Với vị thế là trung tâm chăn nuôi lớn, Đồng Nai sở hữu nguồn nguyên liệu thịt, nông sản dồi dào, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành chế biến thực phẩm.
Những "viên ngọc ẩm thực" tiềm năng
Những làng nghề truyền thống như làm chả giò, chà bông ở Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) đã tồn tại và phát triển qua nhiều thế hệ, trở thành biểu tượng cho sự khéo léo và tinh túy trong chế biến ẩm thực không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mà còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ gia đình.
Bên cạnh đó, Đồng Nai còn là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích trồng chuối. Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào này, người dân, HTX ở các vùng chuyên canh chuối như Thống Nhất, Xuân Lộc… phát triển nghề chế biến chuối chiên, chuối sấy. Sự phát triển của nghề chế biến chuối không chỉ giúp tiêu thụ lượng lớn sản phẩm nông nghiệp mà còn tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, mang lại lợi nhuận đáng kể cho người nông dân.
![]() |
Chế biến cá khô ở huyện Định Quán giúp người dân nâng cao thu nhập. |
Không chỉ dừng lại ở thịt và chuối, Đồng Nai còn sở hữu những sản vật độc đáo khác, mang trong mình tiềm năng lớn để phát triển các ngành nghề ẩm thực, góp phần giảm nghèo hiệu quả.
Ấp Bến Nôm (huyện Định Quán), nằm bên bờ hồ Trị An, từ lâu đã nổi tiếng với nghề đánh bắt và chế biến khô cá kìm cùng nhiều loại khô khác.
Sản phẩm khô cá kìm nơi đây với hương vị đặc trưng đã trở thành một đặc sản được nhiều người biết đến. Điển hình là Tổ hợp tác Khô cá kìm sông nước Phú Cường (xã Phú Cường, huyện Định Quán), với sản phẩm khô cá kìm được chứng nhận OCOP 3 sao, đã khẳng định được chất lượng và mở ra cơ hội phát triển du lịch ẩm thực tại địa phương, từ đó tạo thêm thu nhập cho người dân.
Nghề làm giò, chả ở xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) cũng là một minh chứng cho sự kế thừa và phát triển các giá trị ẩm thực truyền thống. Với hàng chục cơ sở chế biến giò lụa, chả bò, chà bông heo, chà bông gà và các món ăn chế biến từ thịt, làng nghề này không chỉ cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho thị trường mà còn tạo ra một mạng lưới sản xuất và tiêu thụ rộng khắp, góp phần ổn định đời sống kinh tế cho nhiều hộ gia đình. Danh tiếng của giò lụa Gia Kiệm đã lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành, khẳng định vị thế của một đặc sản địa phương.
Phát huy sức mạnh cộng đồng
Trong hành trình phát triển các ngành nghề ẩm thực, các HTX, tổ hợp tác đóng vai trò quan trọng trong liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Ví dụ điển hình như Tổ hợp tác Khô cá kìm sông nước Phú Cường cho thấy sức mạnh của mô hình kinh tế tập thể trong việc nâng tầm sản phẩm địa phương.
Tổ hợp tác không chỉ giúp các thành viên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tiếp cận nguồn vốn và công nghệ mới mà còn tạo điều kiện để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả hơn. Việc tham gia các chương trình OCOP cũng là một cơ hội lớn để sản phẩm địa phương được nâng cao chất lượng và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Còn HTX Dịch vụ - thương mại - chế biến thủy sản Phước An đã đầu tư cho sản phẩm tôm chua Phước An, một đặc sản nước lợ của Đồng Nai. Sản phẩm này cũng đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ OCOP cho thấy sự quan tâm của HTX trong nâng cao giá trị sản phẩm và sự tập trung vào chế biến thủy sản địa phương.
![]() |
Tôm chua của HTX Phước An. |
Tại huyện Xuân Lộc, HTX Nông nghiệp – Dịch vụ - Thương mại – Du lịch Suối Lớn cũng đã quan tâm đến việc chế biến xoài thành một số sản phẩm như gỏi xoài, xoài lắc… để đáp ứng nhu cầu của khách tham quan trải nghiệm mô hình nông nghiệp du lịch.
Hiện, huyện Thống Nhất và Xuân Lộc, Trảng Bom là những địa phương nổi tiếng với nghề trồng chuối và chế biến chuối sấy truyền thống. Cũng chính từ nền tảng này cùng với vùng nguyên liệu do chính các thành viên xây dựng, HTX Thanh Bình đã tiên phong trong việc chế biến sâu các sản phẩm từ chuối, bao gồm cả chuối sấy dẻo và chuối chiên, hướng đến thị trường xuất khẩu. HTX có quy mô lớn, liên kết với nhiều hộ nông dân trồng chuối và đầu tư vào hệ thống chế biến hiện đại. Điều này không chỉ giải quyết bài toán được mùa mất giá cho quả chuối mà còn nâng cao giá trị gia tăng cho loại nông sản được trồng trên quy mô lớn của địa phương.
Nâng tầm đặc sản, khơi dậy tiềm năng
Việc người dân, tổ hợp tác, HTX chú trọng đầu tư chế biến kết hợp nâng cao chất lượng và mẫu mã, bao bì và đưa các sản phẩm địa phương tham gia chương trình OCOP không chỉ giúp tăng cường nhận diện thương hiệu với người tiêu dùng mà còn góp phần biến những đặc sản ẩm thực này trở thành điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước. Du lịch ẩm thực đang trở thành một xu hướng mạnh mẽ, và Đồng Nai với những sản vật phong phú và các làng nghề truyền thống, các HTX có đủ tiềm năng để khai thác lợi thế này.
Du khách có thể đến tham quan các làng nghề, HTX để được trải nghiệm quy trình sản xuất truyền thống và thưởng thức những món ăn đặc sản tại chỗ. Điều này không chỉ tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân địa phương mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực độc đáo của Đồng Nai.
Đặc biệt, những điều này đã giúp người dân, thành viên HTX nâng cao thu nhập, phát triển đời sống. Ngay như mô hình trồng chuối liên kết với HTX Thanh Bình để chế biến giúp người dân thay vì chỉ bán chuối tươi, thì lợi nhuận từ bán chuối sấy sẽ cao hơn gấp 3-4 lần. Tương tự với thịt heo chế biến thành giò chả, chà bông, hay cá kìm chế biến thành khô các loại có giá dao động từ 200-500 nghìn đồng/kg góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Sự phát triển của các làng nghề, HTX chế biến ẩm thực đã đóng góp không nhỏ vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm cho tỉnh. Đến 2024, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh giảm xuống còn 1,36%.
Đáng chú ý, Đồng Nai và các ngành liên quan như Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với một số ngành triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân, HTX đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ vốn vay ưu đãi góp phần giúp người dân, HTX đầu tư cho chế biến, sản xuất ẩm thực theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thông qua sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh, HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (huyện Nhơn Trạch) đang dẫn đầu tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP được chứng nhận, bao gồm các sản phẩm chế biến từ sen đã được hỗ trợ tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối với các đối tác để phát triển được hệ thống đại lý rộng khắp cả nước và quảng bá sản phẩm trên các mạng xã hội.
Hay như Tổ hợp tác Khô cá kìm sông nước Phú Cường đã được hỗ trợ tham gia, hoàn thiện các tiêu chuẩn của chương trình OCOP như: Hỗ trợ về mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu hàng hóa, tiếp thị, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm khô cá kìm.
Tổ hợp tác này cũng được tạo điều kiện tham gia các hội chợ, triển lãm, chương trình kết nối cung cầu để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Thành viên HTX cũng được nâng cao kiến thức và kỹ năng về sản xuất, quản lý chất lượng, marketing và bán hàng.
Những trợ lực này đã giúp các cơ sở sản xuất, HTX liên quan đến ngành nghề ẩm thực, chế biến nông sản thực sự trở thành đòn bẩy mạnh mẽ trong công cuộc giảm nghèo ở Đồng Nai.
Bởi theo các ngành chức năng, ẩm thực không chỉ là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống mà còn là một tài sản văn hóa vô giá, mang trong mình tiềm năng kinh tế to lớn. Tại Đồng Nai, việc người dân khai thác và phát triển các ngành nghề liên quan đến ẩm thực với sự hỗ trợ của mô hình kinh tế tập thể như HTX đang mở ra một hướng đi đầy hứa hẹn trong công cuộc giảm nghèo bền vững. Những sản phẩm mang hương vị đặc trưng của Đồng Nai không chỉ làm phong phú thêm bản đồ ẩm thực Việt Nam mà còn đang từng bước khơi nguồn no ấm, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Đây cũng là một cơ sở quan trọng để Đồng Nai tự tin đặt mục tiêu giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo đa chiều xuống còn 0,39% đến cuối năm 2025.
Trí Chiến