Trong số đó, ông Lô Văn Vinh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông lâm nghiệp Vinh Dung tại bản Mánh (xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp) là người tiên phong “vỡ đất” và trở thành một trong những nông dân trồng mía điển hình với nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, gieo khát vọng vươn tầm cho nhiều người dân tộc thiểu số có cơ hội "đổi đời".
Cây chủ lực lâu năm tại nhiều địa phương
Với những lợi thế như khí hậu nắng nóng, lượng mưa dồi dào, đất phù sa, đất cát pha cùng địa hình trung du - đồi núi thấp,... là điều kiện lý tưởng để nhiều huyện tại Nghệ An như Tân Kỳ, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Yên Thành, phát triển các vùng trồng mía quy mô lớn cho chất lượng và năng suất cao.
Đặc biệt, những năm gần đây, khi giá thu mua tăng cao nên giá mía nguyên liệu liên tục tăng giúp cây mía ở Nghệ An đang dần lấy lại vị thế của mình, tạo động lực cho người trồng mía. Nhiều hộ nông dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa đã tự nguyện liên kết đất để cùng trồng mía với diện tích lớn qua các hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã.
![]() |
Ông Lô Văn Vinh (áo trắng) - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông lâm nghiệp Vinh Dung bên cánh đồng mía của HTX. |
Ông Lô Văn Vinh, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Vinh Dung tại bản Mánh (xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp) là một trong những nông dân trồng mía điển hình với nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời gian qua.
Nói về cơ duyên gắn bó với cây mía, người được ví như thủ lĩnh thung Mánh không giấu nổi nét hân hoan. Ông Vinh kể: “Vợ chồng tôi vào đây khai hoang từ năm 1998, thời điểm đó chúng tôi trỉa ngô, trồng sắn, nuôi thêm gia súc, gia cầm nhưng hiệu quả kinh tế không có gì nổi trội, một số hộ cuộc sống rất chật vật”...
Năm 2011, bước ngoặt tới khi gia đình ông Vinh liên kết trồng mía cung cấp cho Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (Nasu).
“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”, thấu hiểu triết lý đó, ông Vinh đã thành lập HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Vinh Dung vào năm 2021 với 17 thành viên cùng chung chí hướng, khát khao.
“Thời gian đầu, tổng diện tích trồng mía của gia đình chỉ gói gọn trong 7ha, nay đã tăng lên 30ha. Ngoài ra, quy mô trồng mía của HTX nay cũng đã vượt 50ha. Với đà này chắc chắn diện tích mía sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới” – ông Vinh bày tỏ.
Được biết, HTX được chính quyền địa phương, Liên minh HTX tỉnh... hỗ trợ giống; hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc; hỗ trợ máy móc, trang thiết bị, kinh phí để nâng cấp, làm đường, cầu cống phục vụ sản xuất... Yên tâm sản xuất, nên các thành viên của HTX hoạt động ngày một "xuôi chèo mát mái".
Hiện, vụ mía năm 2024-2025 đang trong mùa thu hoạch, người trồng mía tại Nghệ An đều phấn khởi, bởi diện tích, năng suất và giá mía đều tăng. Trung bình, mía tươi khi thu hoạch có giá mua tại ruộng từ 1,2 triệu đến 1,3 triệu đồng/tấn.
“Nguồn thu từ trồng mía giúp cuộc sống gia đình từng bước được nâng cao. Cũng nhờ mía, chúng tôi có vốn để tăng tổng đàn chăn nuôi, đến nay gia đình đã có trong tay hơn 40 con trâu, gần 100 con dê, khoảng 200 con lợn”... ông Vinh chia sẻ.
Tăng thu nhập, chuyển hướng cùng thị trường
Đặc biệt, những năm gần đây, trên thị trường nhu cầu về nước mía giải khát tăng mạnh, nhiều bà con đã chủ động chuyển hướng trồng mía cung cấp cho thị trường mía ép lấy nước. Nhờ đó, thu nhập từ cây mía lại càng tăng, đời sống người dân ngày một nâng cao.
Tại huyện Yên Thành, từ đầu tháng 4 đến nay, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng đầu tháng 5 vừa qua, bà con nông dân xã Thịnh Thành phấn khởi, tất bật thu hoạch mía ép lấy nước để cung ứng cho thị trường nước giải khát.
Bà Cao Thị Lâm xã Thịnh Thành (huyện Yên Thành) cho biết, mùa Hè cũng là thời điểm thu hoạch mía ép lấy nước giải khát. Gần 1 tháng nay, ngày nào bà Lâm và những người dân cũng bận rộn trên cánh đồng để kịp cung cấp mía cho thương lái.
![]() |
Trồng mía ép lấy nước để cung ứng cho thị trường nước giải khát, giúp nhiều người dân nâng cao thu nhập từ 2 - 3 lần. |
“Nắng nóng nên mía rất ngọt, bán được giá. Mỗi ngày xuất bán hàng tấn cây mía, giá tại ruộng từ 3,5 - 4 triệu đồng/tấn. Mỗi sào đạt 3,5 - 4 tấn, thu về khoảng 15 triệu đồng”, bà Lâm phấn khởi chia sẻ.
Một số bà con tại địa phương cũng cho hay, hiện không một loại cây trồng nào so sánh được với cây mía. Trồng ngô, khoai, sắn được thì ăn, mất phải chịu, riêng trồng mía hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần.
Theo ông Nguyễn Đình Phong - Chủ tịch UBND xã Thịnh Thành, trên toàn xã có khoảng 87 ha mía ép lấy nước, tính bình quân, 1 ha mía thu về trên dưới 300 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm bà con trên địa bàn xã có doanh thu hàng chục tỷ đồng - một con số đáng mơ ước đối với mô hình nông nghiệp ở địa phương. “Nếu tính trên đơn vị diện tích, thì mía ép lấy nước cho thu nhập cao nhất đối với các loại cây trồng trên địa bàn xã hiện nay”, ông Phong cho biết.
Được biết, nhờ quá trình sản xuất được cơ giới hóa, khoa học - kỹ thuật tiên tiến và các công tác thu hoạch, sơ chế hiệu quả nên năng suất và chất lượng mía nguyên liệu của địa phương tăng cao.
"Việc HTX chịu trách nhiệm sản xuất tại vùng mía nguyên liệu đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc hướng dẫn người dân chăm sóc và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp. Đối với quá trình sản xuất, HTX chịu trách nhiệm đấu mối với doanh nghiệp nhập giống, vật tư chất lượng và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Đồng thời, tổ chức ký kết hợp đồng, thu mua, vận chuyển, tiêu thụ mía bảo đảm quyền lợi phù hợp nhất cho từng thành viên HTX" – đại diện UBND huyện Yên Thành thông tin thêm.
Phát huy thế mạnh cây trồng chủ lực
Nhờ chuyển đổi mô hình trồng mía, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, đời sống được cải thiện rõ rệt. Trong đó, nhiều gia đình ở vùng núi các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn… nhờ trồng mía mà thoát nghèo, khá giả, xây nhà cao tầng, nuôi con ăn học thành tài.
Đặc biệt, cũng nhờ trồng mía, tại nhiều địa phương đã hình thành các HTX và tổ hợp tác cùng tổ chức sản xuất mía và chế biến mật mía theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cho các thành viên, như: Hợp tác xã Trồng mía và Sản xuất mật mía xã Kỳ Sơn, Tổ hợp tác Sản xuất mật mía Tân Hương (huyện Tân Kỳ), Tổ hợp tác Sản xuất mật mía Thọ Sơn (huyện Anh Sơn)...
Tại xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ, các hộ sản xuất mật mía đã liên kết thành Tổ hợp tác Sản xuất mật mía Tân Hương nhằm đáp ứng các đơn hàng lớn và mở rộng quy mô sản xuất. Sản phẩm mật mía Tân Hương đã được công nhận là sản phẩm OCOP, có nhãn mác và truy xuất nguồn gốc rõ ràng, góp phần giữ gìn làng nghề truyền thống và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Ông Nguyễn Đình Quán, giám đốc HTX dịch vụ kinh doanh nông nghiệp Thạch Quảng (huyện Thạch Thành), cho biết, đã nhiều năm, người dân trên địa bàn trồng mía nguyên liệu để phát triển kinh tế. HTX đứng ra ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan thu mua mía nguyên liệu cho người dân.
"Để liên kết giữa doanh nghiệp, người dân, HTX được bền chặt, trước khi vào vụ sản xuất, HTX phối hợp với doanh nghiệp lựa chọn giống mía năng suất, chất lượng tốt, phù hợp với đồng đất địa phương. Đồng thời, tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ sản xuất của người dân, như: áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, kỹ thuật thâm canh vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu. Đến thời điểm thu hoạch, HTX giữ vai trò chính trong đàm phán hợp đồng thu mua, giá cả, vận chuyển, bảo quản... bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người dân", ông Quán nói.
Hồng Hương