Cái Nước, mảnh đất nằm ở cuối trời Nam, từng quen với những vụ mùa “được mùa mất giá, được giá mất mùa” và điệp khúc nghèo đói bám riết người dân suốt nhiều năm ròng. Nhưng ngày nay, mọi thứ đã đổi thay nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và hợp tác bền vững để tạo sinh kế.
Thay đổi để thoát nghèo
Cách đây gần 10 năm, xã Hưng Mỹ (huyện Cái Nước) vẫn là vùng canh tác lúa một vụ phụ thuộc nước trời. Mỗi mùa khô kéo dài, nông dân thấp thỏm với nỗi lo mặn xâm nhập, đồng khô cỏ cháy, năng suất bấp bênh.
Ông Nguyễn Văn Trí – một nông dân ở ấp Bào Hầm, nhớ lại: “Ngày trước, gia đình tui làm hơn 1ha lúa, cả năm trừ hết chi phí còn lời chưa tới 5 triệu. Có lúc phải chạy vạy từng bữa gạo”.
![]() |
Chuyển đổi sản xuất hiệu quả giúp nông dân, HTX ở Cái Nước thoát nghèo, làm giàu. |
Trong bối cảnh đầy khó khăn ấy, chính quyền địa phương cùng ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã bắt đầu rà soát, đánh giá lại toàn bộ tiềm năng đất đai, thủy văn và định hướng chuyển đổi phù hợp hơn.
Mô hình tôm – lúa bắt đầu được đưa vào thực nghiệm, sau đó nhân rộng. Nhờ đặc tính vùng nước lợ xen ngọt, cây lúa có thể trồng trong mùa mưa, còn mùa khô là thời điểm lý tưởng để nuôi tôm sinh thái, hạn chế dịch bệnh.
Từ một mô hình nhỏ lẻ, đến nay, toàn huyện Cái Nước có gần 18.000ha đất canh tác tôm – lúa, chiếm hơn 40% tổng diện tích đất nông nghiệp. Nhiều nông hộ đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên khá giả.
Đáng chú ý, không chỉ dừng lại ở việc chuyển đổi cây trồng, chính quyền huyện Cái Nước xác định muốn người dân thoát nghèo, làm giàu thì không thể sản xuất đơn lẻ. Việc tổ chức lại sản xuất theo mô hình HTX kiểu mới được xem là “chìa khóa” để nông dân hợp tác, cùng nhau nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
HTX Chế biến - Thương mại - Dịch vụ - Nuôi trồng thủy sản Cái Bát (xã Hòa Mỹ) là một trong những đơn vị tiên phong ở Cà Mau trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mang lại giá trị kinh tế vượt trội cho thành viên, nông dân liên kết.
Điểm tựa từ các HTX
Thành lập năm 2014 với 12 thành viên và 47 ha đất nuôi tôm, đến nay, HTX Cái Bát đã mở rộng quy mô lên 26 thành viên chính thức và 104 thành viên liên kết, quản lý tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 178 ha.
Nhờ sản xuất theo quy trình hiện đại, HTX trở thành đơn vị đầu tiên trong cả nước đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế ASC cho nuôi tôm sú và cua biển. Tiêu chuẩn này dựa trên 4 nền tảng chính, gồm môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm.
Nhờ chất lượng vượt trội, định hình thương hiệu bài bản, các sản phẩm của HTX được tiêu thụ rộng rãi tại các thành phố lớn như Cần Thơ, TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng…
Đặc biệt, nhờ áp dụng công nghệ cao và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế giúp HTX tiếp cận được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Brazil. Đây là bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
![]() |
Việc đẩy mạnh phát triển các HTX là chìa khóa để Cái Nước đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo bền vững. |
Tương tự, tại xã Đông Hưng, HTX Tân Lập Phát cũng là điểm sáng về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Trên diện tích hơn 35ha, HTX chuyển đổi từ đất lúa năng suất thấp sang trồng chuối xiêm, mãng cầu và dừa xiêm phục vụ thị trường xuất khẩu. HTX sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phân hữu cơ vi sinh và kiểm soát chất lượng đầu ra nghiêm ngặt.
Bà Võ Thị Cẩm Tú – một thành viên HTX Tân Lập Phát, chia sẻ: “Trồng chuối xuất khẩu, không chỉ chăm sóc cẩn thận mà phải tuân thủ quy trình kỹ thuật. Nhờ HTX hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu, tui yên tâm làm ăn. Một năm có thể thu hơn 120 triệu đồng từ 0,7ha chuối”.
Điều đáng ghi nhận là các mô hình chuyển đổi cây trồng ở Cái Nước không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn hài hòa với môi trường sinh thái. Mô hình tôm – lúa giúp duy trì tầng nước ngọt mùa mưa, làm sạch phèn, đồng thời giảm áp lực dịch bệnh cho vụ tôm sau.
Đặc biệt, HTX Nuôi trồng thủy sản Sinh Thái Cái Nước ở xã Trần Thới là mô hình tiêu biểu về sản xuất gắn bảo tồn rừng ngập mặn. Trên diện tích hơn 100ha, HTX phát triển mô hình tôm – rừng xen canh. Cây đước, cây mắm được bảo tồn, tạo điều kiện lý tưởng cho tôm sú sinh thái phát triển tự nhiên, không cần sử dụng kháng sinh hay thức ăn công nghiệp.
Hiện, mỗi năm HTX xuất khẩu khoảng 150 tấn tôm sinh thái sang thị trường châu Âu và Nhật Bản, đạt chuẩn ASC. Doanh thu năm 2024 vượt 18 tỷ đồng, lợi nhuận chia đều cho các thành viên. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm cho 50 lao động tại chỗ, ưu tiên con em hộ nghèo, gia đình chính sách.
Xóa nghèo, làm giàu bền vững
Có thể nói, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã và đang là hướng đi tất yếu thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội ở Cái Nước. Trong thành công ấy, có dấu ấn đậm nét của các HTX, với sự đồng hành thiết thực từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Cà Mau.
Cụ thể, nhằm thúc đẩy phát triển các HTX kiểu mới, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Cà Mau đã triển khai xây dựng mô hình HTX điểm tại Cái Nước. Mô hình này không chỉ giúp lan tỏa kinh nghiệm quản lý hiệu quả mà còn ứng dụng công nghệ và tăng cường liên kết chuỗi giá trị cho các HTX trong vùng.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Cà Mau đã tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản lý và chuyên môn cho các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX. Đặc biệt, việc tuyên truyền và tập huấn chuyên sâu về Luật HTX năm 2023 đã giúp các cán bộ HTX nắm vững kiến thức pháp lý và nâng cao kỹ năng quản trị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi và phát triển HTX theo hướng hiện đại.
Ngoài ra, nhằm giải quyết bài toán vốn cho các HTX, Liên minh HTX Việt Nam đã thúc đẩy triển khai các loại quỹ, dịch vụ cho vay, đồng thời đề xuất đơn giản hóa quy trình tiếp cận Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Điều này giúp các HTX dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, mở rộng sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2024, toàn huyện Cái Nước có 27 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động địa phương. Thu nhập bình quân thành viên HTX đạt từ 6,5 – 9 triệu đồng/tháng. Nhiều hộ dân không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ sản xuất giỏi, tiên phong ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Với những thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cùng những đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác, HTX, quá trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở Cái Nước có những chuyển biến tích cực. Tính đến cuối năm 2024, huyện Cái Nước ghi nhận tỷ lệ hộ nghèo là 0,58%, tương đương 202 hộ. Ngoài ra, huyện còn 538 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,56%.
Huyện Cái Nước đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,48%, đồng thời tập trung các giải pháp ngăn chặn tái nghèo và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Nam Phong