Như Cố sở hữu những lợi thế tự nhiên mà không phải địa phương nào cũng có được. Những cánh rừng nguyên sinh, những dòng suối cùng với những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Tày, Nùng, Dao… tạo nên sức hấp dẫn với du khách. Thế nhưng, trước đây, cuộc sống của người dân Như Cố chủ yếu dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp, thu nhập bấp bênh, đời sống còn nhiều khó khăn do tiềm năng du lịch của dường như vẫn còn "ngủ quên".
Đánh thức "nàng công chúa ngủ quên"
Nhận thấy tiềm năng to lớn của du lịch cùng với nhu cầu của thị trường, những năm gần đây, chính quyền xã Như Cố đã mạnh dạn xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa bản địa. Đây được xem là một hướng đi chiến lược, không chỉ giúp khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, mà còn tạo ra sinh kế bền vững cho người dân, góp phần giảm nghèo một cách thiết thực.
Trong hành trình xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng ở Như Cố, vai trò của các HTX là vô cùng quan trọng. Các HTX không chỉ là cầu nối giữa người dân và du khách, mà còn là hạt nhân để tổ chức các hoạt động du lịch một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.
Điển hình như HTX thanh niên Như Cố ngoài phát triển thế mạnh là các loại nông sản, rau củ quả bản địa theo quy trình an toàn, còn thu hút sự tham gia của đông đảo người dân địa phương làm du lịch. HTX này đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, quản lý các hoạt động đón tiếp và phục vụ du khách, đồng thời đảm bảo quyền lợi của các thành viên.
![]() |
Mô hình sản xuất nông sản của HTX thanh niên Như Cố vừa cung cấp nông sản vừa là điểm tham quan trải nghiệm lý tưởng. |
Điều thuận lợi là HTX thanh niên như Cố đã có nền tảng vững chắc trong việc sản xuất các mặt hàng như rau an toàn, chè, chăn nuôi, sản phẩm OCOP nên phục vụ đắc lực trong việc phát triển du lịch tại chỗ.
Còn HTX dịch vụ Như Cố cũng đang phát triển các loại nông sản OCOP đặc trưng như: Dưa lưới, dưa lê, dâu tây, xây dựng các đồi chè xanh..., nhằm tạo ra dịch vụ du lịch cũng như các sản phẩm lưu niệm, quà tặng đặc trưng phục vụ du khách đến Như Cố tham quan, trải nghiệm.
Với sự dẫn dắt của các HTX, Như Cố đã dần hình thành những sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo, thu hút du khách bởi sự chân thực và gần gũi với đời sống văn hóa của người dân.
Đến nay, ngoài các homestay, du khách đến Như Cố còn được tham gia các tour du lịch khám phá những cánh rừng nguyên sinh, những thác nước hùng vĩ, hay những hang động kỳ bí. Du khách cũng được trải nghiệm văn hóa truyền thống, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, các mô hình sản xuất theo quy trình của các HTX, người dân.
Giảm nghèo bền vững từ du lịch cộng đồng
Mô hình du lịch cộng đồng với sự tham gia của các HTX đã mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt cho Như Cố. Trong đó, du lịch đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người dân địa phương, từ việc cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống, hướng dẫn viên du lịch, đến việc sản xuất và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Thu nhập của người dân nhờ đó được cải thiện đáng kể, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã.
Thôn Khuân Bang (xã Như Cố) đang phát triển mạnh mô hình du lịch cộng đồng. Toàn thôn có 60 hộ, gần 300 nhân khẩu, tỷ lệ người dân là dân tộc Tày chiếm 95%. Đến nay, đời sống của người dân trong thôn ổn định, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 35 triệu đồng/năm, số lượng hộ làm ăn khá ngày càng tăng. Toàn thôn chỉ còn 3 hộ nghèo, không còn hộ cận nghèo.
Ngoài tạo việc làm, nâng cao thu nhập, việc phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường tự nhiên đang được hình thành và phát triển ở Như Cố. Người dân, thành viên HTX ngày càng ý thức hơn về tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa và tài nguyên thiên nhiên, bởi đây chính là vốn quý để phát triển du lịch bền vững.
![]() |
Lớp đào tạo về nấu ăn giúp người dân ở Như Cố nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. |
Nhờ có sự đầu tư bài bản, lượng khách du lịch tăng lên đã thúc đẩy sự phát triển của các ngành dịch vụ khác như vận tải, thương mại… Cơ sở hạ tầng du lịch cũng được đầu tư và nâng cấp, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của Như Cố.
Đặc biệt, thông qua các HTX, mô hình du lịch cộng đồng tạo ra sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các thành viên trong cộng đồng. Người dân cùng nhau tham gia các hoạt động du lịch, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm, từ đó xây dựng một cộng đồng đoàn kết và phát triển.
Bà Ma Thị Thơm, thành viên của HTX dịch vụ Như Cố, chia sẻ trước đây, gia đình bà chỉ trông vào cây lúa nương, cuộc sống rất khó khăn. Từ khi tham gia HTX và làm homestay, thu nhập của gia đình đã ổn định hơn nhiều. Bà rất vui vì không chỉ có thêm thu nhập mà còn có cơ hội giới thiệu văn hóa của dân tộc mình đến với du khách.
Có được những thành quả này, huyện Chợ Mới đã không ngừng hỗ trợ, tư vấn cho người dân, HTX về không gian, cảnh quan, sản phẩm và cách làm du lịch. Các hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ xúc tiến, quảng bá… sản phẩm, dịch vụ du lịch cũng được quan tâm.
Đến nay, một số hộ dân ở thôn Khuân Bang cũng được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng nhà sàn, homestay phục vụ đón tiếp khách.
Các HTX cũng được tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn, quảng bá và hoàn thiện sản phẩm. Với sự hỗ trợ của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, HTX thanh niên Như Cố đã được tham gia một số lớp tập huấn về chuyển đổi số, phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, hướng dẫn tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc cho nông sản. Liên minh HTX tỉnh cũng kết nối các tổ chức kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác, tạo cơ hội cho HTX Thanh niên Như Cố mở rộng thị trường, thu hút khách du lịch.
Đưa du lịch cộng đồng phát triển đường dài
Để du lịch cộng đồng ở Như Cố phát triển bền vững và thực sự trở thành "đòn bẩy" trong công cuộc giảm nghèo, huyện Chợ Mới cũng đang đẩy mạnh hỗ trợ xã đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch như đường giao thông, nhà vệ sinh công cộng, biển chỉ dẫn… để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Huyện cũng tiếp tục phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, các hội đoàn thể tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về du lịch cho người dân, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, nghiệp vụ hướng dẫn…. Đi liền với đó là hỗ trợ người dân, HTX tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Như Cố trên các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội, và tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch trong và ngoài nước để có thể mở rộng liên kết với các công ty du lịch, các địa phương khác nhằm tạo ra các tour du lịch hấp dẫn và đa dạng.
Đại diện UBND xã Như Cố cho biết, làn gió mới từ du lịch cộng đồng đang thổi căng cánh buồm hy vọng, đưa Như Cố vươn mình mạnh mẽ trên con đường phát triển. Do đó, Như Cố cũng xác định rằng, để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, cần phải có sự tham gia chủ động và tích cực của người dân. Việc thành lập các HTX đã đang và sẽ giúp người dân đoàn kết, cùng nhau xây dựng các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc địa phương, đồng thời chia sẻ lợi ích một cách công bằng.
Với những nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương, sự vào cuộc tích cực của các HTX và sự hưởng ứng của người dân, tin rằng du lịch cộng đồng ở Như Cố sẽ ngày càng phát triển, trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Bắc Kạn. Khi du lịch cộng đồng phát triển cũng đồng nghĩa góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, mang lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho người dân.
Minh Nhương