Trước đây, người dân Sảng Mộc chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình, ít có giá trị thương mại. Điều này khiến thu nhập của người dân bấp bênh, khó khăn chồng chất.
Bước đầu chuyển mình sang kinh tế hàng hóa
Nhận thấy sự cần thiết phải thay đổi, chính quyền xã Sảng Mộc đã tích cực vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung vào các sản phẩm có tiềm năng thị trường và giá trị kinh tế cao.
Một trong những hướng đi hiệu quả là phát triển các loại cây trồng đặc sản của địa phương như cây chè, cây ăn quả (cam, bưởi...), và các loại rau màu chất lượng cao. Người dân được hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, giống cây trồng, vật nuôi, cũng như thông tin về thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, tạo ra nguồn thu nhập ổn định hơn cho người dân.
Bên cạnh đó, Sảng Mộc cũng chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, khuyến khích người dân đầu tư vào các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Việc liên kết với các doanh nghiệp, thương lái để tiêu thụ sản phẩm cũng được chú trọng, giúp người dân yên tâm sản xuất.
![]() |
Mô hình trồng cam tại xóm Khuổi Mèo từng giúp một số hộ có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/vụ. |
Trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế hàng hóa, vai trò của liên kết hợp tác trong người dân đã dần được nảy nở, hé mở những cơ hội trong nâng cao thu nhập.
Tiêu biểu như Tổ hợp tác thu mua nấm, mộc nhĩ xã Sang Mộc đã liên kết với HTX chế biến nông sản Võ Nhai để bao tiêu sản phẩm măng, mộc nhĩ cho các hộ dân trong xã. Đây là mô hình kinh tế tập thể nhằm giúp nông dân đoàn kết, liên kết trong trao đổi kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm.
Dù không hoạt động trực tiếp trên địa bàn xã Sang Mộc nhưng HTX Thịnh Vượng (xã Nghinh Tường, giáp xã Sang Mộc) hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực trồng cây dược liệu dưới tán rừng. HTX này đang tạo điều kiện cho một số hộ dân trong xã Sang Mộc trồng và tiêu thụ dược liệu, giúp ổn định đầu ra và tăng thu nhập.
Với thế mạnh về cây chè, những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn xã cũng đã thành lập nhóm cùng sở thích trồng chè. Mô hình này tạo "sân chơi" để người trồng chè chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất chè, đồng thời tìm kiếm các kênh phân phối ổn định, giúp các thành viên trong nhóm giảm bớt khó khăn và nâng cao thu nhập so với sản xuất nhỏ lẻ trước đây.
Chị Nguyễn Thị Lan, một thành viên của nhóm cùng sở thích chè Sảng Mộc chia sẻ, từ khi tham gia nhóm, chị được hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc chè, được hỗ trợ thu mua với giá ổn định. Nhờ đó, thu nhập của gia đình cũng đã tăng lên đáng kể, có điều kiện để cải thiện cuộc sống.
Không chỉ trong lĩnh vực chè, hiện nay, các hộ dân trong xã đã liên kết thành các nhóm, hội trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi nhằm hỗ trợ nhau áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các đại lý, cửa hàng thực phẩm sạch. Những người đứng đầu các nhóm, hội này cũng đứng ra tín chấp vay vốn ngân hàng cho các hộ khác, giúp họ có nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất.
Theo đánh giá của ngành chức năng, các nhóm hội, tổ hợp tác là hình thức sơ khai của mô hình kinh tế tập thể, HTX, giúp người dân làm quen với cách làm ăn theo tập thể. Khi “buôn có bạn, bán có phường” sẽ giúp người dân hạn chế những khó khăn, hỗ trợ nhau sản xuất kinh doanh để hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao thu nhập. Cách làm này cũng phù hợp với địa phương có hơn 90% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số như xã Sảng Mộc. Hình thức liên kết hợp tác này cũng góp phần giảm chi phí sản xuất cho người dân, giúp họ giảm bớt gánh nặng chi phí, tăng lợi nhuận.
Nhiều hộ thoát nghèo
Nhờ sự chuyển hướng đúng đắn sang phát triển kinh tế hàng hóa và sự phát triển mạnh mẽ của các nhóm, hội, tổ hợp tác mà tỷ lệ hộ nghèo ở xã Sảng Mộc đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn.
Những ngôi nhà khang trang mọc lên, con cái được đến trường đầy đủ, người dân có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế và văn hóa tốt hơn. Bộ mặt nông thôn Sảng Mộc ngày càng đổi mới, khang trang hơn.
![]() |
Người dân đã bắt đầu làm quen với mô hình liên kết hợp tác để nâng hiệu quả sản xuất. |
Từ một xã với tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Võ Nhai, đến cuối năm 2024, toàn xã Sảng Mộc có 665 hộ dân thì chỉ còn 177 hộ nghèo, chiếm 16,7%. Số hộ cận nghèo là 11 hộ, chiếm 15,19%. Và cũng chỉ trong năm 2024, xã đã có 84 hộ thoát nghèo và 36 hộ thoát cận nghèo.
Anh Ma Văn Cường ở Bản Chấu, sinh năm 1994 là một hộ đã thoát nghèo, cho biết nhờ được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và phát triển kinh tế hàng hóa, xây dựng và cải tạo nhà ở..., đời sống gia đình anh đã bớt khó khăn.
Thành công trong công tác giảm nghèo ở Sảng Mộc không thể không kể đến sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành cũng như các tổ chức đoàn thể.
Trong đó, chính quyền xã đã đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất và vận chuyển hàng hóa.
Các chính sách hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại đã tạo động lực cho người dân và bước đầu tin tưởng vào mô hình liên kết, hợp tác để phát triển sản xuất trên quy mô lớn hơn.
Bên cạnh đó, các lớp tập huấn về kỹ năng sản xuất, quản lý kinh tế, tiếp cận thị trường được tổ chức thường xuyên, giúp người dân nâng cao kiến thức và năng lực. Chính quyền xã tích cực kết nối sản phẩm của người dân, nhóm sản xuất, tổ hợp tác với các doanh nghiệp, thương lái, tạo ra các kênh tiêu thụ ổn định cho sản phẩm hàng hóa.
Thúc đẩy hình thành HTX
Tuy nhiên, chính quyền và người dân Sảng Mộc vẫn xác định rằng công cuộc giảm nghèo là một quá trình lâu dài và cần sự nỗ lực không ngừng. Đặc biệt, để phát triển được kinh tế hàng hóa theo hướng bền vững thì cần có mô hình HTX. Vậy nhưng đến nay, xã Sảng Mộc vẫn chưa có mô hình HTX nào. Điều này khó giúp người dân nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đồng thời giải quyết những vấn đến lớn hơn là bảo vệ môi trường và phát triển văn hóa xã hội, hướng tới mục tiêu xây dựng một Sảng Mộc ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bên cạnh đó, Sảng Mộc là địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Võ Nhai và cũng là xã đặc biệt khó khăn. Đây cũng là xã vùng cao có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều dãy núi đá cao, hiểm trở. Trên địa bàn xã hiện chỉ có duy nhất tuyến đường huyện H05 đi qua, nhiều tuyến đường khác chưa được bê tông hóa. Người dân phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số.
Do đó, để thúc đẩy những hội, nhóm, tổ hợp tác đã có sẵn phát triển thành mô hình HTX, chính quyền xã Sảng Mộc xác định luôn khuyến khích, tuyên truyền, vận động người dân, các tổ, nhóm khi đủ điều kiện có thể thành lập HTX. Xã cũng sẽ liên kết với các ngành chức năng trong huyện để người dân được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thành lập và hoạt động theo mô hình HTX. Trong đó, có được hỗ trợ về pháp lý, tài chính và kỹ thuật trong quá trình mô hình này thành lập và phát triển.
Đại diện UBND xã Sảng Mộc cho rằng xã xác định phát triển kinh tế hàng hóa dựa trên nền tảng các tổ hợp tác, HTX là con đường bền vững để giảm nghèo cho người dân. Chính quyền xã luôn đồng hành, hỗ trợ người dân và các mô hình kinh tế tập thể trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao. Đồng thời, xã cũng đang đẩy mạnh hoàn thiện giao thông nông thôn, nâng cao chất lượng internet để người dân thuận lợi trong sản xuất kinh doanh cũng như nâng cao chất lượng đời sống.
Trí Chiến