết, cùng nhau chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi theo hướng tập trung. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã giúp cây ăn quả có múi của Na Rì có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Những "trái ngọt" cho cuộc sống mới
Hiện, cây ăn quả có múi như cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn, cam Đường… đã phát triển tập trung tại các xã Kim Lư, Đổng Xá, Liêm Thủy, Trần Phú, Cư Lễ, Văn Minh, Sơn Thành, Văn Vũ, thị trấn Yến Lạc… và một số xã đã có HTX đồng hành cùng người dân.
Theo thống kê đến cuối năm 2024, huyện Na Rì đã phát triển gần 800ha cây ăn quả các loại, trong đó trên 500 ha cây ăn quả có múi, giúp cải tạo những diện tích đất kém hiệu quả và mang lại những thay đổi rõ rệt trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân Na Rì. Nhiều hộ gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định, thậm chí khá cao từ vườn cây của mình. Những ngôi nhà khang trang mọc lên, con cái được học hành đầy đủ hơn.
![]() |
Nhiều hộ dân đã thoát nghèo, có thu nhu ổn định từ trồng cây ăn quả. |
Anh Vi Nông Thín, một hộ trồng quýt ở xã Cường Lợi, chia sẻ trước đây, gia đình anh chủ yếu trồng lúa và ngô, thu nhập rất bấp bênh. Từ khi chuyển sang trồng quýt, cuộc sống gia đình đã thay đổi hoàn toàn. Mỗi vụ quýt, gia đình thu về hàng trăm triệu đồng, có tiền để sửa nhà, mua sắm tiện nghi và lo cho con cái ăn học.
Chị Nông Thị Hương, ở xã Kim Lư cho biết gia đình chị hiện cũng có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm từ 3 ha cam, quýt. Một số hộ trong xã cũng phát triển trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa và liên kết với HTX cũng có thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm từ vài héc ta cam, quýt.
Không chỉ cải thiện đời sống vật chất, việc phát triển cây ăn quả còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho vùng quê Na Rì. Những vườn cây trĩu quả đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách, mở ra tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, góp phần đa dạng hóa nguồn thu nhập cho người dân.
Theo lãnh đạo huyện, trồng cây ăn quả có múi đã góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo từ 3-4%/năm ở Na Rì. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống dưới 30%.
Vẫn còn những thách thức cần vượt qua
Mặc dù cây ăn quả đang được xác định là cây trồng chủ lực của huyện nhưng người dân, HTX sản xuất trong lĩnh vực này vẫn còn đối diện với một số thách thức. Đó là sự biến động của thị trường, nguy cơ dịch bệnh, vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững, cũng như việc nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Theo các thành viên HTX Kim Lư, phát triển diện tích cây ăn quả trên quy mô lớn sẽ thuận lợi cho việc ký kết các hợp đồng nhưng đi liền với đó là sẽ dẫn đến tình trạng dội chợ, khó cạnh tranh, gây rủi ro cho thu nhập của thành viên và người dân. Hiện, người trồng cây ăn quả ở Kim Lư nói riêng, Na Rì nói chung cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nhà vườn, doanh nghiệp tư nhân khác cùng trong lĩnh vực trồng cây ăn quả.
Không dừng lại ở đó, các yếu tố bất lợi của thời tiết, dịch bệnh có thể gây thiệt hại lớn đến năng suất và chất lượng cây trồng. Đường giao thông, hệ thống điện, nước phục vụ sản xuất chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô lớn của người dân, HTX.
Để giải quyết những thách thức này, huyện Na Rì và Liên minh HTX tỉnh đang đang tiếp tục làm việc với người dân, HTX để nắm bắt những khó khăn để có hướng hỗ trợ, giải quyết kịp thời.
Na Rì cũng xác định đây là một trong những thế mạnh của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo hiệu quả, nên sẽ tăng cường hỗ trợ các mô hình trồng cây ăn quả đầu tư vào khoa học công nghệ, xây dựng các chuỗi liên kết giá trị bền vững, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm cây ăn quả địa phương. Đồng thời, huyện cũng phối hợp với các cơ quan chức năng để nâng cao năng lực quản lý và điều hành cho các HTX, khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân vào quá trình phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa tập trung.
Quang Am